Bài 2: Chấn chỉnh công tác quản lý

Kinh tế - Ngày đăng : 05:37, 31/12/2013

(HNM) - Để từng bước kiểm soát được nguồn gốc các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, ngành nông nghiệp đang triển khai thực hiện mô hình chuỗi thực phẩm an toàn từ sản xuất tới bàn ăn. Tuy nhiên, để làm được việc này cần sự hỗ trợ của Nhà nước và sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương trong việc tổ chức giám sát, theo dõi,


Ngoài ra, người tiêu dùng phải bảo vệ chính mình bằng việc lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, tẩy chay các sản phẩm không có nguồn gốc, để thực phẩm "bẩn" không có chỗ đứng trên thị trường.

Sản phẩm thịt lợn của Công ty TNHH Minh Hiền được đóng gói trước khi đưa ra thị trường. Ảnh: Linh Ngọc


Xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, để tiến tới kiểm soát được nguồn gốc sản phẩm, những năm qua Sở NN&PTNT đang duy trì và xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn. Theo đó, trong năm 2013 đã xây dựng mới được hai mô hình chuỗi trên cây nhãn chín muộn ở Hoài Đức và cây đu đủ ở xã Nam Sơn (Sóc Sơn); thực hiện mô hình chuỗi trong sản xuất trứng sạch ở Tiên Viên (Chương Mỹ); gà, lợn ở Sóc Sơn, Ba Vì…; cải tạo lắp đặt 7 sàn giết mổ gia súc và 15 bộ bồn inox làm sạch nội tạng gia súc cho cơ sở giết mổ lợn của Công ty cổ phần Thịnh An (Vạn Phúc - Thanh Trì). Đến nay, dự án Lifsap Hà Nội với mục tiêu quản lý từ khâu sản xuất tới tiêu thụ đã hỗ trợ đầu tư cải tạo, nâng cấp 13 chợ kinh doanh thực phẩm tươi sống tại các huyện Ba Vì, Thanh Oai, Phúc Thọ, thị xã Sơn Tây… Tuy nhiên, những cố gắng đó chỉ là bước đầu, điều quan trọng nhất là ý thức của cả người sản xuất và người tiêu dùng phải thay đổi mới mong giải quyết tận gốc vấn đề thực phẩm "bẩn" trôi nổi.

Để tạo ý thức cho người sản xuất, ngoài việc tích cực tuyên truyền, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần siết chặt, phân công, phân cấp công tác quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) rõ ràng để tránh chồng chéo, trùng lặp và bỏ sót. Đối với các mô hình chuỗi, lực lượng chức năng huyện cần thường xuyên kiểm tra việc sản xuất của người dân tại đồng ruộng, cơ sở sản xuất để kiểm soát được nguồn gốc sản phẩm khi bán ra thị trường. Hiện nay, vấn đề khó khăn nhất đối với các mô hình chuỗi là đầu ra của sản phẩm nên Nhà nước cần hỗ trợ cho người sản xuất trong việc xây dựng và quảng bá thương hiệu tại Sàn giao dịch nông nghiệp của thành phố Hà Nội; tiếp tục hỗ trợ cho các cơ sở giết mổ, vùng nuôi thủy sản có tiềm năng trở thành mô hình chuỗi ATTP để kiểm soát được chất lượng.

Thiết lập kỷ cương trong quản lý

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt chỉ đạo các đơn vị của ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương cần quyết liệt vào cuộc trong việc kiểm tra, giám sát từ khâu sản xuất tới tiêu thụ để nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong đó, tập trung vào khâu tuyên truyền để nâng cao ý thức của người sản xuất cũng như người kinh doanh không sử dụng những chất cấm, kháng sinh gây tổn hạn tới sức khỏe người tiêu dùng. Đặc biệt là phải tuyên truyền để người dân nhận biết được thế nào là ATTP để không nhập những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Bên cạnh đó là tập huấn, hướng dẫn nông dân trong quá trình sản xuất sử dụng đúng cách thuốc bảo vệ thực vật, thú y để tạo ra những sản phẩm an toàn, từng bước tạo thói quen ghi chép sổ sách, nhật ký, theo dõi nguồn gốc xuất xứ sản phẩm cho nông dân; hỗ trợ cho người kinh doanh sản phẩm an toàn các địa điểm buôn bán nông sản, thực phẩm để tạo đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời, hướng dẫn cho người tiêu dùng lựa chọn những sản phẩm an toàn và những địa điểm buôn bán sản phẩm an toàn.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhận định: Trong dịp Tết Nguyên đán, việc sử dụng các loại nông sản thực phẩm của người dân sẽ tăng từ 20 đến 30%. Vì vậy, từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ các cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, truy xuất nguồn gốc các loại thực phẩm để ngăn chặn thực phẩm "bẩn" trôi nổi trên thị trường. Đối với sản phẩm rau, quả cần giám sát chặt chẽ tại chợ đầu mối, tập trung vào hai thành phố lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phụ cận. Trong giết mổ thịt gia súc, gia cầm, nếu phát hiện sử dụng chất cấm cần truy xuất nguồn gốc tận nơi và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Các địa phương cần thấy rõ trách nhiệm của mình, chỉ đạo quyết liệt công tác bảo đảm ATTP trong nông, lâm, thủy sản để đẩy lùi tình trạng thực phẩm không an toàn trôi nổi như hiện nay. Trong quá trình kiểm tra, ngoài tiêu hủy những thực phẩm không an toàn, cần thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng những cơ sở sản xuất, vùng trồng rau, quả, các trang trại chăn nuôi không đạt chất lượng để người tiêu dùng biết và tẩy chay. Các đơn vị của Bộ cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành xử lý nghiêm những thương lái buôn bán các sản phẩm không bảo đảm yêu cầu, tịch thu nhiều lần để răn đe. Có như vậy mới từng bước thiết lập kỷ cương trong quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm trên thị trường.

Ngọc Quỳnh