Nam Sudan chìm trong bạo loạn, hàng nghìn người đã thiệt mạng

Thế giới - Ngày đăng : 08:28, 25/12/2013

(HNMO) - Báo cáo mới nhất của Liên Hợp Quốc cho thấy tình hình ở Nam Sudan đang trở nên hỗn loạn. Hàng nghìn người đã thiệt mạng chỉ sau một tuần giao tranh giữa quân đội chính phủ và các lực lượng Hồi giáo nổi dậy.

Hàng nghìn người đã thiệt mạng ở Nam Sudan chỉ trong vòng một tuần qua


Tình trạng hỗn loạn cùng số người chết tăng cao khiến Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bỏ phiếu thông qua việc tăng số binh sĩ gìn giữ hòa bình ở khu vực lên con số 12.500 người. Báo cáo mới nhất của Liên Hợp Quốc cũng nói rằng ba ngôi mộ tập thể đã được tìm thấy. Một ở khu vực phía Bắc Bentiu, hai ngôi mộ còn lại gần thủ đô Juba.

Trước đó Tổng thống Nam Sudan, Salva Kiir tuyên bố quân đội chính phủ đã chiếm lại thị trấn Bor sau nhiều ngày rơi vào tay lực lượng nổi dậy. Trong một thông điệp Giáng sinh, ông Kiir nói rằng hàng nghìn người đã bị giết hại. "Hàng nghìn người dân đang chĩa súng vào nhau do những bất đồng trong bộ lạc. Điều này chỉ khiến đất nước trở nên hỗn loạn".

Cao ủy Liên Hợp Quốc về nhân quyền, bà Navi Pillay nói rằng những người dân thuộc dân tộc Dinka và Nuer lo sợ rằng họ sẽ là nạn nhân trong cuộc xung đột sắc tộc chưa thể có hồi kết. Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, có ít nhất 80.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán trong cuộc khủng hoảng ở Nam Sudan. Một nửa trong số này đã tìm thấy nơi trú ẩn trong những tòa nhà thuộc quyền kiểm soát của Liên Hợp Quốc.

Đài phát thanh Tamazuj tuyên bố quân đội chính phủ Nam Sudan đã mở cuộc tấn công vào các vị trí của lực lương nổi dậy người Nuer ở thị trấn Bor vào ngày hôm qua (24/12). Trong khi đó Tổng thống Nam Sudan Kiir và chỉ huy lực lượng nổi dậy, Machar, tuyên bố sẵn sàng đối thoại trong hòa bình.

Tuy nhiên, Machar yêu cầu các tù binh bị bắt giữ bởi quân đội chính phủ cần phải được trả tự do trong khi Tổng thống Nam Sudan không chấp nhận những điều kiện trước khi bắt đầu cuộc đàm phán. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông Ban Ki-moon nói rằng không thể có giải pháp quân sự cho cuộc xung đột. Cuộc khủng hoảng cần phải được giải quyết bằng con đường hòa bình.

Tổng thống Nam Sudan cáo buộc ông Machar, người từng làm việc cho chính phủ, âm mưu thực hiện cuộc đảo chính. Ông Machar thì cho rằng mình đang cố gắng đòi quyền lợi cho người dân châu Phi. Sudan từng trải qua cuộc nội chiến kéo dài 22 năm khiến một triệu người thiệt mạng trước khi miền Nam hoàn toàn độc lập vào năm 2011.

Nguyễn Hồng Đăng