Góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông

Giao thông - Ngày đăng : 04:35, 28/12/2013

(HNM) - Những ngày gần đây, dư luận dành sự quan tâm trước việc Bộ Công an lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 38/2010/TT-BCA ngày 12-10-2010 Quy định việc thông báo người có hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông (Dự thảo sửa đổi Thông tư 38).


Điểm sửa đổi nổi bật của Dự thảo này là sau khi xử phạt, hằng tuần cơ quan chức năng thông báo danh sách tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm đến địa phương, cơ quan quản lý và trên phương tiện thông tin truyền thông. Báo Hànộimới ghi nhận một số ý kiến của bạn đọc.

Dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 38 của Bộ Công an đang được dư luận quan tâm.
Ảnh:Đức Nghiêm



Bà Lê Thị Nam (Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ ACE):Bị "bêu gương", sẽ không dám vi phạm

Tôi đồng tình với việc Bộ Công an bổ sung vào Thông tư 38/2010/TT-BCA về việc thông báo đối với tổ chức vi phạm, thông báo danh sách tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật giao thông trên các phương tiện thông tin truyền thông. Đây sẽ là một biện pháp mạnh nhằm tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT của người tham gia giao thông nhằm góp phần kiềm chế tai nạn và giảm ùn tắc giao thông. Việc bị nêu tên công khai trên báo chí khiến người vi phạm xấu hổ và có lẽ họ sẽ không còn dám vi phạm nữa.

Ông Nguyễn Văn Tuấn (xã Đông Yên, huyện Quốc Oai): Nâng cao ý thức của người tham gia giao thông

Việc đưa tên người vi phạm lên mặt báo, trên đài phát thanh sẽ giúp những người vi phạm nhìn nhận lại ý thức tham gia giao thông của chính mình, qua đó tuyên truyền để người thân, đồng nghiệp chấp hành nghiêm các quy định về ATGT. Song, cùng với việc áp dụng biện pháp trên, theo tôi nên đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự, ATGT để nâng cao hiểu biết cho người dân, như vậy sẽ hạn chế được tình trạng vi phạm luật.

Ông Lê Việt Hậu (phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông): Không thể để mãi tình trạng "nhờn" luật

Theo Dự thảo sửa đổi Thông tư 38, trước mắt chỉ áp dụng công khai danh tính các trường hợp bị tước giấy phép lái xe; trốn tránh nghĩa vụ cứu nạn khi có điều kiện; không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ tài liệu, vật chứng có liên quan đến vụ TNGT; lợi dụng TNGT để xâm phạm sức khỏe, tài sản của người bị nạn; chống đối, cản trở việc kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ... Tôi nghĩ, trước tình trạng còn có những trường hợp "nhờn" luật, gây TNGT do lạng lách, đánh võng, vượt ẩu, lái xe khi đã uống nhiều rượu, bia… cũng cần công khai danh tính với đầy đủ thông tin về địa chỉ cư trú, đơn vị công tác, học tập tới địa phương, cơ quan quản lý và trên các phương tiện thông tin đại chúng, có như vậy mới bảo đảm tính răn đe.

Ông Lê Văn Minh (xã Cổ Đô, huyện Ba Vì): Cần có cơ sở pháp lý cụ thể

Điểm đặc biệt của Dự thảo khiến tôi thấy tâm đắc là danh sách trường hợp gây TNGT nghiêm trọng do sử dụng rượu, bia, ma túy, hay chống người thi hành công vụ... được gửi về Ủy ban An toàn giao thông quốc gia để phối hợp với cơ quan truyền thông trung ương đăng tải và gửi Bộ Công an để theo dõi. Tuy nhiên, tôi cũng có đôi chút băn khoăn, bởi việc đăng tên người bị xử phạt mặc dù đúng người, đúng lỗi, nhưng liệu có phù hợp với các quy định liên quan đến bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân? Tôi thiết nghĩ, việc công khai hành vi vi phạm hành chính về TTATGT gây hậu quả nghiêm trọng là cần thiết nhằm nâng cao sức răn đe và đẩy mạnh công tác tuyên truyền luật. Nhưng để đưa quy định thông báo vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng vào thực tiễn, thì cũng rất cần có cơ sở pháp lý cụ thể.

Hằng Dương ghi