Khẩn trương đưa Hiến pháp vào cuộc sống
Chính trị - Ngày đăng : 06:59, 01/01/2014
Ưu tiên sửa các quy định trái Hiến pháp
Tại các cuộc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII của đại biểu Quốc hội, cử tri TP Hà Nội đánh giá cao những nội dung của Hiến pháp mới. So với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi năm 2013) chỉnh lý hầu hết các chương, điều, từ kinh tế, xã hội đến văn hóa, giáo dục. Trong đó có nhiều điểm mới cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến. Điểm nổi bật là đã thể hiện rõ hơn bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước dân chủ, Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Bên cạnh đó, Hiến pháp còn quy định cụ thể các phương thức để nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, HĐND và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước mà không chỉ thông qua Quốc hội và HĐND như Hiến pháp năm 1992.
Hiến pháp mới là nền tảng pháp lý quan trọng để đẩy mạnh công cuộc CNH-HĐH đất nước. |
Trong bối cảnh tình trạng nợ đọng nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật chưa có nhiều chuyển biến, điều cử tri quan tâm là Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ sẽ ưu tiên cụ thể hóa, chỉ đạo việc rà soát, sửa đổi vấn đề nào trước và tiến hành trong thời gian nào? Đây là nhiệm vụ rất nặng nề, đòi hỏi các Phó Thủ tướng Chính phủ và bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ đề cao tinh thần trách nhiệm, từ đó mới có cơ sở tạo chuyển biến rõ nét trong công tác xây dựng các luật liên quan chặt chẽ với Hiến pháp.
Nêu quan điểm đồng tình với các ý kiến trên, tại cuộc họp triển khai thi hành Hiến pháp do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức cách đây ít ngày, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên đề xuất, kể từ ngày 1-1-2014 những gì Hiến pháp đã quy định cần phải triển khai thi hành ngay. Ông Hoàng Thế Liên cũng cho rằng, việc sửa những quy định của pháp luật hiện hành trái quy định của Hiến pháp phải được coi là ưu tiên số một. Với vai trò "gác cổng" pháp luật, Bộ Tư pháp sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện.
Trước mắt, các ngành chức năng phải ưu tiên rà soát hệ thống văn bản pháp luật để chọn lọc các nội dung cần sửa đổi, bãi bỏ hoặc ban hành ngay, giúp các cơ quan nhà nước thực hiện thẩm quyền mới theo quy định của Hiến pháp. Trong đó có quy định về việc Chủ tịch nước phong, thăng, giáng, tước quân hàm sĩ quan cấp tướng; quy định về bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức thẩm phán để bảo đảm việc thực hiện có giá trị cả về pháp luật và thực tế. Tiếp đó là hoàn thiện, bổ sung các quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, các văn bản pháp luật liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân...
Bảo đảm tính hợp lý và hiệu quả
Để tinh thần và việc thực hành nguyên tắc thượng tôn Hiến pháp lan tỏa trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, trong ý thức, nếp nghĩ, việc làm cụ thể của mỗi người dân, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý, ngoài việc tập trung sửa đổi, bổ sung, xây dựng luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lập kế hoạch tuyên truyền Hiến pháp. Dự kiến, trong tháng 1-2014, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thi hành Hiến pháp. Việc thành lập Ban chỉ đạo có nhiệm vụ đôn đốc, theo dõi, điều phối công tác triển khai thực hiện kế hoạch cũng đã được tính đến. Dẫu vậy, nhiều ý kiến cho rằng, đây đều là các công việc cần thiết nhưng chưa đủ.
Dưới góc độ là người đứng đầu cơ quan tham mưu, đề xuất thẩm định, thẩm tra các vấn đề về kinh tế, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu khẳng định, nên có đề án về tuyên truyền phổ biến Hiến pháp, trong đó quy định rõ kinh phí và việc quản lý kinh phí mới bảo đảm thực hiện hiệu quả, tiết kiệm. Còn theo ông Nguyễn Tiến Dũng (cử tri quận Hà Đông), ngay từ bây giờ, cần tập trung tổ chức biên soạn lại sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu nghiên cứu, giảng dạy về Hiến pháp. Đồng thời, tổ chức các hội nghị, hội thảo nhằm tuyên truyền giới thiệu, phổ biến nội dung, ý nghĩa của Hiến pháp với hình thức tổ chức thực hiện đa dạng. Khi nhân dân nắm được Hiến pháp, nhất là về quyền con người, quyền công dân, cũng sẽ có cơ sở để giám sát Nhà nước trong thực hiện Hiến pháp. Thông qua kênh phổ biến Hiến pháp, các bộ, ngành, địa phương có thể tiếp tục huy động được ý kiến tâm huyết của các tầng lớp nhân dân về các luật cần sửa đổi, kế đến là những quy định thực thi theo Hiến pháp đã có nhưng chưa đầy đủ và cuối cùng là những điểm Hiến pháp đã quy định nhưng các luật chưa có.
Để tuyên truyền đủ, đúng các nội dung của Hiến pháp cũng cần sớm biên soạn và ban hành tài liệu tuyên truyền về Hiến pháp thống nhất từ TƯ đến địa phương và lưu ý tổ chức, đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ báo cáo viên. Thời gian qua, chúng ta đã tổ chức rất nhiều đợt tuyên truyền phổ biến pháp luật mới có hiệu lực thi hành, song không phải chương trình nào cũng đến với nhân dân một cách hiệu quả. Kinh nghiệm cho thấy, với những địa phương tuyên truyền chạy theo các yêu cầu về thời sự mà bỏ quên tính dễ hiểu, dễ thẩm thấu thì khó thu hút người nghe, nhận thức về pháp luật của nhân dân bị hạn chế rõ rệt. Những hạn chế này cần được khắc phục trong công tác tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp, nhằm tạo sự đồng thuận, nhanh chóng đưa Hiến pháp đi vào cuộc sống.
Từ ngày 1-1-2014 6 luật có hiệu lực |