Bài 2: Quản lý đóng vai trò then chốt

Xã hội - Ngày đăng : 06:04, 25/12/2013

(HNM) - Hiện, sản xuất rau an toàn (RAT) ở Hà Nội cơ bản đi theo quỹ đạo. Tuy nhiên, vấn đề tiêu thụ đang gặp nhiều khó khăn dù RAT Hà Nội mới chỉ đáp ứng 15-20% nhu cầu người tiêu dùng. Điệp khúc: Người sản xuất RAT kêu bí đầu ra, người tiêu dùng than trời vì tiền thật mua của giả vẫn diễn ra thường xuyên.


Cần sớm có "chỗ" cho RAT

Quay trở lại câu chuyện quản lý và tiêu thụ RAT, Chủ nhiệm HTX RAT Yên Mỹ, Thanh Trì Nguyễn Văn Vinh cho biết: Bao nhiêu năm tổ chức tập huấn, Nhà nước bỏ ra kinh phí tới vài chục tỷ đồng hỗ trợ hạ tầng vùng rau. Nhiều xã cũng hình thành các nhóm nông dân tự quản, tổ trưởng tổ sản xuất, bí thư chi bộ là người đứng đầu chịu trách nhiệm quản lý các tổ. Nếu phát hiện hộ gia đình nào dùng thuốc BVTV ngoài danh mục cho phép hoặc thu hái trước thời hạn là thông báo lên loa nhắc nhở để toàn dân và các thương lái biết. Thế nên, đa phần các hộ đều đã chấp hành đúng quy định về sản xuất RAT. Tuy nhiên, đầu ra của sản phẩm đều do bà con nông dân tự tiêu thụ. HTX cũng đã vận động người dân dùng tem nhãn nhận diện RAT của thành phố nhưng hầu hết không mặn mà vì rau phải sơ chế mất nhiều thời gian, trong khi vào chợ đầu mối giá cả không tăng và cũng không được ưu tiên gì về vị trí. Anh Vinh cho rằng, khi nào các cơ sở sản xuất rau và các chợ bán buôn xây dựng được cơ chế hợp tác kinh doanh, ràng buộc trách nhiệm và lợi ích giữa các bên thì khi đó người nông dân sản xuất RAT và các tiểu thương mới chú tâm tới vấn đề truy xuất nguồn gốc cho rau. Mặc dù từ năm 2011, thành phố đã thực hiện thí điểm dán nhãn tem RAT nhưng việc phân phối, tiêu thụ RAT vẫn còn nhiều bất cập. RAT có dán nhãn chưa được tạo điều kiện hơn so với rau không dán nhãn khi vào các chợ bán buôn do chưa có cơ chế ràng buộc hoặc phối hợp cụ thể với BQL chợ.

Sản xuất rau an toàn tại xã Thụy Hương (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Tào Ngọc



Được biết, ngành nông nghiệp Hà Nội đã tổ chức gắn nhãn nhận diện nguồn gốc xuất xứ sản phẩm RAT bán buôn tại xã Văn Đức - Gia Lâm (250ha), Duyên Hà - Thanh Trì (50ha); Thanh Đa - Phúc Thọ (50ha), Tráng Việt - Mê Linh (50ha)...; tiếp tục dán tem nhận diện RAT Hà Nội cho RAT bán lẻ ở các cửa hàng, siêu thị, chợ... Hiện, toàn thành phố có 31 cơ sở tham gia dán tem nhận diện RAT. Tuy nhiên, đáng buồn là ngay cả những hộ nông dân tại các vùng RAT tuân thủ nghiêm ngặt những quy trình sản xuất cũng chẳng "mặn mà" với việc gắn nhãn, tem nhận diện vì có gắn nhãn, tem thì việc bán RAT vẫn gặp khó khăn.

