Phòng chống bạo lực gia đình: Tìm giải pháp từ gốc

Đời sống - Ngày đăng : 05:55, 31/12/2013

(HNM) - Tại hội thảo


Muôn vẻ bạo lực

Kết quả điều tra mới đây của Bộ VH,TT&DL cho thấy, học vấn của người chồng càng cao thì tỷ lệ có hành vi bạo lực đối với vợ càng giảm đi. Chẳng hạn, đối với hành vi sỉ nhục hay lăng mạ, tỷ lệ người chồng có hành vi này đối với vợ trong 12 tháng trước, khảo sát theo mức học vấn, lần lượt là 28% đối với người chồng có học vấn tiểu học, 17,6% đối với học vấn THCS, 12,5% đối với học vấn THPT và 10,2% đối với học vấn từ cao đẳng trở lên. Đối với hành vi tát, đánh, đấm, đá, tỷ lệ theo các mức độ học vấn vừa nêu lần lượt là 13,8%, 9,4%, 6,5% và 1,6%.

Gia đình hạnh phúc là nền tảng phát triển xã hội.



Những người chồng làm việc trong khu vực nhà nước có tỷ lệ gây bạo lực thấp hơn rõ rệt so với những người làm việc trong khu vực hợp tác xã và liên doanh (7,3% có hành vi sỉ nhục và 2,4% có hành vi tát, đánh, đá, đấm đối với những người chồng làm trong khu vực nhà nước so với 20% có hành vi sỉ nhục và 5% có hành vi tát, đánh, đấm, đá đối với những người chồng làm việc trong khu vực hợp tác xã và liên doanh). Tiếp đó, những người làm việc trong khu vực hợp tác xã và liên doanh có tỷ lệ hành vi bạo lực thấp hơn so với những người làm việc tư nhân hoặc hộ gia đình. Điều rất đáng lưu ý là với nhóm người vợ có đóng góp kinh tế cao hơn người chồng trong gia đình, tỷ lệ bị bạo lực cao hơn so với nhóm người vợ có đóng góp kinh tế thấp hơn hoặc bằng chồng. Đối với trường hợp người chồng có thu nhập thấp hơn vợ, 27,2% số người chồng trong diện khảo sát có hành vi sỉ nhục, lăng mạ vợ; 16,4% có hành vi tát, đánh, đấm, đá vợ.

Có sự khác biệt về mức độ bị bạo lực theo các nhóm người cao tuổi khác nhau và nhìn chung, tỷ lệ người cao tuổi ở khu vực nông thôn từng bị bạo lực trong 12 tháng trước khảo sát cao hơn so với ở đô thị.

Theo số liệu tổng hợp từ 63 tỉnh, thành phố năm 2010, trong phạm vi cả nước xảy ra 53.863 vụ bạo lực gia đình; năm 2011, con số này là 46.449 vụ và vào năm 2012 là 40.797 vụ. Năm 2013, số liệu thống kê 6 tháng đầu năm cho thấy, có 13.415 vụ bạo lực gia đình. Nạn nhân là phụ nữ chiếm tỷ lệ cao nhất trong số vụ bạo lực gia đình xảy ra trong 4 năm qua - 60,81%. Nếu phân loại hành vi bạo lực giữa vợ và chồng thành các nhóm hành vi bạo lực tinh thần, bạo lực thể chất, bạo lực tình dục, bạo lực kinh tế thì tỷ lệ về các hành vi bạo lực của chồng đối với vợ lần lượt là 25,1%, 8,5%, 2,9% và 4,6%.

Đề cao giá trị nhân văn

Theo ông Hoa Hữu Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VH,TT&DL), dù có nhiều người cho rằng nguyên nhân của bạo lực gia đình bắt nguồn từ rượu, ma túy, cờ bạc, thất nghiệp, ghen tuông, nhưng những yếu tố này không phải là nguyên nhân gốc rễ. Bạo lực gia đình ở Việt Nam là vấn đề phức tạp, được dung dưỡng bởi những hủ tục, đặc biệt là quan điểm bất bình đẳng về giới. "Giá trị truyền thống" này đã tác động đến tâm thức văn hóa ở mỗi cá nhân và gia đình, hình thành lối suy nghĩ và hành động theo "chuẩn" tương đối phổ biến là chấp nhận hành vi bạo lực gia đình, thậm chí coi đó như một phương pháp giáo dục, răn dạy con người. "Thương cho roi, cho vọt", vì vậy, đối với người Việt Nam, trong rất nhiều trường hợp, việc dạy con bằng đòn roi hoặc buộc người vợ phải phục tùng chồng đã trở thành điều bình thường. "Cách thức ứng xử của người Việt đậm yếu tố trọng nam và đã tạo nên sức ép đối với cuộc sống hôn nhân của các cặp vợ chồng, trở thành một trong những nguyên nhân dẫn đến bạo lực khi người phụ nữ không sinh được con trai. Bên cạnh đó, trong một khoảng thời gian dài trước đây, Nho giáo đã đặt lên vai người nam giới trong gia đình những nghĩa vụ và trách nhiệm để bảo đảm thực hiện hệ giá trị mà xã hội đề cao. Điều này đã làm hình thành và phát triển trong nam giới tính gia trưởng, độc đoán và bởi vậy, bạo lực gia đình có điều kiện để phát triển", ông Hoa Hữu Vân nhấn mạnh.

Hành vi bạo lực gia đình cũng có mối liên hệ trực tiếp đến yếu tố giáo dục trong gia đình, nhất là giáo dục đạo đức vốn đã bị xem nhẹ trong thời gian qua. Nhịp sống gấp gáp, thời gian dành cho nhau giữa các thành viên gia đình ngày càng ít, nhất là giữa cha mẹ và con cái. Bên cạnh đó, nhiều gia đình nuông chiều con cháu, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu quá mức cần thiết của trẻ, khiến chúng trở nên vô cảm, ích kỷ. Khi không được rèn dạy ngay từ tấm bé, trẻ dễ có hành vi không phù hợp, gây bạo lực.

Theo các chuyên gia, giáo dục gia đình cần bắt đầu từ bình đẳng giới, tình cảm yêu thương, sự hy sinh, chia sẻ, đạo lý, trách nhiệm, nghĩa vụ, bổn phận của mỗi thành viên. Khi các giá trị nhân văn thấm sâu trong trái tim mỗi cá nhân thì hành vi bạo lực sẽ không còn đất sống.

Lâm Vũ