Đảng viên cần nêu gương thượng tôn pháp luật
Chính trị - Ngày đăng : 06:25, 26/12/2013
Chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2013 là "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương; nêu cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp". Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" xác định phương châm là "Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, khách quan, không nể nang, né tránh".
Đối với người đảng viên, ý thức tuân thủ pháp luật có liên hệ chặt chẽ với ý thức kỷ luật trong Đảng. Kỷ luật của Đảng không tách rời pháp luật, càng không đứng trên pháp luật. Điều này đã được quy định rất rõ trong Hiến pháp sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua: "Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật" (Khoản 3, Điều 4).
Yêu cầu, nhiệm vụ của Đảng đặt ra quan trọng và cấp thiết như vậy. Thế nhưng, hiện nay không ít đảng viên chưa làm tốt nhiệm vụ nêu gương, tôn trọng pháp luật. Dư luận mới đây buồn lòng vì một số cán bộ, đảng viên ứng xử thiếu chuẩn mực trong thi hành công vụ... Gần đây là vụ việc Giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh Hà Giang xin không khởi tố cán bộ cấp dưới, còn lấy cớ "19 điều đảng viên không được làm" để xử lý người viết đơn tố cáo. Trước những phản ứng của dư luận, Tỉnh ủy Hà Giang đã kịp thời chỉ đạo xử lý nghiêm cán bộ vi phạm theo pháp luật, khen thưởng người tố cáo.
Sự việc trên cho thấy, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đòi hỏi sự đóng góp của mọi công dân, nhất là sự gương mẫu, đi đầu của cán bộ, đảng viên. Nhưng để đảng viên tự giác tuân thủ pháp luật cần có sự chỉ đạo, giám sát, kiểm tra sát sao của các cấp ủy đảng, trước hết là bằng cách duy trì nghiêm kỷ luật Đảng.