Ông Nguyễn Thành Lưu - Tổng Giám đốc Công ty CP Sàn giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn Hà Nội cho rằng: Nguyên nhân chính dẫn tới việc "kết duyên" giữa người sản xuất và tiêu dùng RAT chưa thành hiện thực, căn cốt chính là ở chỗ cả hai phía đang bị khủng hoảng niềm tin lẫn nhau. Người sản xuất không tin việc mình sản xuất rau, củ, quả an toàn sẽ bán được giá và có lợi thế hơn những nông dân sản xuất đại trà khác. Bản thân người tiêu dùng không mấy người sẵn sàng rút hầu bao để mua RAT vì họ sợ "tiền thật mua của giả". Vậy làm sao để hóa giải mối nghi ngại này, theo ông Lưu, các cơ quan chức năng phải quản lý sao cho chặt, hiệu quả để lấy lại niềm tin. Và hơn hết, phải xây dựng một chiến dịch truyền thông tuyên truyền vận động để người tiêu dùng tin và sẵn sàng ủng hộ các cơ sở sản xuất RAT đạt chuẩn, đồng thời tẩy chay các vùng rau làm ăn gian dối. Hiện tại, Hà Nội đã có sàn giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn. Từ chỗ chỉ có một vài HTX, giờ đã có trên 50 HTX tham gia cung ứng và được người tiêu dùng đón nhận. Bởi các nhà cung cấp rau củ phải được ngành nông nghiệp và cơ quan chức năng kiểm tra, đủ chuẩn mới lên sàn. Đặc biệt, tình trạng RAT rởm, kém chất lượng sẽ khó xảy ra khi giao dịch qua sàn vì bị truy xuất nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Tuy nhiên, để người tiêu dùng nắm bắt được những địa chỉ bán RAT thì cần phải được tuyên truyền, công bố cụ thể để từng bước tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Hà Nội phấn đấu đến năm 2015 sẽ xây dựng các khu giao dịch RAT tại 7 chợ đầu mối; hình thành 80-90 cửa hàng RAT tại các khu dân cư; 350-400 quầy RAT tại các chợ và 100 gian hàng RAT tại các siêu thị, trung tâm thương mại.

Liên kết để tìm "lối ra"

Thực hiện "Đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2009-2015", đến nay toàn thành phố đã có 31 dự án xây dựng vùng RAT tập trung được lập với tổng diện tích 2.080,9ha; trong đó có 10/31 dự án đã được phê duyệt đầu tư và đang thi công. Theo ông Lê Hồng Anh, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội, toàn thành phố hiện có 4.500ha sản xuất RAT ở 116 xã trọng điểm rau. Để kiểm soát tốt quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm RAT, từ đầu năm Chi cục đã triển khai hàng trăm lượt kiểm tra chuyên ngành, liên ngành các cơ sở sản xuất, sơ chế, kinh doanh RAT. Các cơ sở có mẫu rau vượt ngưỡng đều gửi văn bản nhắc nhở, cảnh cáo và xử phạt vi phạm hành chính. Đặc biệt, để kiểm soát nguồn rau xanh từ các tỉnh đưa vào Hà Nội, Sở NN&PTNT Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác với các tỉnh: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Sơn La, Hòa Bình về sản xuất và tiêu thụ RAT. Đây là những tin vui cho người sản xuất và người tiêu dùng. Tuy nhiên, để RAT thực sự có chỗ đứng trên thị trường, trong thời gian tới, TP Hà Nội cần sớm hoàn thiện chính sách và cơ chế quản lý về an toàn thực phẩm đối với sản phẩm rau tại các chợ bán buôn, tăng cường lực lượng thanh tra chuyên ngành về rau, củ quả. Cần rà soát và xây dựng mô hình hoạt động của các BQL chợ bán buôn, theo hướng bảo đảm ATTP tại các chợ, khuyến khích các HTX, BQL chợ, DN tham gia vào việc tuyên truyền, phổ biến về RAT. Điều này cần được quy định lại trong chức năng, nhiệm vụ của BQL chợ. Cần tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm rau thông qua việc khuyến khích các HTX sản xuất RAT hợp tác bền vững với các chợ đầu mối.

Nhóm PV NN-NT