Chăn nuôi bò sữa: Vẫn manh mún, nhỏ lẻ

Xã hội - Ngày đăng : 06:36, 27/12/2013

(HNM) - Hiện nay, ngành chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam đang phát triển ổn định và trở thành nghề thoát nghèo cho các hộ nông dân.

Tuy nhiên, quy mô chăn nuôi bò sữa ở nông hộ còn nhỏ lẻ, việc liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa người dân và doanh nghiệp chưa chặt chẽ. Nhiều hộ dân chưa có kiến thức về kỹ thuật chăm sóc dẫn tới năng suất, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa cao làm giảm hiệu quả từ chăn nuôi bò sữa.

Ảnh minh họa.


Tại Hà Nội, tổng đàn bò sữa hiện có trên 12.000 con, trong đó trên 97% là bò lai HF, chủ yếu nuôi nhốt với quy mô 5-7 con. Ông Chu Đức Dũng, hộ nuôi bò sữa ở xã Tản Lĩnh (Ba Vì) cho biết, với quy mô khoảng 10 con bò sữa cho sản lượng sữa 1 tạ/ngày, với giá bán cho các công ty sữa trên địa bàn Hà Nội từ 12.500 đến 13.000 đồng/lít, nhìn chung các hộ chăn nuôi bò sữa phát triển ổn định hơn so với nuôi các loại động vật khác. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với các hộ nuôi bò sữa hiện nay là nguồn vốn để mở rộng quy mô sản xuất. Do giá giống bò sữa tăng cao (50-80 triệu đồng/con) nên trang trại (TT) muốn tăng đàn lên 20 con sẽ không có khả năng.

Cả nước hiện có 20 nghìn hộ chăn nuôi bò sữa, trung bình 5,3 con/hộ, trong đó chỉ có 384 hộ gia đình và công ty chăn nuôi quy mô đàn từ 20 con trở lên (chiếm 1,95%). Trên 84% tổng đàn được nuôi theo phương pháp nông hộ nhỏ, quy mô TT vừa và nhỏ, 16% chăn nuôi tập trung theo quy mô đàn có kiểm soát. Cơ sở hạ tầng, chuồng trại còn rất sơ sài, chưa bảo đảm vệ sinh môi trường. Máy vắt sữa chủ yếu có ở các TT quy mô lớn, còn trong các TT nhỏ tỷ lệ sử dụng máy vắt sữa mới đạt khoảng 10%, khiến chất lượng sữa không tốt và phát sinh dịch bệnh ở bò.

Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Nguyễn Đăng Vang cho rằng, mặc dù ngành chăn nuôi bò sữa đang phát triển và mang lại hiệu quả cho người dân ở các tỉnh, thành phố, tuy nhiên, để chăn nuôi bò sữa phát triển theo hướng quy mô TT lớn cần quy hoạch lại và xác định rõ vùng chăn nuôi bò sữa theo hướng bò thuần HF cao sản (hiện nuôi chủ yếu ở hai vùng Mộc Châu, Lâm Đồng và những vùng có điều kiện thuận lợi). Các bộ, ban, ngành cần thống nhất cơ chế điều tiết giá sữa, chất lượng sữa giữa "3 nhà" (nhà chế biến, người sản xuất và người tiêu dùng) để chăn nuôi và chế biến sữa phát triển bền vững. Các đơn vị của ngành nông nghiệp cần tăng cường chọn lọc giống, thải loại mạnh những bò sữa không bảo đảm chất lượng; đồng thời tăng cường việc thụ tinh nhân tạo từ tinh bò đực chất lượng cao để cải tạo, nâng cao năng suất đàn bò cái tại Việt Nam, tiến tới chọn tạo giống bò HF Việt Nam có chất lượng phù hợp.

Theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng, các TT chăn nuôi cần áp dụng mô hình quản lý tiên tiến để giám sát đàn bò sữa từ con giống tới chất lượng sữa bán ra thị trường; xây dựng quy chuẩn quốc gia, đặc biệt là điều kiện đối với cơ sở chế biến sữa nước (phải có tỷ lệ sữa tươi nguyên liệu thu mua tương ứng với sản lượng sữa bột nhập khẩu để chế biến nhằm khuyến khích phát triển chăn nuôi bò sữa và bảo đảm sức khỏe dinh dưỡng cho người tiêu dùng). Đồng thời đẩy mạnh chăn nuôi bò sữa TT ứng dụng công nghệ cao, phát triển mô hình chăn nuôi bò sữa nông hộ vừa và nhỏ gắn với hệ thống thu mua sữa và chế biến thức ăn theo hình thức thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh (TMR); áp dụng quy trình nuôi VietGap trong chăn nuôi bò sữa để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), hiện nay cả nước có trên 167 nghìn con bò sữa, tốc độ tăng đàn bình quân là 13,6%/năm; năng suất sữa là 3,88 tấn/bò vắt sữa/năm, với tốc độ tăng trưởng đạt 13,5%; sản lượng sữa đạt gần 400 nghìn tấn nhưng mới chỉ đáp ứng được 25,5% nhu cầu tiêu dùng trong nước. Nhìn chung, chất lượng đàn bò sữa được cải thiện đáng kể, cơ cấu giống bò sữa ở Việt Nam chủ yếu là giống bò lai HF chiếm gần 85% tổng đàn, bò HF thuần chiếm khoảng 14% tổng đàn, được nuôi chủ yếu tại các cơ sở giống và trang trại chăn nuôi lớn.

Ngọc Quỳnh