Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam: Đầu tư hiệu quả

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 06:39, 26/12/2013

(HNM) - Từ đầu năm đến nay, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ trong hoạt động sản xuất và kinh doanh.



Trong giai đoạn 2011-2013, giá trị thực hiện đầu tư toàn PVN là 252,2 nghìn tỷ đồng. Riêng năm 2013, tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm nhà nước về dầu khí, các dự án trọng điểm của tập đoàn đều được kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm kế hoạch đề ra. PVN đã đưa 6 mỏ vào khai thác, khởi công Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn; đưa dòng khí thương mại đầu tiên vào đường ống Nam Côn Sơn… Đạt được kết quả trên là do tập đoàn đã có nhiều biện pháp thực hiện, trong đó bám sát theo kế hoạch 5 năm được Chính phủ phê duyệt, phù hợp với chiến lược tăng tốc phát triển Tập đoàn đến 2015 và định hướng đến 2025. Cùng với đó, công tác quản lý đầu tư được quan tâm đúng mức, việc rà soát, đánh giá được thực hiện có hệ thống, từ đó kịp thời phát hiện những vướng mắc trong quá trình đầu tư. Tập đoàn cũng kiên quyết dừng, giãn các dự án đầu tư hiệu quả kém, chưa có phương án triển khai khả thi và phương án thu xếp vốn. Vì thế, tính đến thời điểm này cơ bản các chỉ tiêu đều đã hoàn thành vượt mức kế hoạch, trong đó khai thác khí đã vượt kế hoạch cả chục tỷ mét khối.

Khai thác dầu khí tại thềm lục địa phía Nam. Ảnh: Hà Thái


Theo kế hoạch, năm 2014 tập đoàn sẽ triển khai 24 dự án, gồm 6 dự án thăm dò khai thác, 7 dự án chế biến dầu khí, 5 dự án công nghiệp khí, 6 dự án dịch vụ kỹ thuật dầu khí. Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu trên, lãnh đạo PVN tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thành viên bám sát thực tế, tình hình phát triển kinh tế hiện nay để thu xếp các nguồn vốn nhằm đầu tư đạt hiệu quả. Trong đó, tập đoàn sẽ làm việc với các ngành chức năng, các cấp có thẩm quyền về giải quyết cơ chế đặc thù liên quan đến hoạt động cho vay đầu tư và chuyển giao vốn cho các đơn vị thành viên trong tập đoàn; rà soát sửa đổi ban hành quy chế quản lý nội bộ phù hợp với điều lệ mới và các quy định của Nhà nước; tiếp tục báo cáo, giải trình Chính phủ và các cơ quan nhà nước phương án tăng vốn điều lệ của công ty mẹ - tập đoàn; thực hiện nghiêm túc các kết luận của thanh tra, kiểm toán nhà nước…; tăng cường công tác quản lý giám sát tài chính của các đơn vị thành viên, nhất là các đơn vị trong diện kiểm soát đặc biệt; tăng cường quản trị doanh thu, chi phí quản lý doanh nghiệp, hoàn thiện các định mức về đơn giá, lập dự toán nội bộ, dự toán và quyết toán chi phí, thực hiện nghiêm túc và minh bạch hóa trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh của toàn bộ tập đoàn. Ngoài ra, tập đoàn tổ chức kiểm tra chuyên đề và chỉ đạo tập trung quản lý công tác sử dụng tiền gửi và vốn vay; tiếp tục hỗ trợ các đơn vị thành viên trong công tác thu xếp vốn, thu xếp tài chính; chỉ đạo quyết liệt các đơn vị trong công tác thu hồi vốn, thu hồi công nợ; vận hành có hiệu quả bộ chỉ số PVN-Index; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản trị kế toán, giảm thời gian và nâng cao chất lượng báo cáo.

Có thể nói, PVN đã thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015 trong bối cảnh "ít thuận lợi và nhiều thách thức": Thế giới có nhiều biến động, tăng trưởng thấp bên cạnh những khó khăn về tài chính và thu xếp nguồn vốn. Từ những khó khăn trên, PVN xem xét kiến nghị Chính phủ một số nội dung như điều chỉnh kế hoạch 5 năm cho phù hợp với thực tế, xin cơ chế hỗ trợ về tài chính, nguồn vốn cho các dự án trọng điểm, tăng vốn điều lệ; có lộ trình cụ thể để đẩy mạnh việc sử dụng nhiên liệu sinh học; Chính phủ có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ trong quá trình triển khai các dự án dịch vụ kỹ thuật dầu khí, đặc biệt với các dự án tập đoàn tiếp nhận từ đơn vị khác…

Gia Khoa