Muốn triệt để, phải quyết liệt

Xã hội - Ngày đăng : 06:40, 03/01/2014

(HNM) - Những vấn đề gây bức xúc dư luận trong thời gian qua như ngộ độc rượu, thực phẩm

Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2013, công tác truyền thông, thanh tra kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) được tăng cường. Tỷ lệ cơ sở vi phạm về ATVSTP đã giảm từ 21,2% năm 2012 xuống còn 20,1% năm 2013. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, ngộ độc thực phẩm giảm nhưng ngộ độc rượu trở nên đáng lo ngại hơn bao giờ hết. Năm qua đã xảy ra 5 vụ ngộ độc rượu, trong đó có 14 người tử vong do hàm lượng methanol trong rượu quá cao. Các kết quả kiểm nghiệm năm 2013 cho thấy, rượu là mẫu phát hiện nhiều độc tố nhất. Cụ thể, có hơn 61% mẫu rượu không đạt chỉ tiêu an toàn, chứa hàm lượng methanol cao. Đáng lo ngại, Việt Nam lại là nước sử dụng rượu nhiều nhất. Trung bình một năm một người uống khoảng 5 lít rượu.



Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến bày tỏ quan ngại, không chỉ có rượu chứa hàm lượng methanol cao mà ngay cả nước ngọt cũng được pha chế mất an toàn với công thức: Nước lã kết hợp với đường hóa học và phẩm màu. Vào dịp Tết sắp tới, dự báo lượng tiêu thụ hai loại đồ uống này sẽ tăng cao. Tuy nhiên, có thể thấy rằng những vụ ngộ độc thực phẩm chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm". Sự nguy hại của thực phẩm mất an toàn nằm ở chỗ ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe, đến giống nòi, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Ở các nước phát triển, vấn đề ATVSTP luôn được coi trọng. Đơn cử như Mỹ có tới 8.000 thanh tra về lĩnh vực vệ sinh thực phẩm, trong khi ở quốc gia này không có nhiều quán hàng rong vỉa hè, thức ăn đường phố như nước ta. Đưa ra phép so sánh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiến nghị, nên xây dựng đề án thí điểm thanh tra chuyên ngành ATVSTP tại hai trung tâm lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, để kiểm soát ATVSTP cần đầu tư cho hệ thống kiểm nghiệm. Bởi vì vấn đề kiểm nghiệm hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Ngay cả Viện Kiểm nghiệm Trung ương cơ sở vật chất vẫn thiếu.

Không chỉ lĩnh vực ATVSTP mà cả y tế dự phòng cũng lâm vào cảnh khó khăn vì trang thiết bị và nguồn nhân lực đều thiếu và yếu. Đại diện Sở Y tế Lai Châu than phiền, hệ thống y tế dự phòng kiểm soát dịch bệnh của địa phương còn nhiều bất cập. Tuyến huyện chưa có trang thiết bị cho y tế dự phòng, tuyến tỉnh tuy có trang thiết bị nhưng… không sử dụng được. Do đó, khi có ổ dịch xảy ra, muốn chẩn đoán xác định đó là loại dịch bệnh gì thì phải lấy mẫu gửi về trung ương, phải chờ 5-7 ngày mới có kết quả trong khi dịch bệnh lây lan nhanh, địa phương không biết xử lý như thế nào. Nhiều nhà quản lý trên lĩnh vực này cho rằng: Hiện nay mô hình tổ chức y tế dự phòng được tổ chức dàn trải, gồm cả Trung tâm Y tế dự phòng, Phòng Y tế, đơn vị phòng chống sốt rét, phòng chống da liễu… khiến nguồn nhân lực, vật lực bị phân tán. Khi xảy ra sự việc rất khó quy trách nhiệm rõ ràng cho các đơn vị vì vậy, nên chăng quy về một mối thành trung tâm kiểm soát dịch bệnh sẽ hoạt động có hiệu quả hơn.

