Làm rõ trách nhiệm người có thẩm quyền

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:49, 25/12/2013

(HNM) - Đánh giá về kết quả giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo tồn đọng theo Nghị quyết số 22 ngày 1-12-2009 của HĐND TP Hà Nội, báo cáo của Ban Pháp chế HĐND thành phố đã nhận định: "Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thời gian qua đã có chuyển biến tích cực, các vụ việc mới phát sinh được giải quyết bảo đảm quy định của pháp luật".


Đó là một đánh giá có cơ sở, bởi số liệu tổng hợp của Ban Nội chính Trung ương cũng cho thấy, trong số gần 2.000 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền thụ lý, giải quyết từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng của Hà Nội đã xử lý, kết luận được gần 1.800 vụ, đạt tỷ lệ 90%.

Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, song báo cáo của cơ quan chức năng cũng chỉ ra một thực tế đáng lo ngại, đó là tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Số vụ việc, số người khiếu nại, tố cáo không những chưa giảm mà thậm chí vẫn tiếp tục gia tăng. Đáng kể là tình trạng còn không ít vụ việc tồn đọng kéo dài năm này qua năm khác nhưng chưa được giải quyết, xử lý dứt điểm. Theo báo cáo của Ban Pháp chế, trong số 22 vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng theo Nghị quyết số 22, các cơ quan chức năng của thành phố mới giải quyết xong 6 vụ, hiện vẫn tồn đọng 16 vụ. Trong số đó có không ít vụ việc đã tồn tại dai dẳng 7-8 năm, thậm chí có vụ tồn đọng tới…15 năm! Đáng nói hơn cả là hầu hết những vụ việc này đã có văn bản giải quyết của cơ quan có thẩm quyền, nhưng qua nhiều năm vẫn chưa được xử lý triệt để. Tình trạng trên không chỉ khiến dư luận bức xúc, mà còn gây mất ổn định chính trị, an ninh trật tự trên địa bàn.

Theo nhận định của cơ quan chức năng, phần lớn vụ việc trên đều có một "mẫu số chung", đó là những "tồn tại do lịch sử để lại". Tuy nhiên, không khó để "điểm mặt chỉ tên" một vài nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng tồn đọng dai dẳng, chậm được xử lý của các vụ việc nói trên. Do thủ tục, trình tự thụ lý, giải quyết phức tạp, vòng vo; cơ quan cấp trên lơ là, thiếu kiểm tra, giám sát; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng thiếu chặt chẽ, thậm chí còn tình trạng né tránh, đùn đẩy. Bên cạnh đó, một số công dân bị quyền lợi cá nhân chi phối, hoặc do thiếu hiểu biết pháp luật mà khiếu nại, tố cáo vượt cấp, kéo dài… Đặc biệt, như Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã nhận định: "Cũng có cán bộ lỡ làm sai nhưng không sửa ngay từ cơ sở, ngại trách nhiệm, muốn lấn át dân, đổ lỗi cho dân. Vì vậy, dân phải vượt cấp, khiến sai ít thành sai nhiều, càng làm càng sai", "dân khiếu kiện phần nhiều là do cán bộ". Rõ ràng là sự yếu kém về năng lực cũng như tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ là nguyên nhân quan trọng khiến người dân bức xúc, khiếu kiện kéo dài.

Để khắc phục tình trạng trên, bên cạnh tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho công dân, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thành phố cần có cơ chế quy định cụ thể, làm rõ trách nhiệm của người có thẩm quyền cũng như cán bộ thụ lý, giải quyết để xảy ra tình trạng vụ việc tồn đọng, không được xử lý dứt điểm, gây khiếu kiện vượt cấp, kéo dài. Đặc biệt là việc xây dựng một đội ngũ cán bộ chuyên trách vừa giỏi chuyên môn, vừa có tinh thần trách nhiệm cao sẽ là "chìa khóa" tháo gỡ tình trạng này, qua đó nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố.

Hà Anh