Mong giúp được nhiều đồng hương

Người Việt bốn phương - Ngày đăng : 06:22, 29/12/2013

(HNM) - Thời gian qua, hình ảnh nữ cảnh sát gốc Việt đầu tiên tại Hàn Quốc - chị Phí Thị Ngọc Lan - đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc cũng như người dân sở tại.

- Cơ duyên nào đưa chị trở thành nữ cảnh sát người Việt Nam đầu tiên ở Hàn Quốc?

- Tôi đến Hàn Quốc lần đầu năm 2003 với tư cách là phiên dịch và quản lý người lao động Việt Nam tại một công ty của Hàn Quốc. Sau hai năm làm việc, tôi gặp ông xã hiện nay và kết hôn năm 2006. Con trai được 2 tuổi (năm 2008), tôi quyết định làm phiên dịch và dạy tiếng Việt cho nhân viên Công ty điện tử Samsung khi công ty này chuẩn bị đầu tư vào Việt Nam. Làm việc ở đây thu nhập khá ổn định nhưng tôi vẫn bị thôi thúc phải làm những công việc có ích hơn cho cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc. Vì thế, tôi quyết định xin học bổng học cao học ngành phúc lợi xã hội tại Trường Đại học Kuyeog Buk năm 2010. Khi đó, có rất nhiều phụ nữ Việt trở thành cô dâu tại Hàn Quốc. Đây cũng là thời điểm gia đình đa văn hóa ở Hàn Quốc xuất hiện nhiều mâu thuẫn nhất.

Nữ cảnh sát người Việt Nam đầu tiên tại Hàn Quốc Phí Thị Ngọc Lan. Ảnh: Nhân vật cung cấp


Vừa học cao học vừa đi làm vô cùng vất vả, nhưng giờ nghĩ lại tôi thấy đó là khoảng thời gian có ý nghĩa nhất. Bởi tôi đã học được nhiều kiến thức thực tế về cuộc sống của người Hàn Quốc. Điều này giúp tôi có thể thực hiện ước mơ nâng cao giá trị, hình ảnh cô dâu Việt tại đây. Muốn làm được điều đó, mình phải có một chỗ đứng trong xã hội Hàn Quốc và tôi nghĩ cần phải trở thành một công chức. Trong quá trình vừa học vừa làm, tôi đã tìm kiếm những thông tin thi tuyển liên quan đến tiếng Việt. Thật tình cờ khi biết có chương trình tuyển cảnh sát biết tiếng Việt. Tôi tự nhủ rằng nếu thi đỗ mình có thể làm công việc mong muốn. Đó là tuyên truyền, tư vấn và giúp các cô dâu, người lao động, cộng đồng người Việt. Năm 2011, Hàn Quốc tuyển khoảng 15 cảnh sát phụ trách nhiều thứ tiếng như: Trung, Việt, Mông Cổ… trong đó, tiếng Việt tuyển ba người, tôi là người Việt duy nhất cùng hai người Hàn Quốc đã tốt nghiệp khoa tiếng Việt.

- Là nữ cảnh sát người Việt đầu tiên tại Hàn Quốc, cảm tưởng của chị thế nào?

- Đó là điều tự hào lớn nhất của tôi từ trước tới nay, vì qua đó sẽ thêm nhiều người Hàn Quốc biết đến đất nước Việt Nam hơn. Với công việc này, tôi có thể thực hiện được ước mơ là làm đẹp hình ảnh phụ nữ Việt nói riêng và người Việt sống tại Hàn Quốc nói chung.

- Chị đã và sẽ làm gì để giúp các cô dâu cũng như cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc?

"Đây là lần đầu tiên tôi chính thức trả lời một cơ quan báo chí của Việt Nam. Tôi không hiểu vì sao các báo lấy thông tin, hình ảnh ở đâu mà viết về tôi rất nhiều. Vì thế, không phải tất cả những thông tin mà các tờ báo đã viết về tôi đều đúng sự thật…".

- Sau khi tốt nghiệp khóa huấn luyện cảnh sát kéo dài 34 tuần tại Trường Cảnh sát Trung ương Hàn Quốc, tôi được phân công về tỉnh Kuyeong San, theo đúng nguyện vọng. Tỉnh này có khoảng 7.000 người nước ngoài, trong đó có 1.200 người Việt đang sinh sống. Tôi thường đến các trung tâm bảo vệ người nước ngoài, các trường đại học có sinh viên người nước ngoài để giảng dạy về cách phòng, chống tội phạm vì họ không hiểu biết về luật pháp cũng như phong cách sống của nước sở tại nên có thể vô tình phạm pháp. Thông qua những buổi giảng dạy đó, họ có thể tự bảo vệ mình trước tội phạm cũng như trước những cám dỗ của xã hội. Ngoài ra, với tư cách là cảnh sát tư vấn và phụ trách những vấn đề liên quan đến bạo lực gia đình, nhiều cô dâu Việt không chỉ ở Kuyeong San mà còn ở nhiều nơi trên Hàn Quốc còn gọi điện xin tư vấn qua điện thoại. Tất nhiên, không phải lúc nào tôi cũng có thể giải đáp tất cả những điều mà các cô dâu người Việt mong muốn, nhưng tôi luôn cố gắng đưa ra những lời khuyên thiết thực để giúp họ đưa ra quyết định phù hợp.

- Chị có thể chia sẻ một vài kỷ niệm trong công việc mà chị nhớ nhất, đặc biệt là khi tiếp xúc với cộng đồng người Việt ở đây?

- Trong quá trình làm việc, tôi đã gặp một số cô dâu Việt bị bạo lực gia đình cũng như lao động bất hợp pháp người Việt. Nhiều người trong số họ nói rằng, nhờ tôi biết tiếng Việt, là người Việt nên mới chia sẻ hết được những khó khăn của họ. Một số chị em đã bị chồng bạo hành nhiều lần, một số lao động bị chủ ngược đãi nhưng không dám tìm đến cảnh sát vì họ không những không biết tiếng Hàn mà còn là người cư trú bất hợp pháp. Có lẽ sự tin tưởng tuyệt đối của cô dâu Việt cũng như người lao động ở đây đối với tôi là những kỷ niệm đẹp và cũng là động lực để tôi thêm yêu mến công việc của mình.

Đình Hiệp