Quyền hưởng thừa kế của mẹ nuôi
Xã hội - Ngày đăng : 06:09, 31/12/2013
Khi tôi còn nhỏ thì cha mẹ mất do tai nạn và được một phụ nữ góa chồng nhận làm con nuôi. Vừa qua, do bệnh nặng, mẹ nuôi tôi mất mà không để lại di chúc. Khi gia đình họp bàn về phân chia di sản thừa kế thì các anh, em của tôi (là con ruột của mẹ) không đồng ý với lý do tôi chỉ là con nuôi. Vậy, trường hợp của tôi có quyền hưởng thừa kế từ mẹ nuôi hay không?
Trần Thị Hồng (Ba Đình, Hà Nội)
Thạc sĩ, luật sư Quản Văn Minh (Công ty Luật số 5 - Quốc gia, website: www.luatsuvietnam.vn) trả lời:
- Theo khoản 1, Điều 68, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thì: "… người được nhận làm con nuôi phải là người từ 15 tuổi trở xuống. Người trên 15 tuổi có thể được nhận làm con nuôi nếu là thương binh, người tàn tật, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc làm con nuôi của người già yếu cô đơn".
Ngoài ra, Điều 69, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 còn quy định: Người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây: 1. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; 2. Hơn con nuôi từ hai mươi tuổi trở lên; 3. Có tư cách đạo đức tốt; 4. Có điều kiện thực tế bảo đảm việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi; 5. Không phải là người đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên hoặc bị kết án mà chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên phạm pháp; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em; các tội xâm phạm tình dục đối với trẻ em; có hành vi xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
Bên cạnh đó, Điều 71, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định về việc đồng ý của cha mẹ đẻ, người giám hộ và người được nhận làm con nuôi:
1. Việc nhận người chưa thành niên, người đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự làm con nuôi phải được sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ đẻ của người đó; nếu cha mẹ đẻ đã chết, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được cha, mẹ thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của người giám hộ; 2. Việc nhận trẻ em từ đủ 9 tuổi trở lên làm con nuôi phải được sự đồng ý của trẻ em đó.
Ngoài ra, còn phải thực hiện thủ tục đăng ký việc nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật: "Việc nhận nuôi con nuôi phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký và ghi vào sổ hộ tịch. Thủ tục đăng ký việc nuôi con nuôi, giao nhận con nuôi được thực hiện theo quy định của pháp luật về hộ tịch" (Điều 72. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000).
Như vậy, nếu việc được nhận làm con nuôi của chị thỏa mãn những điều kiện trên, chị mới có cơ sở để xét thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo quy định tại điểm a, Khoản 1, Điều 676, Bộ luật Dân sự năm 2005: "Hàng thừa kế thứ nhất gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết".
Khi đó, chị có quyền yêu cầu chia di sản thừa kế của mẹ nuôi theo đúng quy định của pháp luật. Ngược lại, nếu việc làm con nuôi của chị chỉ trên cơ sở tình cảm mà không đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên thì xét về bản chất pháp lý không thuộc diện "con nuôi" theo hàng thừa kế thứ nhất của người chết như điều luật nêu trên. Do vậy, chị sẽ không có quyền hưởng thừa kế từ "mẹ nuôi" theo quy định pháp luật về hàng thừa kế nêu trên.