Quyết liệt, gian nan và chưa hết bất cập (tiếp theo)

Kinh tế - Ngày đăng : 04:20, 28/12/2013

(HNM) - Như đã đề cập, tội phạm và các hành vi vi phạm trật tự quản lý đã và đang có những


Kẽ hở pháp lý và trách nhiệm

Cuối năm 2012, lực lượng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - CATP Hà Nội - liên tiếp phá nhiều vụ buôn lậu hàng gia dụng, quần áo, vải vóc... từ biên giới phía Bắc về Hà Nội. Thủ đoạn của tội phạm là lợi dụng chính sách biên mậu, sử dụng hóa đơn nhập hàng có giá trị dưới 2 triệu đồng để hợp thức hóa số hàng trị giá gấp nhiều lần rồi vận chuyển vào nội địa, khiến sản xuất trong nước bị bóp nghẹt, Nhà nước thất thu thuế. Theo cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn, tại biên giới phía Bắc, có lúc cao điểm, số hàng hóa được hợp thức bằng hóa đơn kiểu này lọt qua biên giới trị giá lên đến hàng chục tỷ đồng chỉ trong một giờ. Trên đây chỉ là một ví dụ về kẽ hở trong cơ chế, chính sách hiện nay đang bị tội phạm lợi dụng để trục lợi. Bên cạnh đó, cũng còn khá nhiều bất cập trong chính sách tạm nhập tái xuất, chính sách ưu đãi đối với hàng hóa diện Việt kiều về nước, ưu đãi thuế, lãi suất...

Chi cục Quản lý thị trường số 4 kiểm tra hàng nhập lậu.



Gian lận thương mại phổ biến là tội phạm lợi dụng sự lơi lỏng trong kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng, đưa không ít hàng hóa nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng giả vào sâu nội địa rồi tìm cách tân trang trước khi đưa ra thị trường. Hàng hóa được ùn ùn chở về xuôi trên những chuyến xe tải lớn, những toa tàu hàng tập kết tại các khu dân cư đông đúc của Thủ đô, không thể nói là cơ quan chức năng không nắm được. Giám đốc CATP Hà Nội thẳng thắn cho rằng, để tồn tại những kho hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng là trách nhiệm của CA địa bàn. Trách nhiệm của cơ quan chức năng chưa cao còn thể hiện trong việc nắm tình hình về những hoạt động thương mại, giao dịch bất minh. Những hoạt động như kiểu "tín dụng đen" tuy không thông qua các cơ quan quản lý nhưng không quá khó để nắm bắt bởi sự "sôi động" của nó...

Không thể "nhắm mắt làm ngơ"

Hằng năm, cơ quan CA có hàng trăm kiến nghị đối với các cơ quan quản lý nhà nước nhằm điều chỉnh chính sách, bịt những kẽ hở tội phạm có thể lợi dụng. Nhưng thực tế là hệ thống pháp luật còn chậm được sửa chữa, hoàn thiện. Đến nay, Chính phủ mới chính thức yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung các quy định tại Thông tư liên tịch số 60/2011/TTLT-BTC-BCT-BCA hướng dẫn chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường để khắc phục tình trạng hợp thức hàng nhập khẩu.

Một ví dụ khác là việc các cơ quan chức năng cũng đã và đang kiến nghị việc sửa đổi các quy định của pháp luật trong việc xử lý các vụ vỡ nợ do "tín dụng đen". Bởi qua xử lý các vụ việc có tính chất như vậy, cơ quan CA bị "vướng" khi khó xác định việc vỡ nợ có phải là hành vi "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" (theo Điều 140, Bộ luật Hình sự)? Hay việc vay nợ chỉ là giao dịch dân sự, không được phép hình sự hóa? Hoạt động "dân sự" này trên thực tế đã làm bốc hơi hàng nghìn tỷ đồng, khiến cho hàng trăm gia đình điêu đứng...

Vì vậy, nếu muốn ngăn chặn tội phạm kinh tế gia tăng, các cơ quan chức năng phải nâng cao trách nhiệm của mình trong lĩnh vực phòng chống tội phạm kinh tế. Bởi loại tội phạm này có trình độ, hiểu biết, có nhiều tài sản, tiền bạc nên có nhiều thủ đoạn đối phó, không từ việc mua chuộc, tha hóa cán bộ làm nhiệm vụ. Nếu hệ thống pháp lý được hoàn thiện mà người thực thi công vụ không đủ trình độ hoặc cố tình "nhắm mắt làm ngơ" thì tội phạm vẫn dễ dàng lọt lưới...

Trước mắt, trong thời điểm các hoạt động buôn bán đang "nóng" dần chuẩn bị cho những dịp lễ, Tết cuối năm, công tác quản lý thị trường, nắm tình hình các giao dịch tiền, hàng bất minh cần được triển khai đồng bộ. CATP Hà Nội cho biết đang khẩn trương phối hợp với Sở Công thương thực hiện các biện pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vận chuyển và kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép.

Thành Tâm