Cẩn trọng với hàng khuyến mãi cuối năm

Xã hội - Ngày đăng : 05:58, 25/12/2013

(HNM) - Cuối năm là thời điểm các cửa hàng, trung tâm thương mại tung ra hàng loạt chương trình khuyến mãi để tăng doanh thu. Đây cũng là dịp người tiêu dùng có thể thỏa sức mua sắm với nhiều hàng hóa giá rẻ.


"Săn" hàng khuyến mãi

Bên cạnh các mặt hàng thiết yếu đang được giảm giá gần như quanh năm để kích cầu thì điện máy và thời trang là hai mặt hàng được giảm giá mạnh nhất trong thời điểm Tết gần kề. Nhưng khi hàng loạt trung tâm điện máy đang đẩy mạnh kích cầu cuối năm và hàng loạt cửa hàng treo bảng giảm giá 50%, thậm chí 70% thì việc mua một món hàng giá "rẻ nhất thị trường" hóa ra không hề đơn giản!

Người tiêu dùng cần tỉnh táo khi mua hàng giảm giá.



Chị Thảo (quận 12) cho biết, vợ chồng chị đi tìm mua một chiếc tivi. Khảo giá chiếc tivi Sony màn hình LED 32 inch dòng R402A tại các trung tâm điện máy Thiên Hòa, Nguyễn Kim, Pico, chị thấy đều có giá 6,3 triệu đồng. Đây là mức giá giảm khá mạnh vì giá bán lẻ công bố trên website của Sony Việt Nam là 8,4 triệu đồng. Với kinh nghiệm mua hàng của mình, chị Thảo tiếp tục đi khảo sát cửa hàng trên đường Trường Chinh thì được báo giá là 7,6 triệu đồng, giảm còn 6,9 triệu đồng. Đến các cửa hàng điện máy trên đường Hoàng Văn Thụ, chị mua được chiếc tivi này với giá 6,2 triệu đồng.

Cùng với hàng điện máy, nhan nhản trên đường phố là các cửa hàng thời trang giảm giá 30-50%, thậm chí 70-90%. Tuy nhiên, trừ các cửa hàng của các thương hiệu lớn, còn lại các shop thời trang có giá cả "muôn hình vạn trạng" khi rất nhiều mặt hàng, cửa hàng cùng đề biển khuyến mại nhưng lại khác nhau về giá cả. Vừa mua một chiếc áo sơ mi giảm giá 30%, còn lại là 160.000 đồng trên một cửa hàng thời trang ở đường Hai Bà Trưng (quận 3), chị Thủy ấm ức khi chỉ cách đó vài bước chân một cửa hàng khác treo giá 140.000 đồng cho chiếc áo giống hệt.

"Soi kỹ" trước khi mua

Tại các cửa hàng điện máy, hàng loạt biển quảng cáo giảm 50%, thậm chí 70% với lý do khuyến mãi Tết, xả hàng thu hồi vốn… Tuy nhiên, chỉ có những sản phẩm giảm mạnh là hàng có giá trị thấp như bàn là, quạt, nồi cơm điện…; còn những mặt hàng đắt tiền như tủ lạnh, tivi giảm thì chỉ là hàng trưng bày, lỗi mốt, hàng hết bảo hành của nhà sản xuất; hoặc có nhiều mặt hàng giá rẻ nhưng thương hiệu lạ, không có nhãn phụ tiếng Việt và không có bảo hành của nhà sản xuất mà chỉ có bảo hành của nơi bán, được các chủ cửa hàng giới thiệu là hàng xách tay. Những mặt hàng tivi, tủ lạnh, máy giặt được giảm "khủng" hầu hết là hàng trưng bày, lỗi mốt với số lượng chỉ vài cái nên khi khách hàng hỏi cũng không còn. Riêng hàng thời trang, rất nhiều cửa hàng giảm giá theo kiểu "nâng lên, hạ xuống" vì quá nhiều mặt hàng, nhãn hiệu nên người mua không phân biệt được.

Theo các nhà bán lẻ, để không mua hàng điện máy dỏm, bị nâng giá thì người mua phải chịu khó đi xem giá, xem kỹ thời hạn bảo hành. "Hãng sản xuất nào cũng có bảo hành. Nếu cửa hàng không đưa bảo hành của nhà sản xuất mà chỉ có bảo hành của cửa hàng thì có thể đó là hàng cũ, đã hết hạn bảo hành của nhà sản xuất hoặc thậm chí là hàng giả, hàng nhái" - nhiều nhà bán lẻ khuyến cáo.

Theo luật gia Phan Thị Việt Thu, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh, nếu doanh nghiệp công bố giảm giá nhưng bảng đó được niêm yết quanh năm, với mức giá là một con số tuyệt đối không thay đổi thì giá bán thật, không phải là giá giảm và hành vi này được coi là lừa dối khách hàng. Hiện các cơ quan chức năng vẫn chưa kiểm soát được giá trước khuyến mại là bao nhiêu nên không đối chiếu và so sánh được với giá đã khuyến mại. Do vậy, khi xem hàng giảm giá, người tiêu dùng cần cân nhắc xem mặt hàng đó có bị đội giá lên không vì hiện nay, có nhiều cửa hàng đánh vào tâm lý khách thích mua hàng được khuyến mại nên đã tăng giá trị sản phẩm để rồi giảm giá. Bên cạnh đó, khi mua hàng khuyến mại, người tiêu dùng nhất thiết phải kiểm tra kỹ lưỡng, quan sát xem sản phẩm có còn nguyên vẹn, hạn sử dụng thế nào... rồi mới quyết định có nên chọn mua hay không.

Đặng Loan