Chính trường Campuchia đã sáng lên hy vọng

Thế giới - Ngày đăng : 06:12, 24/12/2013

(HNM) - Hơn 5 tháng trôi qua kể từ khi Ủy ban Bầu cử quốc gia Campuchia công bố kết quả chính thức cuộc bầu cử Quốc hội khóa V (ngày 29-7), với chiến thắng thuộc về đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền của Thủ tướng Hun Sen, chính trường nước này vẫn chưa thực sự bình yên.


Cuối tuần qua, căng thẳng leo thang sau khi khoảng 20.000 người ủng hộ đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP) lại xuống các đường phố ở thủ đô Phnom Penh kêu gọi Thủ tướng Hun Sen tổ chức bầu cử lại với những cáo buộc không có cơ sở về tình trạng sai phạm trong cuộc tổng tuyển cử trên.

Những thành tựu phát triển đất nước trong 28 năm cầm quyền của CPP đã mang đến cho người dân niềm tin vào chính đảng này.



Đây không phải lần đầu tiên CNRP (dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch CNRP Sam Rainsy và Phó Chủ tịch CNRP Kem Sokha) kích động làn sóng biểu tình phản đối Chính phủ của Thủ tướng Hun Sen. Mâu thuẫn giữa CPP cầm quyền và CNRP kéo dài từ cuộc bầu cử Quốc hội khóa V sau khi CPP giành chiến thắng với 68 ghế trong Quốc hội, trong khi CNRP chỉ giành được 55 ghế còn lại. Bất chấp việc Quốc hội Campuchia ngày 24-9 đã bỏ phiếu thông qua quyết định thành lập chính phủ mới dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Hun Sen, CNRP vẫn không ngừng tuyên bố bác bỏ kết quả bầu cử và tẩy chay Quốc hội khóa mới.

Trước những đòi hỏi không có căn cứ của CNRP, Thủ tướng Hun Sen đã lên tiếng khẳng định sẽ không từ chức và cũng không đề nghị tổ chức một cuộc bầu cử lại, bởi theo Điều 78 Hiến pháp Campuchia, Quốc hội không được phép giải tán trước khi nhiệm kỳ 5 năm kết thúc, trừ trường hợp Chính phủ Hoàng gia bị phế truất hai lần trong vòng 12 tháng. Do đó hiện không ai, kể cả Thủ tướng hay Quốc vương, có quyền giải tán cơ quan lập pháp. Thủ tướng Hun Sen đồng thời cũng cảnh báo sẽ thực thi hành động theo pháp luật đối với người biểu tình nếu họ phong tỏa các tuyến quốc lộ hoặc chiếm giữ các trụ sở chính quyền. Dư luận dân chúng tại Phnom Penh những ngày qua cũng tỏ ra bức xúc trước việc CNRP liên tục tổ chức các cuộc diễu hành trên đường phố khiến giao thông tắc nghẽn, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống sinh hoạt của nhiều người.

Bất chấp cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài nhiều tháng qua, các chuyên gia kinh tế cũng như ngân hàng Campuchia dự báo tăng trưởng GDP của nền kinh tế đang phát triển trong khu vực Đông Nam Á này vẫn đạt khoảng 7%. Phát biểu trong chuyến thăm Campuchia mới đây với Thủ tướng Hun Sen tại Cung điện Hòa bình ở thủ đô Phnom Penh, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde đánh giá cao sự tăng trưởng kinh tế của Campuchia, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ các cải cách tài chính tại nước này. Bà Ch.Lagarde cũng cho rằng, Campuchia đã trở thành địa chỉ hấp dẫn với giới đầu tư quốc tế nhờ các chính sách cải cách.

Khẳng định rằng, sự tẩy chay Quốc hội của phe đối lập không thể gây nên khủng hoảng hay bất ổn chính trị tại Campuchia, phát ngôn viên của Hội đồng Bộ trưởng Campuchia Phay Siphan nhấn mạnh: Việc các nhà đầu tư quốc tế vẫn tiếp tục chọn Campuchia làm điểm đến để đầu tư chứng tỏ rằng, họ vẫn tin tưởng vào sự ổn định chính trị cũng như nền kinh tế vĩ mô dưới sự lãnh đạo của CPP cầm quyền. Chia sẻ quan điểm này khi đưa ra nhận định kinh tế Campuchia vẫn có thể tăng trưởng mạnh trong hai năm tới nhờ các giải pháp mang tính cải cách cũng như sự hồi phục ở các thị trường truyền thống, một số chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đưa ra cảnh báo rằng, nếu tình hình chính trị không được cải thiện sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế trung và dài hạn.

Ba tháng đã trôi qua kể từ sau lễ nhậm chức hôm 24-9, Chính phủ của Thủ tướng Hun Sen đang trải qua những thách thức đầu tiên trên con đường chèo lái đất nước trong nhiệm kỳ 5 năm tới. Tuy nhiên, thành tích 28 năm lãnh đạo của cá nhân Thủ tướng Hun Sen và đảng CPP, đưa đất nước Campuchia vươn lên gặt hái nhiều thành tựu to lớn là điểm tựa vững vàng, khẳng định niềm tin của người dân đã dành cho chính đảng này. Từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá, Campuchia giờ đã trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á. Điều đó càng cho thấy những đòi hỏi của CNRP đối lập là hoàn toàn nhằm mục đích gây bất ổn đất nước.

Giữa lúc chính trường Campuchia đang căng thẳng, hy vọng hóa giải bất đồng đã sáng lên khi CPP và CNRP tuyên bố sẽ nối lại đàm phán để giải quyết những vấn đề chính trị sau bầu cử. Dư luận hy vọng, đây sẽ là cơ hội để hai bên đạt được một thỏa thuận lâu dài nhằm chấm dứt những phức tạp hiện nay, cơ sở tiên quyết để Campuchia bước vào một giai đoạn phát triển mới đầy hứa hẹn phía trước.

Tuấn Minh