Lo ngại dịch bệnh sẽ lây truyền qua đường biên giới, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, buôn lậu gia cầm lãi chỉ sau buôn ma túy. Vì vậy, nhiều người bất chấp thủ đoạn để buôn lậu, do đó virus cúm H5N1, H7N8, H10N9 sẽ lan truyền qua đường này. Bộ trưởng Bộ NN& PTNT cũng lưu ý về những biến đổi của virus H5N1, đặc biệt đã có người tử vong do biến thể của virus này ở Campuchia. Vì vậy, Việt Nam cần ngăn chặn và quyết liệt ngăn chặn nguồn xâm nhập gia cầm từ biên giới.

Tuy nhiên, như một đại biểu tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn, cho biết, đối tượng buôn lậu sử dụng phương tiện vận chuyển hiện đại, trong khi đó lực lượng phòng chống buôn lậu thì không đủ phương tiện hoặc sử dụng phương tiện thô sơ. "Việc ngăn chặn nạn buôn lậu qua biên giới có thể nói là "bài ca muôn thuở", khó giải quyết triệt để", đại biểu này lo ngại.

Đề cao vai trò của các địa phương

Đại diện Bộ Tài chính nhận xét, lĩnh vực ATVSTP luôn thường trực sai phạm. Tuy nhiên, việc xử phạt hiện nay vẫn như "phủi bụi" khiến các cơ sở kinh doanh "nhờn thuốc". Thậm chí, nhiều địa phương chỉ áp dụng biện pháp "nhắc nhở" là chính trong khi vấn đề ATVSTP ngày càng "nóng bỏng" và đáng lo ngại hơn bao giờ hết.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, hiện nay vai trò của chính quyền địa phương trong phòng chống dịch bệnh là rất quan trọng. Chính quyền địa phương không quyết liệt thì ở trên, các bộ, ngành cũng không thể nào làm nổi. "Bên cạnh công tác kiểm tra, lấy mẫu cần áp dụng biện pháp xử phạt gấp 7 lần giá trị tài sản vi phạm, thậm chí rút giấy phép kinh doanh và đóng cửa, sau đó thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân "tẩy chay" sản phẩm đó. Số tiền phạt sẽ được sử dụng để tái đầu tư cho công tác phòng chống dịch bệnh và ATVSTP", Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, vấn đề ATVSTP liên quan rộng lớn và trực tiếp đến sức khỏe con người và giống nòi. Do đó, tất cả các nước trên thế giới đều tập trung quan tâm giải quyết. Ở Việt Nam cũng triển khai nhiều năm nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc, nguyên nhân do từ địa phương đến cơ sở chưa quyết liệt hành động. Để giải quyết triệt để, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, ngoài việc xử phạt thật nặng, thật kiên quyết cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục để người dân hiểu về ATVSTP. Bởi vì hiện nay có rất nhiều hộ cá thể sản xuất thực phẩm, chưa nắm rõ được nguy hại của việc sản xuất thực phẩm "bẩn", độc hại.

Hà Nội: Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cao nhất trong dịp Tết Nguyên đán
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, thành phố đã thành lập 6 đoàn thanh, kiểm tra ATVSTP trong dịp Tết Nguyên đán tập trung thanh, kiểm tra vào nơi sản xuất, làng nghề sản xuất mứt, rượu… Bên cạnh công tác kiểm tra sẽ lấy mẫu xét nghiệm, sau đó sẽ có thông báo rộng rãi trên phương tiện truyền thông đại chúng để người dân biết được đơn vị nào sản xuất an toàn, đơn vị nào vi phạm. Ngoài ra, Hà Nội cũng thành lập 10 chốt kiểm dịch ra vào thành phố, tăng cường 30 người/chốt, tập trung kiểm dịch tại các chợ đầu mối. Ngành y tế Thủ đô cũng thành lập 5 đội cơ động, kiểm tra nếu nhận thông tin những cơ sở sản xuất không bảo đảm an toàn. Công tác kiểm tra sẽ tăng cường và quyết liệt để bảo đảm cao nhất ATVSTP cho người dân dịp Tết.

Thu Trang