Bài 1: 15 năm không hoàn thành một dự án

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:13, 25/12/2013

(HNM) - Đã có quyết định giải quyết của UBND TP Hà Nội từ năm 1998 nhưng cho đến nay, vụ việc khiếu nại của 14 hộ dân ở thôn Giáp Nhất, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai vẫn chưa được giải quyết triệt để.

LTS: Theo thống kê của Ban Pháp chế - HĐND TP Hà Nội, năm 2013, số vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng theo Nghị quyết số 22/2009/NQ-HĐND là 22 vụ, đã giải quyết xong 6 vụ, nâng tổng số vụ việc tồn đọng đã giải quyết dứt điểm là 160/176 vụ việc. Trong số 16 vụ việc tiếp tục tồn đọng, hầu hết đã có văn bản giải quyết của cấp có thẩm quyền nhưng qua nhiều năm vẫn chưa được giải quyết triệt để. Nguyên nhân xuất phát từ việc các cấp chính quyền cơ sở chưa tập trung, quyết liệt, còn có biểu hiện đùn đẩy, né tránh, thiếu chặt chẽ trong quá trình giải quyết, có những vụ việc bị thất lạc hồ sơ dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài…

Bài 1: 15 năm không hoàn thành một dự án

Đã có quyết định giải quyết của UBND TP Hà Nội từ năm 1998 nhưng cho đến nay, vụ việc khiếu nại của 14 hộ dân ở thôn Giáp Nhất, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai (trước năm 2004 là thôn Giáp Nhất thuộc xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì) vẫn chưa được giải quyết triệt để. Đây là vụ việc có "tuổi thọ" lớn nhất trong số 16 vụ còn tồn đọng theo Nghị quyết số 22/2009/NQ-HĐND.

Tuyến đường "trên giấy" rộng 13,5m nay là ngõ 4, phố Kim Đồng, quận Hoàng Mai.


Dự án nhà ở "kiểu mẫu" và tuyến đường "trên giấy"

Ngày 21-11-1991, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) có Quyết định số 390/CT phê duyệt Dự án Đầu tư xây dựng khu nhà ở Giáp Bát, chủ đầu tư là Công ty Phát triển nhà và đô thị, nay là Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD). Căn cứ quyết định trên, UBND TP Hà Nội đã giao 2,2ha đất tại địa bàn xã Thịnh Liệt để triển khai dự án, trong đó có 20.218m2 để xây dựng hồ điều hòa và 1.923m2 để xây dựng nhà ở. Tại thời điểm này, dự án nhà ở "kiểu mẫu" thu hút được sự quan tâm của nhiều người dân vì có cảnh quan đẹp, giao thông thuận tiện bởi vị trí gần đường Giải Phóng và Bến xe phía Nam. Diện tích đất được giao chủ yếu là đất nông nghiệp ở xứ Đồng Bia của các hộ xã viên thuộc HTX nông nghiệp Đồng Thịnh, thôn Giáp Nhất, xã Thịnh Liệt. Tuy nhiên, trong quá trình giải phóng mặt bằng thực hiện dự án, 14 hộ dân có đơn tố cáo một số tổ chức, cá nhân vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn, khiếu nại giá đền bù chưa thỏa đáng và không nhận tiền GPMB do chủ đầu tư chi trả.

Ngày 27-10-1998, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 4427/QĐ-UB do Phó Chủ tịch UBND thành phố Lương Ngọc Cừ ký về việc giải quyết đơn tố cáo của 14 hộ dân thôn Giáp Nhất, xã Thịnh Liệt. Liên quan đến nội dung sử dụng đất của Công ty Phát triển nhà và đô thị, quyết định nêu rõ: Hồ sơ giao đất của công ty được lập đầy đủ, đúng quy trình, thủ tục theo quy định nhưng chưa chặt chẽ. Khi có thắc mắc của nhân dân thì các cơ quan chức năng chưa giải thích rõ ràng cho nhân dân hiểu, để thắc mắc của nhân dân về việc sử dụng đất của công ty kéo dài. Trách nhiệm này thuộc về Công ty Phát triển nhà và đô thị và các cơ quan chức năng của thành phố trong việc thụ lý hồ sơ. Công ty có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ sử dụng đất theo quy định. Yêu cầu UBND huyện Thanh Trì chỉ đạo UBND xã Thịnh Liệt thanh toán đầy đủ các khoản tiền đền bù thiệt hại cho các hộ dân chưa nhận tiền theo phương án đã được duyệt.

