Lo lắng vì được tự chủ

Tuyển sinh - Ngày đăng : 06:18, 24/12/2013

(HNM) - Với những quy định mới về tuyển sinh dự kiến cho năm 2014, các trường ngoài công lập rút cuộc có thể đạt được điều họ ráo riết đòi hỏi bấy lâu: Tự chủ tuyển sinh. Thế nhưng, liệu việc được tự chủ có giúp các trường thoát được những khó khăn khiến họ lao đao nhiều năm qua, nhất là khi phải đối mặt với thử thách tổ chức thi riêng?


Chưa làm được đề có được thi riêng?

Vướng mắc lớn nhất được nói tới ngay từ khi kế hoạch tuyển sinh được hé lộ là khâu ra đề thi. Cần phải nhắc lại rằng, chính những bất cập nảy sinh từ tình trạng các trường tự ra đề thi đã khiến "3 chung" ra đời hơn mười năm trước. Vì vậy, sự lo ngại là hoàn toàn có cơ sở khi Bộ GD-ĐT vẫn chỉ nói chung chung về việc tăng cường các biện pháp giám sát, hậu kiểm và yêu cầu các trường cam kết bảo đảm tránh tình trạng luyện thi. Không chỉ lo ngại, PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh còn chắc chắn rằng, tình trạng luyện thi sẽ quay trở lại nếu không có biện pháp ngăn chặn, bởi vào ĐH vẫn là mục đích lớn nhất của hầu hết học sinh THPT hiện nay.

Kỳ thi tuyển sinh năm 2014, các trường ngoài công lập vẫn dựa vào nguồn thí sinh “3 chung” để xét tuyển. Ảnh: Viết Thành



Việc ra đề thi cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về thời gian, nhân lực và cả kinh nghiệm nên việc phải tự chủ tuyển sinh ngay trong năm 2014 khiến các trường e ngại. Ngay cả các trường công lập, có đội ngũ giảng viên hùng hậu, cũng phải trông chờ vào nguồn đề của Bộ, thì các trường ngoài công lập lại càng hoang mang. Đại diện Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đã ngỏ ý, làm đề thi nên là trách nhiệm của Cục Khảo thí và bảo đảm chất lượng giáo dục của Bộ GD-ĐT. Đơn vị này nên thực hiện chức năng "ngân hàng đề thi" để các trường sử dụng khi cần thiết. Có ý kiến cho rằng: Để bảo đảm chất lượng đề thi, tránh dạy thêm - học thêm và không xảy ra gian lận trong thi cử, nên tạo điều kiện cho các trường thi riêng đăng ký đề thi từ Cục, kinh phí ra đề sẽ do trường có nhu cầu chi trả.

Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Mai Văn Trinh vẫn giữ quan điểm: Trường nào có đủ điều kiện thì có thể tổ chức thi riêng và khi đã tuyển sinh riêng, Cục sẽ không hỗ trợ việc ra đề thi. Như vậy, ở khía cạnh nào đó, có thể hiểu rằng, khả năng ra đề thi cũng là một trong những điều kiện bắt buộc nếu các trường muốn tự chủ tuyển sinh. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng cho biết, mục đích của Bộ là muốn các trường đã tổ chức tuyển sinh riêng thì phải độc lập ngay từ đầu, không dính dáng gì đến kỳ thi "3 chung" của Bộ nữa. Như vậy, đến khi Bộ không còn tổ chức kỳ thi chung thì các trường cũng tự chủ được toàn bộ các khâu tuyển sinh.

Xét tuyển chung để tránh rủi ro

Không chỉ ở khâu ra đề, các trường ngoài công lập vẫn muốn tiếp tục "nương nhờ" vào nguồn thí sinh thi "3 chung" để xét tuyển theo phương án riêng, bởi với các trường chưa có thương hiệu, việc tuyển sinh riêng, ngoài chi phí cao, còn có rủi ro rất lớn khi không có nguồn thí sinh dồi dào. Chưa kể tới, ngay cả có thí sinh thi vào trường thì cũng khó bảo đảm thí sinh đó sẽ nhập học khi thi đỗ. Tình trạng này càng đáng ngại khi tồn tại cả "3 chung" lẫn thi riêng, nhất là với tâm lý không chuộng trường ngoài công lập như hiện nay. Ông Nguyễn Văn Nhã, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Trãi nêu ý kiến: Việc không cho các trường thi riêng lấy kết quả thi "3 chung" của Bộ để xét tuyển là một quy định thiếu thực tế. Bởi xét tuyển đối tượng nào là quyền của các trường. Sinh viên còn có quyền chuyển trường và các trường còn có thể công nhận tín chỉ của nhau. Vậy tại sao Bộ lại không cho các trường được lấy nguồn tuyển là những thí sinh thi "3 chung"?

Ông Lê Trường Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, cho rằng, trong giai đoạn quá độ có 2 hình thức tuyển sinh như dự kiến, Bộ không cho các trường thi riêng được xét tuyển chung là không thỏa đáng. Theo ông Tùng, quy định như trong dự thảo là làm khó các trường muốn tổ chức thi riêng.

Lường trước những thách thức của việc thi riêng, một số trường ngoài công lập vẫn quyết định dựa vào "3 chung" để tuyển sinh trong mùa thi sắp tới. Ông Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết, để tránh rủi ro, trong 3 năm tới trường vẫn tổ chức thi theo "3 chung". Lý do đưa ra là trường có một số ngành đào tạo có môn thi năng khiếu như kiến trúc, xây dựng. Việc tổ chức thi các môn đó rất phức tạp và tốn kém. "3 chung" sẽ giúp trường xét tuyển các thí sinh từ các trường ĐH Kiến trúc, ĐH Xây dựng, như vậy đơn giản hơn tự tổ chức rất nhiều. Không ít trường ngoài công lập khác cũng sẽ thực hiện theo hướng này, ít nhất trong mùa tuyển sinh năm 2014.

Trước cơ hội tự chủ tuyển sinh, các trường ngoài công lập đang phải cân nhắc những thuận lợi và khó khăn mà cơ hội này đem lại. Bộ GD-ĐT cũng cho biết, đề án mới chỉ là dự kiến, vì vậy các trường có thể góp ý để hoàn thiện các quy định cho quá trình đổi mới tuyển sinh.

Khánh Vũ