“Vướng” vì vi phạm cũ

Xã hội - Ngày đăng : 07:00, 26/12/2013

(HNM) - Hàng loạt nghi vấn và đề nghị của người dân hai xã Đồng Tiến và Vạn Thái (Ứng Hòa) liên quan đến công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT) chưa được giải quyết dứt điểm, khiến người dân bức xúc. Tuy nhiên, vì kế hoạch phải giao ruộng đã cận kề nên chính quyền sở tại vẫn tiếp tục triển khai theo phương án được phê duyệt...

Vi phạm được… "ưu ái"!

Dẫn chứng cho những băn khoăn, một số hộ dân thôn Nội Xá, xã Vạn Thái cho biết: Chúng tôi nhất trí và ủng hộ chủ trương DĐĐT, nhưng khi người dân chưa thống nhất về phương án dồn ruộng thì Tiểu ban DĐĐT thôn Nội Xá đã cho máy móc xuống đào đắp bờ vùng, bờ thửa. Hơn nữa, nhiều trang trại chăn nuôi lợn vi phạm quy định về quản lý đất đai, gây ô nhiễm môi trường đã rất nhiều năm nhưng vẫn được UBND huyện và xã "ưu ái" tiếp tục cho tồn tại để chuyển đổi mô hình mà không phải lấy ra để chia lại.

Một số hộ dân xã Đồng Tiến xây nhà kiên cố trên đất thầu.



Ông Nguyễn Văn An - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Vạn Thái khẳng định: Phương án DĐĐT của xã được công khai, đến nay đã được UBND huyện Ứng Hòa phê duyệt, thực hiện theo hướng dẫn của thành phố. Ông An thừa nhận, việc đắp bờ vùng, bờ thửa của Tiểu ban DĐĐT thôn Nội Xá là nóng vội đã khiến người dân phản đối, nhổ cọc tiêu cắm mốc làm đường và không cho thi công.

Về sự tồn tại của các trang trại chăn nuôi lợn, ông An cho biết: Khoảng năm 1993-1994, Huyện ủy Ứng Hòa có chủ trương khuyến khích các hộ đưa chuồng trại chăn nuôi ra xa khu dân cư nên một số gia đình đã lập đề án trồng cây ăn quả và chăn nuôi. Tuy chưa được UBND huyện phê duyệt nhưng đã có 5 hộ tự ý xây dựng trang trại. Chỉ sau khoảng một năm đi vào hoạt động, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng vì chất thải không được xử lý đổ thẳng ra kênh, mương. Mặc dù sau đó các trang trại đã làm hầm biogas xử lý chất thải, song ô nhiễm môi trường vẫn không được khắc phục triệt để. Thực hiện DĐĐT, người dân đề nghị toàn bộ diện tích đất của 5 trang trại nuôi lợn cũng cần phải lấy ra để chia lại. Hơn nữa, ngày 14-8-2013, UBND huyện Ứng Hòa ban hành Quyết định 321/QĐ-UB, hủy toàn bộ sổ đỏ đất nông nghiệp đã được UBND huyện ra quyết định năm 1999 cấp cho hơn 34 nghìn hộ gia đình, cá nhân. Do đó, không có cớ gì để các trang trại này lại được tồn tại…

Tuy nhiên, tại hội nghị ngày 29-11-2013, thành phần gồm có cán bộ Ban Chỉ đạo DĐĐT huyện Ứng Hòa và xã Vạn Thái với chủ của 5 trang trại đã đi đến thống nhất: 3 hộ được giữ nguyên trang trại nhưng không được tiếp tục chăn nuôi lợn và phải chuyển sang mô hình hoạt động khác; 2 hộ còn lại phải chuyển trang trại chăn nuôi đến khu chuyển đổi của xã… Lý giải về việc này, đại diện UBND xã cho rằng, các trang trại đã được đầu tư lớn (hộ ít nhất cũng vài trăm triệu đồng, hộ nhiều lên đến cả tỷ đồng) nên địa phương "tạo điều kiện" để các hộ được tiếp tục sử dụng đất có hiệu quả. Không hiểu, căn cứ vào đâu mà Ban Chỉ đạo DĐĐT của huyện và xã Vạn Thái có cách "vận dụng" linh hoạt như vậy?

Có nên "hợp thức hóa" vi phạm?

