Khôi phục văn hóa cồng chiêng ở bản Mường

Xã hội - Ngày đăng : 06:39, 29/12/2013

(HNM) - Nhiều người cao tuổi ở bản Mường thôn Bài, xã Yên Bài (huyện Ba Vì) rất trăn trở tìm cách lưu giữ và truyền dạy những giá trị văn hóa truyền thống Mường, nhất là văn hóa cồng chiêng cho con cháu.

Đội cồng chiêng thôn Bài, xã Yên Bài.


Chúng tôi về xã Yên Bài, tuy còn cách bản Mường, thôn Bài vài trăm mét đã nghe những âm thanh "Boòng beng boòng ầm" ngân vang như mời gọi. Những ngày này, 22 thành viên đội văn nghệ thôn Bài đang miệt mài tập luyện chuẩn bị cho hội thi biểu diễn cồng chiêng 7 xã miền núi huyện Ba Vì nhân dịp Tết Giáp Ngọ.

Bà Nguyễn Thị Hành cho biết: Thường vào ngày hội làng hay lễ Tết, tiếng cồng, tiếng chiêng lại vang lên như thay lời cảm ơn ông bà tổ tiên, giáo dục con cháu biết quý trọng giá trị văn hóa của dân tộc. Còn trong cuộc sống hằng ngày, tiếng chiêng được ông cha dùng để thông báo công việc, khi đánh 3 tiếng chiêng là tín hiệu gọi trai đinh trong bản vào rừng săn bắn; đánh 5 tiếng là gọi dân bản đến chia vui cơm mới, đi chơi xuân, trảy hội…

Tuy nhiên, do chiến tranh cộng với kinh tế khó khăn, một số bộ chiêng đã bị thất lạc nên không còn gia đình nào trong bản lưu giữ được trọn bộ cồng chiêng. Trước thực tế đó, các cụ trong thôn bản đã đề nghị huyện Ba Vì hỗ trợ khôi phục lại giá trị văn hóa cồng chiêng cho đồng bào dân tộc Mường xã Yên Bài. Đáp ứng mong mỏi của nhân dân, năm 2012, Phòng Dân tộc huyện Ba Vì đã về điều tra, nghiên cứu và hỗ trợ thôn Bài một bộ cồng chiêng gồm 12 chiếc để bà con tập luyện. Từ ngày có bộ cồng chiêng mới, 12 thành viên đội cồng chiêng và 10 thành viên đội múa hát rất tích cực tập luyện.

Theo bà Hành, hiện đội văn nghệ đã khôi phục được khoảng 10 bài hát, điệu múa và những bài cồng chiêng gốc của dân tộc Mường như: Đối chiêng đối (tức là chiêng gọi và chiêng đáp lời), bài chúc tết, bài vào hội… "Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục sưu tầm thêm các bài khác để tập luyện và truyền dạy cho các cháu học sinh, thanh niên trong bản" - bà Hành tâm sự.

Theo Chủ tịch UBND xã Yên Bài Nguyễn Văn Mể, hiện người Mường ở xã Yên Bài chiếm 47% dân số, sinh sống ở 5/8 thôn. Họ sinh sống xen kẽ với người Kinh nên nhiều giá trị văn hóa bị mai một; thậm chí có những giá trị văn hóa nếu không được khôi phục sẽ mất hẳn như văn hóa cồng chiêng, trang phục dân tộc...

Điều đáng mừng là khi đội văn nghệ được thành lập, nhiều người già và lớp trẻ đều tích cực tham gia tập luyện nên có điều kiện truyền dạy những kỹ thuật cũng như lưu giữ các giá trị văn hóa của bản Mường, đặc biệt là văn hóa cồng chiêng. Tuy nhiên, hiện nay thôn Bài mới được huyện Ba Vì hỗ trợ cồng chiêng, các thôn khác chưa có, khi tổ chức sinh hoạt văn hóa cộng đồng phải sang nhờ đội cồng chiêng thôn Bài giúp đỡ. Mong mỏi của người Mường xã Yên Bài là được huyện, thành phố đầu tư cho mỗi thôn một bộ cồng chiêng, đồng thời mời thầy về truyền dạy để bà con bản Mường khôi phục, lưu truyền những điệu múa, lời ca, tiếng hát, bài cồng chiêng cổ trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng. 

Đức Duy