Đầu tư có chọn lọc xây dựng các công trình giao thông trọng điểm
Kinh tế - Ngày đăng : 07:16, 03/01/2014
DA được khởi công ngày 14-4-2012, dự kiến hoàn thành sau 21 tháng thi công, nhưng chỉ đến ngày 15-10, cầu chính thức đưa vào sử dụng, sớm 3 tháng so với kế hoạch. DA đã giúp giảm tải cho cầu Sài Gòn hiện hữu, giải tỏa ùn tắc giao thông, nâng cao năng lực lưu thông tại cửa ngõ đông bắc thành phố, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội thành phố và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài cũng vừa được thông xe và đưa vào sử dụng. |
Công trình ấn tượng không kém là DA đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (đường Phạm Văn Đồng), được đầu tư xây dựng theo hình thức BT. Tuyến đường này được khởi công đầu tháng 6-2008 với tổng số vốn đầu tư gần 495 triệu USD. Sau 5 năm thi công, ngày 28-9-2013, tuyến đường đã thông xe đợt 1 (đoạn từ nút giao Nguyễn Thái Sơn đến nút giao Bình Triệu dài 4,7km, toàn tuyến dài gần 14km). Đây là trục đường hướng tâm quan trọng trong quy hoạch hệ thống giao thông thành phố, nối từ sân bay Tân Sơn Nhất - quốc lộ 13 - quốc lộ 1 - 1K đi qua địa bàn các quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và Thủ Đức.
Một DA không thể không nói tới là DA xây dựng cụm các cầu vượt bằng thép. Năm 2013 thành phố cũng đã đưa vào sử dụng 6 cây cầu (tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng) trên các tuyến giao thông huyết mạch như: Ngã tư Thủ Đức; Hàng Xanh; nút giao Lăng Cha Cả; nút giao thông đường 3/2 - Lý Thái Tổ và Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám… Đáng nói, các cây cầu đều hoàn thành vượt tiến độ và giải quyết cơ bản ùn tắc tại các nút giao trọng điểm. Cũng trong năm 2013, thành phố cũng hoàn thành và thông xe hai cầu vượt (tổng số vốn 700 tỷ đồng) trên quốc lộ 1 (vượt tiến độ 2 tháng so với kế hoạch).
Theo ông Bùi Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, thành phố đang tiếp tục nỗ lực hoàn thiện các công trình giao thông trọng điểm còn lại trước thời điểm Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, gồm DA xây dựng cầu Rạch Tra (nối huyện Hóc Môn với Củ Chi) cùng đường dẫn, với chiều dài gần 1,5km; đường TTN15 kết nối với đường Phan Văn Hớn (huyện Hóc Môn); đường vào ĐH Sài Gòn; nâng cấp, mở rộng và xây dựng đường HT11 (quận 12); Thảm bê tông nhựa đường Nguyễn Hữu Thọ (đoạn từ cầu Kênh Tẻ đến ngã tư Nguyễn Văn Linh, quận 7).
Theo danh mục DA giao thông được xác lập trong 5 năm (2011-2015), thành phố phải xây mới 210km đường và 50 cây cầu. Trước những khó khăn về tài chính, năm 2014, ngành chức năng thành phố sẽ đầu tư có chọn lọc các công trình giao thông trọng điểm có khả năng hoàn thành như: DA mở rộng tỉnh lộ 10 (nối TP Hồ Chí Minh với tỉnh Long An) và xây dựng đường tỉnh lộ 10B; DA mở rộng Xa lộ Hà Nội đoạn từ cuối nút giao ĐH Quốc gia đến nút giao Tân Vạn (tỉnh Bình Dương), chiều dài hơn 3km; DA nâng cấp đô thị (thành phần số 4), cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm, với tổng vốn đầu tư gần 2.600 tỷ đồng; Đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, hoàn thành hơn 9km tiếp theo nối trực tiếp sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất; DA chống sạt lở kênh Thanh Đa - đoạn 1.2 và 1.4 (quận Bình Thạnh), với tổng mức đầu tư gần 60 tỷ đồng... Thành phố cũng xây dựng cơ chế tạm ứng, cụ thể nếu mặt bằng đủ điều kiện đáp ứng sẽ được xem xét, cho tạm ứng để hoàn thành công trình, hạn chế việc tạm ngừng thi công. Theo ông Bùi Xuân Cường, thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị sử dụng vốn đầu tư xây dựng lớn cần đánh giá khả năng thực hiện của các chủ đầu tư. Các sở, ngành chức năng cần nghiên cứu áp dụng thí điểm hình thức hợp tác công tư (PPP), BT... đối với một số DA trọng điểm năm 2014 nhằm huy động nguồn vốn khu vực tư nhân tham gia đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng.
Thông xe 20km đầu đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây Hà Phạm |