Do thiếu niềm tin giữa cung và cầu

Kinh tế - Ngày đăng : 07:17, 27/12/2013

(HNM) - Tăng trưởng tín dụng không đạt chỉ tiêu đề ra, nhiều ngân hàng rầm rộ tuyên bố hạ lãi suất cho vay để đẩy mạnh tăng trưởng, tuy nhiên doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vẫn không thể nào với tới được nguồn vốn này.


Tăng trưởng tín dụng năm 2013 khó đạt được 12% như mục tiêu đề ra từ đầu năm, bởi tính đến ngày 17-12 tín dụng chỉ mới tăng trưởng 9,22% so với cuối năm 2012. Hai lĩnh vực tăng trưởng thấp nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) với mức tăng đến cuối tháng 11-2013 chỉ là 0,75% và lĩnh vực xuất khẩu chỉ tăng 3,32%. Ước tính tăng trưởng tín dụng của DNVVN trong năm 2013 chỉ khoảng 1% và xuất khẩu cũng chỉ tăng khoảng 4% so với cuối năm 2012.

Xóa bỏ rào cản thủ tục vay vốn sẽ giúp DN yên tâm phát triển sản xuất.



Mặc dù ngân hàng đang đẩy mạnh các gói ưu đãi để tăng trưởng tín dụng, trong khi đó DN, nhất là DNVVN đang cần vay tiền cho mùa kinh doanh cuối năm, nhưng cả hai bên đều... tắc tị! Nguyên nhân mấu chốt, ngoài khó khăn của nền kinh tế, hàng tồn kho cao, khả năng hấp thụ vốn của DN giảm sút, còn là vì cả hai bên đều… giảm niềm tin, thể hiện qua hàng loạt thủ tục khi vay vốn. Theo ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DNVVN Việt Nam, nguyên Thống đốc Ngân hàng nhà nước, hiện DNVVN chiếm đến 95-97% tổng số DN, đóng góp 40-50% hàng tiêu dùng xuất khẩu, tuy nhiên những DN này có nguồn vốn rất nhỏ, chỉ khoảng 5-10% tổng số vốn hoạt động, còn lại 90-95% phải dựa vào nguồn chủ yếu là ngân hàng.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng nhà nước Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, việc mở rộng tín dụng cho các DNVVN gặp nhiều khó khăn do các doanh nghiệp này không hoặc chưa đáp ứng đủ các quy trình vay vốn của pháp luật và các tổ chức tín dụng. Tình trạng nợ xấu gia tăng cũng khiến cho các tổ chức tín dụng (TCTD) thận trọng hơn trong các khoản cho vay nói chung và DNVVN nói riêng. Việc cho doanh nghiệp vay cũng gặp khó khăn từ một số địa phương trong quá trình thẩm định vay, thu hồi nợ, xử lý tài sản thế chấp, chậm công bố quy hoạch… Bản thân các ngân hàng cũng gặp khó khăn khi cho các DNVVN vay trong khâu thẩm định dự án, phương án sản xuất kinh doanh do phần lớn các DNVVN có quy mô hoạt động nhỏ, sản xuất không ổn định…

Cần niềm tin


Ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết, để thực hiện mục tiêu Quốc hội đề ra cho năm 2014 là kiểm soát lạm phát ở mức 7%, tăng trưởng kinh tế khoảng 5,8%, NHNN xác định mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2014, 12-14% và được điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.

"Chúng tôi dành 2.500 tỷ đồng cho doanh nghiệp vay ưu đãi. Thế nhưng từ tháng 9 đến nay vẫn chưa giải ngân hết, điều này là đáng buồn", đại diện Ngân hàng TienPhong Bank cho biết tại buổi tọa đàm. Theo vị đại diện này, không phải TP Bank đưa ra các điều kiện khắt khe mà là hai bên vẫn chưa gặp nhau. "Đây là rào cản, nếu mãi e ngại nhau như vậy thì rất khó hợp tác".

Theo TS Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, trong điều kiện bình thường thì nhân sự giữ vị trí số một trong phát triển DN, nhưng trong điều kiện khủng hoảng thì vai trò số một là tài chính, vì vậy các DN phải đáp ứng các điều kiện để có sự hỗ trợ vốn từ ngân hàng. "Vì vậy các DN phải tạo được niềm tin với ngân hàng trong sử dụng đúng mục đích vốn vay, năng lực tạo lợi nhuận của DN, phải có sẵn nguồn tài chính nhất định, có tài sản thế chấp…", TS Dương lưu ý.

Ông Phạm Quốc Thanh, Phó Tổng Giám đốc phụ trách khối khách hàng DN của Ngân hàng HDBank, để tăng niềm tin cho ngân hàng, DN cần minh bạch hóa thông tin của mình, đặc biệt là thông tin tài chính. Ngân hàng cũng kỳ vọng DN tăng cường tính cam kết khi vay vốn, thể hiện ở mục đích vay rõ ràng. Khi gặp khó khăn, thay vì tránh né thì DN cần chia sẻ với ngân hàng để ngân hàng cùng tháo gỡ vướng mắc trong gia hạn nợ, tái cấu trúc…

Đặng Loan