Đảng, Nhà nước luôn đặt niềm tin vào thanh niên

Chính trị - Ngày đăng : 14:56, 29/12/2013

(HNM) - Ngày 29-12, Đại hội đại biểu Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ IX với chủ đề



Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; Bí thư TƯ Đảng, Trưởng ban Dân vận TƯ Hà Thị Khiết cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành và 647 đại biểu thay mặt cho hơn 2,2 triệu sinh viên và 5 Hội Sinh viên Việt Nam đang học tập ở nước ngoài đã dự đại hội.

Theo báo cáo kết quả hoạt động nhiệm kỳ 2008-2013, Hội Sinh viên Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ về tổ chức và hoạt động, ngày càng gần hơn với sinh viên, là người bạn thân thiết, tin cậy của sinh viên. Nhiều hoạt động của Hội có chiều sâu, có sức lan tỏa, tầm ảnh hưởng ngày càng rộng rãi, góp phần làm phong phú thêm các phong trào hành động cách mạng của tuổi trẻ Việt Nam, được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, các địa phương và toàn xã hội ghi nhận. Song, bên cạnh đó, công tác Hội còn tồn tại hạn chế, yếu kém như hiệu quả giáo dục của tổ chức Hội với sinh viên trước những hiện tượng tiêu cực chưa rõ nét; việc thực hiện các chương trình, giải pháp chưa đồng đều ở cơ sở; việc ban hành chương trình, kế hoạch hướng dẫn còn chậm, chưa sâu sát…

Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ IX (nhiệm kỳ 2013-2018) chính thức khai mạc tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội.


Tại đại hội, các đại biểu đã thảo luận nhiều nội dung quan trọng như: bồi dưỡng nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, lòng yêu nước, lý tưởng, đạo đức cách mạng, lối sống lành mạnh cho sinh viên; phương hướng đẩy mạnh hoạt động tạo môi trường cho sinh viên rèn luyện, phấn đấu, đạt danh hiệu "Sinh viên 5 tốt"; đa dạng mô hình tập hợp sinh viên; đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động theo hướng đáp ứng nhu cầu chính đáng của sinh viên; nâng cao chất lượng hội viên, phát triển các tổ chức Hội ở cơ sở… Đồng thời, thống nhất nhiều chỉ tiêu của nhiệm kỳ mới, trong đó phấn đấu 100% Hội sinh viên các cấp có công trình, phần việc sinh viên; 100% Hội sinh viên cấp trường hằng năm tổ chức được các hoạt động tư vấn, hỗ trợ sinh viên, xây dựng mô hình trang bị kỹ năng thực hành xã hội; cuối nhiệm kỳ có 2 triệu hội viên; 1.000 sinh viên được tôn vinh "Sinh viên 5 tốt" cấp TƯ, 5.000 sinh viên được tôn vinh "Sinh viên 5 tốt" cấp tỉnh; 100% Hội sinh viên cấp trường tổ chức chiến dịch tình nguyện hè và tình nguyện thường xuyên; các cấp bộ hội phấn đấu huy động 200 tỷ đồng trao học bổng, giải thưởng cho sinh viên từ các nguồn xã hội hóa.

Để phát huy những thành quả đạt được, các cấp Hội sinh viên cần làm tốt ba việc sau:

Một là, coi trọng và làm tốt hơn nữa công tác giáo dục sinh viên. Hội sinh viên cần chủ động hơn nữa trong nắm bắt, dự báo và định hướng tư tưởng sinh viên; tăng cường bồi đắp lý tưởng cách mạng, lòng tự hào, tự tôn dân tộc để sinh viên tự đề kháng và tích cực đấu tranh với thói hư, tật xấu. Mỗi hội viên và Hội Sinh viên Việt Nam cần thắp lên và nhân lên tinh thần học tập suốt đời khơi dậy tính năng động, sáng tạo để sinh viên phát huy trí tuệ gương mẫu trong học tập, nắm bắt tri thức mới, rèn luyện đạo đức trong sáng, hiểu biết và tôn trọng pháp luật, trở thành người có đủ tài, đức, cống hiến cho xã hội và sự nghiệp phát triển đất nước, sẵn sàng đảm nhận trách nhiệm khi Tổ quốc cần.

Hai là, đẩy mạnh tổ chức các phong trào thi đua; phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của sinh viên; chăm lo, hỗ trợ sinh viên về mọi mặt. Các phong trào, hoạt động của Hội cần phải được thiết kế phù hợp với đặc tính, lứa tuổi, môi trường của sinh viên, tạo thuận lợi để sinh viên phấn đấu, rèn luyện, đem lại lợi ích cụ thể cho cộng đồng và phải xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của sinh viên, phù hợp với yêu cầu đào tạo của nhà trường và xã hội.

Ba là, tiếp tục đổi mới mô hình tổ chức và hình thức hoạt động của Hội theo hướng ngày càng sinh động, hấp dẫn hơn, gắn hoạt động của Hội với các nhiệm vụ chung của đất nước; đa dạng hóa các hình thức hoạt động để thu hút, tập hợp ngày càng đông đảo sinh viên tham gia các hoạt động của Hội; thực hiện tốt chức năng là người đại diện và bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của sinh viên. Quan tâm và có kế hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ Hội; lựa chọn bồi dưỡng những hội viên vừa có nhiệt tình, trách nhiệm, đoàn kết, vừa có năng lực chuyên môn, chú ý bảo đảm các quyền lợi và tạo điều kiện để anh chị em vừa tham gia công tác xây dựng tổ chức Hội, vừa rèn luyện tốt, học tập, công tác tốt.

