Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nói về chuyện lương, thưởng Tết

Giáo dục - Ngày đăng : 08:47, 02/01/2014

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết: “Thưởng Tết với ngành giáo dục là rất khó. Ngay cả ở Bộ cũng không có bất cứ nguồn nào, không có ngân sách nào cho thưởng Tết”.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận


Về thưởng Tết của giáo viên, Bộ trưởng Luận cho biết, Bộ không có ngân sách. Việc lo lương, lo thưởng đúng là một công việc đặt ra ở các cơ sở giáo dục. Chỉ có ở các địa phương tùy vào hoàn cảnh của mình để có sự quan tâm tới các thầy cô.

“Trên phạm vi toàn ngành, các nguồn kinh phí đã theo dòng ngân sách, không ai được phép dùng ngân sách để chi thưởng Tết, đây là một thực tế, bản thân tôi cũng không có giải pháp nào khắc phục việc này” - Bộ trưởng Luận nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT lý giải thêm, theo quy định 80% ngân sách Nhà nước cấp cho giáo dục để trả lương giáo viên và cán bộ quản lý, 20% cho các hoạt động giáo dục. Nhưng thực tế, hầu như toàn bộ ngân sách cấp cho nhà trường chỉ đủ chi lương, chiếm tới 80-90%, thậm chí 95%, như vậy không còn tiền để mua phấn, giấy bút, văn phòng phẩm...

Vấn đề lương giáo viên, Bộ trưởng Luận cho biết: "Vấn đề này được đặt ra từ Nghị quyết TƯ2 khoá VIII năm 1996 nhưng chưa làm được do nhiều lý do, cả khách quan và chủ quan. Tôi không có điều kiện hiểu hết giai đoạn trước, nhưng tôi biết giải quyết bài toán tiền lương liên quan đến nhiều nhân tố và điều kiện thuộc các lĩnh vực khác nhau và phải giải quyết từng bước theo nhịp điệu tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế quốc dân. Nghị quyết 29 NQ/TW nêu lại vấn đề này với quyết tâm và giải pháp triển khai mới để sớm đưa chủ trương đúng đắn này vào thực hiện. Ngoài vấn đề lương, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm tới các chế độ đối với giáo viên như phụ cấp nghề nghiệp, thâm niên, phụ cấp thu hút cho thầy cô giáo miền xuôi lên miền núi giảng dạy, chế độ, điều kiện làm việc cho các GS, PGS…".

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Luận: "Cùng với những đãi ngộ, sẽ có những chế tài xử lý nghiêm khắc đối với các thầy cô giáo vi phạm kỷ luật của ngành. Bên cạnh việc tôn vinh đãi ngộ, chúng tôi sẽ kiên quyết quyết đưa ra khỏi ngành những người không đủ phẩm chất, năng lực; không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ".

Năm 2014, năm đầu tiên thực hiện Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, về kinh phí cho Đề án này, Bộ trưởng Luận cho biết: “Bộ chưa tính toán hết nhưng biết rằng, đổi mới căn bản toàn diện giáo dục có nhiều đề án khác nhau, từng đề án sẽ được cân đối và tính toán. Các nguồn kinh phí được lồng ghép, không tách bạch ra hết. Chẳng hạn đề án xây dựng cơ sở vật chất trường lớp được đặt ra ở đây nhưng kinh phí bố trí sẽ lại nằm ở chương trình kiên cố hóa trường lớp học. Cũng giống như kinh phí để bảo đảm đời sống giáo viên chắc chắn không nằm ở đề án này mà ở đề án tiền lương do Ủy ban cải cách tiền lương cán bộ công chức đang chuẩn bị. Bởi vậy, bậc lương, các loại phụ cấp của giáo viên sẽ được tính toán tại đề án cải cách tiền lương cán bộ công chức trên tinh thần của Nghị quyết 29 và tổng quỹ lương. Lương cho nhà giáo ngoài công lập sẽ do các cơ sở tự chủ, không tính toán ở đề án này”.

Theo Hồng Hạnh