Khác với xã Vạn Thái, đến thời điểm hiện nay, khi lịch "chia ruộng" đã cận kề nhưng vẫn còn trên 40% số hộ dân thôn Đoàn Xá, xã Đồng Tiến vẫn không nhất trí với phương án DĐĐT. Bởi lẽ, thôn Đoàn Xá có hai khu đồng chiêm và đồng mùa, theo phương án DĐĐT của thôn là rũ rối toàn bộ, sau đó chia mỗi hộ 1-2 thửa. Tuy nhiên, theo ý kiến của các hộ dân đội 2, đội 3 thôn Đoàn Xá, do đồng chiêm là khu đồng trũng, đã thực hiện DĐĐT từ năm 1998, mỗi hộ chỉ còn 1 thửa, lại thường xuyên bị mất mùa, hoặc năng suất đạt thấp vào vụ mùa nên người dân không đồng ý rũ rối ruộng mà đề nghị chỉ DĐĐT khu đồng mùa. Một nguyên nhân nữa khiến người dân chưa nhất trí là tại thôn Đoàn Xá hiện có 175 trường hợp xây dựng công trình, tường bao trên đất nông nghiệp, thậm chí cả nhà mái bằng kiên cố (trên cả quỹ đất I và quỹ đất II giao thầu), do vậy người dân đề nghị phải xử lý dứt điểm những vi phạm, sau đó mới thực hiện DĐĐT.

Xung quanh vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Đồng Tiến Quản Ngọc Biết, cho biết: Việc người dân đội 2 đề nghị chỉ chia lại ruộng khu đồng mùa là không có cơ sở và ảnh hưởng đến việc quy hoạch vùng sản xuất, giao thông, thủy lợi nội đồng. Theo phương án DĐĐT, mỗi hộ nhận 1-2 thửa, chứ không phải mỗi hộ chỉ một thửa, do vậy người dân sẽ nhận ruộng ở cả đồng chiêm và đồng mùa. Hộ nào có nhu cầu dồn ruộng để thực hiện mô hình chuyển đổi thì thôn, xã tạo điều diện cho dồn về một thửa hoặc ghép với hộ khác. Sau khi người dân Đoàn Xá có đề nghị, UBND huyện và xã Đồng Tiến đã chỉ đạo thôn tổ chức lấy phiếu của người dân ở 4 đội sản xuất. Kết quả, có 270/486 hộ bỏ phiếu đồng ý rũ rối, chia lại ruộng ở cả hai xứ đồng; 212 hộ còn lại chỉ đồng ý DĐĐT ở khu đồng mùa. Hiện tại, thôn Đoàn Xá tiếp tục thực hiện theo kết quả lấy phiếu và các bước theo phương án DĐĐT được duyệt.

Về việc xã Đồng Tiến không xử lý dứt điểm các hộ xây dựng công trình trên đất nông nghiệp, đất giao thầu trước khi thực hiện DĐĐT, ông Quản Ngọc Biết thừa nhận: Những công trình xây dựng trên đất nông nghiệp ở thôn Đoàn Xá rất khó xử lý vì tồn tại từ lâu, nhiều vi phạm vượt thẩm quyền của xã. Nhằm bảo đảm tiến độ DĐĐT đã đề ra, UBND xã chỉ đạo thôn lập phương án, đối với những hộ thầu quỹ đất II đã thực hiện mô hình chuyển đổi và xây dựng công trình, nay không nằm trong quy hoạch đất giãn cư, đất phúc lợi thì cho giữ nguyên và sẽ trừ vào diện tích canh tác của gia đình, diện tích thừa hoặc thiếu sẽ tính bằng hệ số K. Đối với những hộ đã xây công trình trên quỹ đất I, HTX tạm giao ruộng tại khu vực đã vi phạm?

Tìm hiểu tại địa phương, ngoài hai nguyên nhân trên, việc DĐĐT ở thôn Đoàn Xá gặp nhiều khó khăn bởi nhiều năm liền HTX NN Đoàn Xá không tổ chức được đại hội xã viên bầu Ban quản trị mới nên xã viên không tin tưởng vào việc chỉ đạo thực hiện DĐĐT. Việc DĐĐT lần này ảnh hưởng đến quyền lợi của một số hộ trước đây được giao ruộng ổn định ở vị trí thuận lợi canh tác, gần đường giao thông nên không đồng tình với việc DĐĐT, không tự nguyện tham gia, gây cản trở quá trình thực hiện.

Bài, ảnh: Thúy - Hằng