(Trích phát biểu của Chủ tịch Quốc hội
Nguyễn Sinh Hùng tại đại hội)

Đại hội cũng xác định 3 mục tiêu, 4 phương hướng của nhiệm kỳ 2013-2018, trong đó xác định xây dựng lớp sinh viên thời kỳ mới có lý tưởng cao đẹp, đạo đức cách mạng trong sáng, lối sống lành mạnh, luôn đi đầu trong học tập, nghiên cứu khoa học, nắm bắt công nghệ mới. Đại hội phát động sinh viên cả nước thực hiện tốt phong trào "Sinh viên 5 tốt" và chương trình "Xây dựng Hội Sinh viên Việt Nam vững mạnh"; thông qua 3 đề án, 2 chương trình của nhiệm kỳ: Đề án giáo dục đạo đức lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, truyền thống cho sinh viên; Đề án phát triển Quỹ Hỗ trợ và Phát triển sinh viên Việt Nam; Đề án Chung cư thủ khoa; Chương trình tư vấn, hỗ trợ sinh viên; Chương trình huấn luyện kỹ năng cho cán bộ Hội sinh viên các cấp.

Đại hội hiệp thương bầu BCH TƯ Hội Sinh viên Việt Nam khóa IX với 99 đồng chí; Ban Kiểm tra TƯ Hội Sinh viên Việt Nam khóa IX với 15 đồng chí; hiệp thương bầu các chức danh chủ chốt của TƯ Hội. Đồng chí Lê Quốc Phong, Bí thư BCH TƯ Đoàn, Phó Chủ tịch TƯ Hội Sinh viên Việt Nam khóa VIII được hiệp thương bầu giữ chức vụ Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam khóa IX.

Phát biểu tại đại hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhiệt liệt biểu dương và khen ngợi những thành tích xuất sắc của phong trào sinh viên và hoạt động của Hội sinh viên các cấp cả nước trong thời gian qua. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Đảng, Nhà nước ta luôn xác định thanh niên là rường cột quốc gia, một trong những nhân tố quyết định tương lai, vận mệnh dân tộc. Học sinh, sinh viên, những thanh niên ưu tú có tri thức sẽ là lực lượng kế thừa và phát huy những thành quả cách mạng của Đảng và dân tộc, tiêu biểu cho trí tuệ Việt Nam. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn đặt niềm tin vào lớp lớp thanh niên, sinh viên và tổ chức Hội Sinh viên Việt Nam trở thành những người công dân tốt, cán bộ giỏi của đất nước....

* Tối cùng ngày, Thành đoàn, Hội Sinh viên TP Hà Nội tổ chức chương trình Chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam khóa IX (nhiệm kỳ 2013 - 2018). Chương trình thông tin về kết quả của đại hội, ra mắt Thường trực và 31 Ủy viên Thư ký TƯ Hội Sinh viên Việt Nam khóa IX. Đồng thời, có màn biểu diễn Lễ hội đường phố chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam khóa IX, chào xuân 2014 với các tiết mục nghệ thuật đặc sắc, thu hút sự tham gia của hơn 2.000 diễn viên là những sinh viên Thủ đô đến từ các trường đại học, cao đẳng, học viện trên địa bàn Hà Nội.

Nhân dịp này, Thành đoàn Hà Nội đã vinh danh, trao thưởng 10 gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2013 cho đoàn viên, thanh thiếu nhi có thành tích đặc biệt xuất sắc trên các lĩnh vực học tập, nghiên cứu khoa học, lao động sáng tạo, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao và tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng.

TƯ Hội Sinh viên Việt Nam cũng đã trao tặng 50 suất học bổng mỗi suất trị giá 1 triệu đồng cho các sinh viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn vươn lên đạt nhiều thành tích trong học tập.

Vũ Văn Hải, Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội:

Trong giai đoạn nền kinh tế nước ta ngày càng hội nhập sâu với thế giới, có những tác động mặt trái không nhỏ, ảnh hưởng đến ý thức chính trị, đạo đức, lối sống của sinh viên. Do đó, định hướng giá trị đạo đức, lối sống cho sinh viên trước những trào lưu văn hóa mới là vấn đề cấp bách. Theo tôi, có nhiều cách để rèn luyện trong từng đối tượng thanh niên, sinh viên như: thường xuyên có những tiêu chí cụ thể để rèn luyện với từng đối tượng; kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội; phát huy vai trò xung kích, sáng tạo, tình nguyện của sinh viên; đẩy mạnh việc thu hút, tập hợp sinh viên vào các phong trào cách mạng, các chương trình hành động của tuổi trẻ; thường xuyên phát hiện, nêu gương và nhân rộng gương người tốt, việc tốt, lấy "xây" để "chống", làm cho các giá trị tốt đẹp có sức lan tỏa trong cộng đồng thanh niên.

Lê Thị Quỳnh Trang, sinh viên Học viện Hành chính quốc gia:

Là lứa tuổi đang đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời, thanh niên luôn có một nhu cầu bức thiết là xác định hướng đi, tìm hướng phát triển cho bản thân mình trong tương lai. Tuy nhiên, hiện nay, một bộ phận thanh niên chưa xác định rõ lý tưởng sống, bản lĩnh chính trị không vững vàng, thiếu sự kiên định nên đã dẫn đến những sai lệch về đạo đức cũng như hành vi. Do đó, cần chú trọng giáo dục lòng yêu lao động, trân trọng sức lao động, chống lối sống thực dụng cho sinh viên gắn với bồi dưỡng ý thức kế thừa và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống, lối sống, nếp sống trong công tác, lao động, sinh hoạt lành mạnh, văn minh, giữ vững thuần phong mỹ tục của dân tộc. Từ đó giúp thanh niên đấu tranh chống lối sống ích kỷ, coi thường kỷ cương phép nước và có ý thức trong đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội.

Hoa Linhghi

Linh Nhi