Những sự kiện đáng chú ý của TP Hà Nội năm 2013

Chính trị - Ngày đăng : 07:31, 01/01/2014

1. Sau 5 năm mở rộng địa giới hành chính,Thủ đô Hà Nội đã có thế và lực mới Ngày 31-7-2013, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 15/2008 của Quốc hội khóa XII về điều chỉnh địa giới hành chính.



Ngày 31-7-2013, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 15/2008 của Quốc hội khóa XII về điều chỉnh địa giới hành chính. Hội nghị đã khẳng định tính đúng đắn của chủ trương mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, đồng thời xác định phương hướng, nhiệm vụ cũng như quyết tâm, khí thế mới thực hiện Nghị quyết 15 trong thời gian tới. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá, sau 5 năm hợp nhất, Thủ đô Hà Nội đã có thế và lực mới. Chủ tịch Quốc hội tin tưởng nhất định Thủ đô Hà Nội sẽ ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, văn minh, thanh lịch hơn, xứng đáng là trái tim của cả nước, Thủ đô Văn hiến, Anh hùng.

2. Thông qua 11 nghị quyết cụ thể hóa Luật Thủ đô



Ngày 1-7-2013, Luật Thủ đô chính thức có hiệu lực, tạo cơ sở pháp lý quan trọng, cho phép áp dụng có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù về xây dựng, quản lý và phát triển Thủ đô. Tại kỳ họp thứ bảy, HĐND TP Hà Nội khóa XIV, HĐND thành phố đã thông qua 11 nghị quyết nhằm cụ thể hóa Luật Thủ đô. Đây là những nội dung quan trọng, tác động trực tiếp và lâu dài đến sự phát triển của Thủ đô và đời sống dân sinh.

3. Lần đầu tiên lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND bầu

Năm 2013, HĐND TP Hà Nội và 29 quận, huyện, thị xã đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND bầu theo Nghị quyết 35 của Quốc hội. Đây là lần đầu tiên HĐND các cấp thành phố Hà Nội thực hiện quyền giám sát thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những chức danh chủ chốt cho HĐND bầu ra.

4. "Tuyên chiến" với tiêu cực trong thi tuyển công chức



Năm 2013, lần đầu tiên TP Hà Nội tổ chức thi tuyển công chức với 3/5 môn thi trắc nghiệm trên máy tính, đồng thời lắp đặt camera ở tất cả các phòng thi nhằm "tuyên chiến" với tiêu cực. Đây là kỳ thi có số thí sinh dự tuyển đông nhất (3.837), số chỉ tiêu ít nhất (487), số ngày thi trắc nghiệm dài nhất từ trước đến nay (10 ngày). 1.044 thí sinh đủ điều kiện đã trải qua kỳ thi. Nhìn chung, kỳ thi diễn ra nghiêm túc, đúng quy chế và thành phố đã rút kinh nghiệm để ngày càng hoàn thiện, áp dụng rộng rãi, góp phần bảo đảm nguyên tắc khách quan, công bằng, chất lượng trong thi tuyển công chức.

5. Hiệu ứng của "Năm kỷ cương hành chính - 2013"



Nhằm đổi mới mạnh mẽ công tác chỉ đạo, điều hành, UBND thành phố xác định năm 2013 là "Năm kỷ cương hành chính". Kết quả triển khai "Năm kỷ cương hành chính" đã tạo chuyển biến rõ rệt. Ý thức, nhận thức của đội ngũ cán bộ công chức đã có chuyển biến với tinh thần trách nhiệm cao hơn, phục vụ giao dịch hành chính cho nhân dân tốt hơn. Việc tiếp nhận xử lý, tháo gỡ những vướng mắc, kiến nghị của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp theo thẩm quyền đã đi vào nền nếp. Các cơ quan, đơn vị trong hệ thống hành chính thành phố đã có sự phối hợp tương đối hiệu quả trong giải quyết công việc và kịp thời xử lý những vấn đề cấp bách, nhạy cảm phát sinh, các vấn đề dân sinh bức xúc.

6. Huyện Từ Liêm được tách thành 2 quận: Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm


Ngày 27-12-2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Nghị quyết số 132/NQ-CP chấp thuận điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm để thành lập 2 quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm và 23 phường. Quận Bắc Từ Liêm rộng 4.335,34ha với 320.414 nhân khẩu. Quận Nam Từ Liêm có diện tích 3.227,36ha và 232.894 nhân khẩu. Với việc điều chỉnh địa giới nói trên, TP Hà Nội sẽ có 30 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 12 quận, 17 huyện, 1 thị xã.

7. Diễn tập khu vực phòng thủ TP Hà Nội



Diễn tập khu vực phòng thủ thành phố Hà Nội từ ngày 15 đến 17-11-2013 đã thành công tốt đẹp. Cuộc diễn tập lần này nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; năng lực quản lý điều hành của chính quyền các cấp; phát huy vai trò tham mưu của các sở, ban, ngành, MTTQ, tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội thành phố trong việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh. Đây cũng là dịp để kiểm tra, đánh giá quyết tâm, phương án phòng thủ, khả năng bảo đảm của nền kinh tế quốc dân, trình độ chỉ huy và khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang Thủ đô.

8. Giảm đáng kể ùn tắc và tai nạn giao thông



Khánh thành 7 cây cầu vượt nhẹ bằng thép trong năm là nỗ lực rất lớn của Hà Nội nhằm giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông. Nếu như cuối năm 2012, trên địa bàn Hà Nội có tới 128 điểm ùn tắc thì đến nay đã giảm còn 57 điểm, thời gian ùn tắc cũng giảm đáng kể.

9. Tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 8,25%



Những chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Chính phủ và các giải pháp tháo gỡ khó khăn của UBND TP Hà Nội đối với các doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả, tác động tích cực đến tình hình kinh tế - xã hội của thành phố. Tổng sản phẩm trên địa bàn Hà Nội năm 2013 tăng 8,25% so với năm trước và là mức tăng khá cao so với mức chung của cả nước.

10. Hà Nội có thêm 5 di tích quốc gia đặc biệt


Năm 2013, Hà Nội có thêm 5 di tích được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt là đình Tây Đằng (huyện Ba Vì), đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh), đền Hát Môn (huyện Phúc Thọ), đền Ngọc Sơn và khu vực hồ Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm), đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm). Đây là những công trình có giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, cảnh quan có một không hai. Đình Tây Đằng thờ Thánh Tản Viên, tương truyền được xây dựng vào thế kỷ XVI, có kiến trúc độc đáo bậc nhất vùng Đồng bằng Bắc bộ, còn tương đối nguyên vẹn cho đến ngày nay.

Báo Hànộimới