Đến thời điểm này, dự án Khu nhà ở Giáp Bát đã cơ bản hoàn thành, được đưa vào sử dụng qua một thời gian dài. "Cơ bản hoàn thành" nghĩa là các khối nhà ở đã hoàn thiện công việc chuyển nhượng, cấp GCN quyền sử dụng đất nhưng theo ông Nguyễn Xuân Việt - cán bộ phụ trách bộ phận địa chính UBND phường Hoàng Liệt, trong phạm vi dự án này vẫn còn một tuyến đường rộng 13,5m nối giữa đường Trương Định và đường Giải Phóng chưa được hoàn thành. Hiện tuyến đường "trên giấy" này chỉ là một con ngõ nhỏ, rộng khoảng 3m mang tên ngõ 4, phố Kim Đồng, nối từ khu nhà ở của dự án, men theo hồ Giáp Bát ra phố Kim Đồng. Ngoài ra, trong số 14 hộ kể trên đã có thêm 7 hộ nhận tiền đền bù GPMB, số hộ còn lại vẫn chưa đồng ý nhận tiền và có yêu cầu được bồi thường bằng đất. Ngày 28-11-2012, UBND quận Hoàng Mai đã có Văn bản số 701/TB-UBND, khẳng định yêu cầu của 7 hộ dân trên là không có căn cứ pháp lý và cơ sở thực tế để giải quyết vì hiện nay thực hiện công tác GPMB các dự án trên địa bàn quận Hoàng Mai được áp dụng theo Quyết định 108/2009/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP Hà Nội. Do đó, quận không có quỹ đất nông nghiệp để giao bồi thường cho các hộ dân. UBND quận Hoàng Mai yêu cầu các hộ dân nhận tiền bồi thường theo phương án đã được duyệt; đồng thời yêu cầu UBND phường Thịnh Liệt, Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị thông báo ý kiến của UBND thành phố, tiếp tục vận động các hộ chấp hành phương án bồi thường đã được phê duyệt.

Đất rừng khu Bù Cu, xã Ba Trại (huyện Ba Vì) được UBND xã Ba Trại cấp vượt thẩm quyền từ năm 2004 đến nay vẫn chưa được thu hồi. Ảnh: Bảo Nga


Tiền bồi thường GPMB "lưu lạc" ở đâu?

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về tồn tại trong việc đền bù GPMB Khu nhà ở Giáp Bát, ông Nguyễn Ngọc Hải - Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai cho biết, vào thời điểm GPMB, chủ đầu tư là Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị đã bàn giao tiền cho HTX nông nghiệp Đồng Thịnh để chi trả đến từng xã viên. Điều đó có nghĩa là khi còn 7 hộ chưa nhận tiền GPMB thì HTX vẫn quản lý. Ngày 12-3-2012, UBND phường đã có biên bản làm việc với HTX nông nghiệp Đồng Thịnh, xác định 7 hộ này gồm các ông bà Cao Thế Cộng, Bùi Thế Vũ, Bùi Thị Nghĩa, Bùi Thị Khói, Nguyễn Thị Hiếng, Nguyễn Văn Núi, Đặng Kỳ Kiện với tổng số tiền đền bù là 96.998.790 đồng. Tuy nhiên, trong buổi làm việc này, đại diện HTX có ý kiến: Trước đây HTX đã nộp vào Chi cục Thuế Hà Nội khoảng 62.000.000 đồng, tại thời điểm đó có hóa đơn nhưng hiện tại HTX chưa tìm được hóa đơn đó. Số tiền còn lại HTX đang giữ là 31.122.400 đồng và được ghi vào "Sổ giao dịch các khoản phải trả". Ngoài ra HTX không có hồ sơ tài liệu, chứng từ hóa đơn gì liên quan tới số tiền trên.

Đúng một tháng sau, ngày 14-4-2012, HTX nông nghiệp Đồng Thịnh đã tổ chức buổi làm việc với đầy đủ thành phần Ban quản trị cũ và mới cùng đại diện 7 tổ đội. Tại buổi làm việc, Ban quản trị cũ không xuất trình được giấy tờ, văn bản nào chứng minh khoản tiền 96.998.790 đồng đã nhận của 7 hộ thuộc dự án Khu nhà ở Giáp Bát. Hội nghị thống nhất lấy biên bản bàn giao giữa hai nhiệm kỳ ngày 22-3-2011 làm cơ sở pháp lý. Trong biên bản này, số tiền 31.122.400 đồng được diễn giải là các khoản phải trả, là tiền Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị đền bù hồ 2,2ha Đồng Bia và tiền tạm thu của các hộ Giáp Nhất (không danh sách). Về việc này, UBND phường Hoàng Liệt đã có báo cáo gửi UBND quận Hoàng Mai.

Để tiếp tục thực hiện quyết định của thành phố trong khi quận không còn tài liệu liên quan đến vụ việc này, liên tục trong tháng 5 và tháng 7-2013, UBND quận Hoàng Mai đã có văn bản đề nghị chủ đầu tư là Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị cung cấp hồ sơ pháp lý, các phương án bồi thường hỗ trợ và tái định cư liên quan tới quá trình triển khai, thực hiện dự án khu nhà ở Giáp Bát, đồng thời có báo cáo chi tiết về những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị cũng như phương án triển khai tiếp theo. Tuy nhiên cho đến nay chủ đầu tư chưa có hồi âm.

Đã 15 năm trôi qua, một quyết định của thành phố chưa được thực hiện triệt để, khiến không chỉ quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng mà dư luận đặt câu hỏi về hiệu quả trong công tác giải quyết khiếu nại tố cáo tồn đọng của chính quyền huyện Thanh Trì trước đây và quận Hoàng Mai hiện nay.

Bảo Nga - Ngọc Thủy