Hệ lụy từ việc “thả gà ra đuổi”

Xã hội - Ngày đăng : 07:02, 26/12/2013

(HNM) - Nhằm tạo quỹ đất tái định cư (TĐC) phục vụ giải phóng mặt bằng (GPMB) từ ngày 12-11-2008 đến ngày 20-7-2009, UBND TP Hà Nội có các quyết định số 2002, 3672/QĐ-UBND về việc thu hồi 63.103m2 đất trên địa bàn thị trấn Trâu Quỳ và xã Cổ Bi, giao cho UBND huyện Gia Lâm làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng.

 Đến ngày 7-8-2011, việc thi công các hạng mục hạ tầng cơ bản hoàn thiện, UBND huyện Gia Lâm ban hành Quy chế gắp thăm vị trí các thửa đất TĐC đối với 150 hộ gia đình, cá nhân sống trên địa bàn thị trấn nằm trong diện có đất bị thu hồi.

Tranh thủ tăng gia trên đất tái định cư ở thị trấn Trâu Quỳ.


Có lẽ sự việc sẽ không trở nên phức tạp nếu như trước khi giao đất TĐC, UBND huyện Gia Lâm yêu cầu người dân kê khai, nộp tiền sử dụng đất TĐC theo đúng quy định. Trái lại, sau khi tổ chức gắp thăm, bàn giao vị trí các thửa đất TĐC, huyện Gia Lâm mới yêu cầu người dân đến nộp tiền sử dụng đất. Chính vì nguyên nhân này, đến ngày 1-10-2013 vẫn còn 55 trường hợp chây ỳ, không nghiêm túc chấp hành việc nộp tiền sử dụng đất TĐC. Tìm hiểu, phóng viên được biết, lý do chính dẫn tới sự chậm trễ này là do sau khi nhận đất TĐC, một số hộ dân đã nhanh chóng bán trao tay cho người khác nên những hộ mua sau không có cơ sở pháp lý và chấp nhận bỏ thêm tiền để mua lại quyền sử dụng một thửa đất. Một vài hộ gia đình lại cho rằng, đất của mình trước đây đã được cấp sổ đỏ nên bây giờ UBND huyện Gia Lâm phải có trách nhiệm trả lại thì họ mới đồng ý nộp tiền sử dụng đất TĐC cho chủ đầu tư!

Do không thu hồi được kinh phí đầu tư GPMB và xây dựng công trình hạ tầng nên thời gian qua tiến độ cấp sổ đỏ cho các hộ dân gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay, cả khu đất TĐC rộng hơn 63.000m2 nằm trên địa bàn thị trấn Trâu Quỳ mới chỉ lác đác có vài chục hộ gia đình xây dựng nhà ở. Những diện tích còn lại người dân dùng để trồng ngô, chăn nuôi gia cầm. Theo ông Dương Văn Tuấn - Trưởng ban bồi thường, GPMB huyện Gia Lâm, UBND huyện đã có thông báo sẽ áp dụng các biện pháp xử lý đối với các hộ gia đình không nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định. Cụ thể, hộ nào một tháng sau ngày thông báo không chấp hành sẽ xử lý lãi suất 0,05%/ngày/tổng số tiền phải nộp; còn sau 90 ngày sẽ áp dụng các biện pháp xử lý khác… Tuy nhiên, đến nay vẫn còn hàng chục hộ dân vẫn chưa thực hiện nộp tiền theo thông báo.

Đúng là hệ lụỵ từ việc "thả gà ra đuổi"! Không biết đến bao giờ sự việc này mới được huyện Gia Lâm giải quyết dứt điểm?

Nguyên Hà