Còn xử phạt nhẹ, còn tăng chây ỳ

Đời sống - Ngày đăng : 03:41, 28/12/2013

(HNM) - Vin vào cớ ảnh hưởng của thiên tai và suy thoái kinh tế, số doanh nghiệp (DN) cố tình không nộp tiền bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) trong năm 2013 ngày càng nhiều với thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Kinh tế khó khăn là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng doanh nghiệp nợ đọng BHXH.
Ảnh: Linh Ngọc



Khởi kiện 1.824 đơn vị nợ BHXH

Đề nghị tòa án xử lý là giải pháp mà BHXH nhiều tỉnh, thành phố cực chẳng đã phải áp dụng trong dịp cuối năm - sau nhiều lần thuyết phục mà DN vẫn chây ỳ không đóng BHXH. Theo thống kê, tính đến ngày 30-11-2013, BHXH các địa phương đã thực hiện khởi kiện 1.824 đơn vị nợ tiền BHXH kéo dài từ 13 tháng trở lên, với tổng số tiền nợ là hơn 977 tỷ đồng. Thế nhưng số tiền thu hồi được vẫn rất nhỏ so với tổng số tiền các DN đang nợ. Hiện tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp (nợ ngắn và dài hạn) lên đến 10.659 tỷ đồng. Đáng lưu ý, tại một số tỉnh, thành phố có DN nợ BHXH đến nhiều tỷ đồng. Còn ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Gia Lai, Hòa Bình đến nay cũng còn không ít đơn vị chây ỳ không nộp tiền BHXH đã rất nhiều năm. Trong số này, có DN vì kinh tế khó khăn, làm ăn thua lỗ, không có lãi hoặc hàng hóa không tiêu thụ được nên chưa thể đóng BHXH. Nhưng cũng có nhiều DN ăn nên làm ra, đã thu một phần tiền của người lao động nhưng vẫn cố tình chây ỳ không đóng BH mà sử dụng số tiền trên làm vốn sản xuất kinh doanh. Việc trốn nộp BHXH theo quy định pháp luật đồng nghĩa với việc DN chiếm đoạt quyền lợi người lao động. Bởi khi DN nợ BHXH thì các chế độ như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, BH thất nghiệp… của người lao động sẽ không được giải quyết. Thế nhưng, với trường hợp DN bị phạt mà không chịu nộp phạt, biện pháp cưỡng chế được coi là giải pháp cần áp dụng tức thì cũng không mang lại hiệu quả cao vì việc trích tiền từ tài khoản của DN tại ngân hàng không đơn giản. Khó khăn đầu tiên là thủ tục trích tiền như Thông tư liên tịch số 03/2008/TTLT-BTC-NHNN-BLĐTBXH ngày 18-2-2008 quy định chưa chặt chẽ cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan. Bản thân tổ chức tín dụng cũng không muốn làm việc này vì ảnh hưởng đến quan hệ đối tác với khách hàng nên DN có thể trốn tránh dễ dàng. Theo ông Mai Đức Thắng, Phó trưởng ban Ban Thu, BHXH Việt Nam, tình trạng chiếm dụng BHXH đang có chiều hướng gia tăng. Thế nhưng, ngay cả chính quyền địa phương một số tỉnh, thành phố do muốn thu hút đầu tư nên cũng không xử lý kiên quyết với DN.

Yếu trong thi hành án

Ngoài chuyện "cả nể" của một số địa phương, một trong những lý do chính khiến vấn nạn nợ đọng BHXH, lách Luật BHXH để trục lợi vẫn tồn tại kéo dài với xu hướng ngày càng phức tạp hơn, được các chuyên gia Bộ Tư pháp mổ xẻ, đó là chế tài xử phạt đối tượng nợ đọng BHXH quá nhẹ. Theo quy định mới nhất là Nghị định 95/2013 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, từ ngày 10-10-2013, hành vi chậm đóng BHXH cũng chỉ bị phạt cao nhất là 75 triệu đồng. Mặc dù mức phạt này đã tăng hơn so với mức cũ, nhưng vẫn không đủ răn đe, nhất là đối với những DN có số nợ lên đến tiền tỉ. Đã vậy, mức lãi suất chậm đóng BHXH, BHYT thấp hơn mức lãi suất vay ngân hàng nên đại bộ phận DN cố tình nợ BHXH chấp nhận chịu phạt để chiếm dụng quỹ BHXH, BHYT. Cũng vì lỗ hổng này, nhiều DN sau khi BHXH khởi kiện ra tòa vẫn cố tình chống đối không thi hành, hoặc thực hiện theo kiểu nhỏ giọt.

Sâu xa hơn, đối với những vi phạm mang tính chất nghiêm trọng, kéo dài, có tổ chức, Luật Hình sự hiện hành lại không quy định các tội dành riêng trong lĩnh vực BHXH, BHYT. Do vậy không phải bất cứ hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT nào cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự khiến DN có tâm lý lách luật, không chấp hành. Thiết nghĩ, một trong những biện pháp mạnh tay nhằm ngăn chặn việc chây ỳ, trốn đóng BHXH, BHYT cần phải tính đến: Đó là phải bổ sung một số tội danh về BHXH, BHYT trong Bộ luật Hình sự để tránh bỏ lọt tội phạm như tội trốn đóng hoặc không đóng đúng mức quy định BHXH, BHYT, tội không đóng BHXH, BHYT cho đủ số người lao động, tội gian lận BHXH, BHYT, BH thất nghiệp... Bên cạnh đó, cũng cần phân loại DN nợ BHXH để có hướng xử lý ngắn hạn phù hợp với tình hình thực tiễn. Đối với những đơn vị tình hình sản xuất - kinh doanh quá khó khăn, cũng cần được xem xét có giải pháp hỗ trợ DN. Thứ hai là những DN cố tình không đóng hoặc đóng nhỏ giọt vì quyền lợi riêng của mình thì phải nâng mức phạt cao hơn hiện tại để DN đóng đúng quy định nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động.

Hà Phong