Cần cơ chế đặc thù áp dụng KH&CN phát triển công nghiệp quốc phòng

Công nghệ - Ngày đăng : 06:27, 27/12/2013

(HNM) - Nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong quá trình hội nhập quốc tế, Bộ KH&CN cùng Bộ Quốc phòng đã có nhiều hoạt động chung trong nhiều năm qua. Nhìn lại 10 năm thực hiện chương trình phối hợp hoạt động giữa hai bên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, đất nước không thể phát triển mạnh nếu KH&CN chưa trở thành lực lượng sản xuất, là đòn bẩy để tăng năng suất, để phát triển nhanh, bền vững hơn và để bảo vệ đất nước tốt hơn.

Sự hợp tác giữa Bộ KH&CN và Bộ Quốc phòng được triển khai nhằm phục vụ cho nghiên cứu một số lĩnh vực công nghệ mũi nhọn và nâng cao trình độ KH&CN của quân đội, đưa kết quả nghiên cứu phục vụ cho bảo quản niêm cất, chữa/cải tiến, hiện đại hóa trang bị kỹ thuật và sản xuất quốc phòng.

Theo đánh giá của Bộ KH&CN, qua 10 năm thực hiện chương trình hợp tác giữa hai bên, những kết quả ấn tượng đã được ghi nhận. Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao Đàm Bạch Dương cho biết, những đổi mới cơ bản trong cơ chế quản lý KH&CN, tăng cường tiềm lực cho các đơn vị, về cơ bản đáp ứng yêu cầu hằng năm của Bộ KH&CN. Các chương trình mục tiêu và đề án kỹ thuật - kinh tế thuộc lĩnh vực quan trọng được hai bộ quan tâm xây dựng. Chương trình cũng đã xây dựng cơ chế và tạo điều kiện để có thể ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất các sản phẩm, trang bị quốc phòng, đồng thời với các nghiên cứu mang tính lưỡng dụng có thể triển khai ra bên ngoài…

Bộ Quốc phòng cũng cho biết, nhiều đề tài khoa học cấp nhà nước, cấp bộ đã được triển khai nghiên cứu. Các kết quả nghiên cứu sau khi nghiệm thu đã được vận dụng vào thực tiễn xây dựng quân đội, góp phần quan trọng vào củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị của đất nước. Chỉ riêng trong năm 2012, Bộ Quốc phòng đã được Chủ tịch nước trao tặng 4 Giải thưởng Hồ Chí Minh, 2 Giải thưởng Nhà nước cho các cụm công trình tiêu biểu về KH&CN.

Tuy nhiên, cũng theo ông Đàm Bạch Dương, dù được đánh giá là đa dạng và đã có những kết quả nhất định, nhưng một số chương trình có mục tiêu, quy mô lớn còn chậm được thực hiện. Một số nhiệm vụ cấp nhà nước, mặc dù có tính đặc thù, rõ tầm quan trọng nhưng còn thiếu sự gắn kết, thiếu tính kế thừa trong triển khai. Việc phối hợp giữa hai bộ chưa sâu rộng, đặc biệt là trong việc chia sẻ thông tin về nội dung hoạt động KH&CN của Bộ Quốc phòng với Bộ KH&CN.

Thiếu tướng Nguyễn Đôn Tuân, Cục trưởng Cục Khoa học quân sự, Bộ Quốc phòng cho biết: Vẫn còn hạn chế trong thực hiện chuyển giao kỹ thuật phục vụ công tác cải tiến trang thiết bị và sản phẩm quốc phòng. Bên cạnh đó, vẫn còn một số vướng mắc trong việc huy động các nguồn lực vào tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KH&CN như kinh phí hạn hẹp, thanh quyết toán khó khăn; cơ chế quản lý chậm đổi mới, nhất là cơ chế đặt hàng, khoán kinh phí mua sản phẩm nghiên cứu KH&CN.

Các nhà quản lý của hai bên cũng thừa nhận, chương trình hợp tác chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của các nhà khoa học trong và ngoài quân đội tham gia giải quyết các nội dung phục vụ công nghiệp quốc phòng, chưa hình thành được quỹ KH&CN…

Nhiều nhà quản lý, nhà khoa học cho rằng, trong thời gian tới, hai bên cần tích cực tham gia vào các chương trình sản phẩm quốc gia, cùng phối hợp xây dựng cơ chế đặc thù về các hoạt động KH&CN liên quan đến quốc phòng. Bên cạnh việc phối hợp xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu, Bộ KH&CN cần tạo điều kiện để Bộ Quốc phòng tiếp thu chuyển giao công nghệ, kỹ thuật tiến bộ để phục vụ công tác xây dựng, thực hiện các dự án, đề án trọng điểm… Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân hy vọng, việc Luật KH&CN được thông qua tháng 6 vừa qua sẽ tháo gỡ phần lớn những khó khăn kể trên. Hiện nay, Bộ đã chuẩn bị sẵn sàng 28 dự thảo thông tư hướng dẫn Luật KH&CN để cụ thể hóa ngay sau khi Chính phủ ban hành các nghị định. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Chúng ta hoàn toàn có thể chọn những điểm đột phá về cơ chế để đẩy mạnh phát triển KH&CN đúng với vai trò, đòi hỏi của thực tế. Với lực lượng nghiên cứu khoa học, cả dân sự và quốc phòng, được đào tạo căn bản cùng một cơ chế đặt hàng tốt, nhất định các nhà khoa học, các cơ sở nghiên cứu sẽ tạo ra những sản phẩm đáp ứng yêu cầu đặt ra trong cuộc sống.

Gia Anh