Hà Nội cùng cả nước tháo gỡ khó khăn, phục hồi tăng trưởng kinh tế
Kinh tế - Ngày đăng : 19:25, 23/12/2013
Hội nghị có sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng các Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ban, ngành của trung ương; đại diện lãnh đạo 63 tỉnh, thành trên địa bàn cả nước.
Hà Nội ưu tiên tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cho biết, năm 2013, kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng cao hơn năm 2012: tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 8,25% (năm 2012 là 8,06%) và cao hơn 1,53 lần mức tăng chung của cả nước; lạm phát thấp hơn, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm dự kiến khoảng 6,4%, thấp hơn so với mức 8,57% năm 2012; an sinh phúc lợi xã hội được đảm bảo, giải quyết việc làm cho 136,5 nghìn lượt người, hỗ trợ 16.500 hộ thoát nghèo, quan tâm chăm lo cho các đối tượng chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội.
Đáng chú ý, TP đã hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, chỉ tiêu giao của Chính phủ cao hơn so với năm 2012 (chỉ tiêu thu ngân sách 2013 tăng hơn 10% so với năm 2012), đóng góp quan trọng cho cân đối ngân sách chung của cả nước.
Hoàn toàn đồng tình với nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2014 của Chính phủ, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo nêu rõ nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của TP cùng như cả nước là tiếp tục phải tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất kinh doanh, từng bước phục hồi tăng trưởng kinh tế. Đây là yếu tố cơ bản, bởi khi duy trì được tăng trưởng kinh tế sẽ đảm bảo được cung cầu, ổn định được kinh tế vĩ mô và có nguồn lực để đầu tư cho các lĩnh vực khác. Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường hiện nay, theo Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo, Chính phủ cần mở rộng kinh doanh, mạnh dạn đầu tư vào những lĩnh vực đang có lãi và yêu cầu nhà đầu tư cam kết. Ngoài ra phải có giải pháp mạnh với BĐS, trong đó ngân hàng cần có gói ưu đãi riêng để giải cứu thị trường này, nhanh chóng chuyển BĐS thành hàng hóa. Muốn như vậy phải chấp thuận quy luật của thị trường, giảm giá, khuyến mại để thu hút người mua. Cùng với đó, Chính phủ cần đẩy mạnh kích cầu nền kinh tế, trọng tâm là kích cầu đầu tư công và các mặt hàng tồn kho.
Chủ tịch TP Hà Nội cũng lưu ý nhiệm vụ xuyên suốt trong năm 2014 là phải đẩy mạnh cải cách thế chế, cần làm rõ trách nhiệm Đảng lãnh đạo, Chính phủ điều hành và nhân dân làm chủ; tăng cường phân cấp cho địa phương; đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra, phòng chống tham nhũng, lãng phí…
Thực hiện nhiệm vụ kinh tế -xã hội năm 2014 với 9 nhóm giải pháp
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã trình bày dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014. Theo đó, mục tiêu tổng quát của năm 2014 là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tăng trưởng hợp lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Sử dụng hợp lý và có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu… Các chỉ tiêu chủ yếu đề ra là: phấn đấu đạt tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 5,8%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu khoảng 6% kim ngạch xuất khẩu; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 7%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30% GDP; tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước 5,3%...
Để thực hiện mục tiêu này, Chính phủ đề ra 9 nhóm giải pháp lớn để thực hiện nhiệm vụ năm 2014. Thứ nhất, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Thứ hai, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Thứ ba, đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thứ tư, đảm bảo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Thứ năm, sử dụng hợp lý và có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Thứ sáu, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thứ bảy, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Thứ tám, mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế. Và thứ chín là tiếp tục tăng cường công tác thông tin tuyên truyền tạo đồng thuận xã hội.
Báo cáo của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh về tình hình thực hiện Nghị quyết số 01 và 02 của Chính phủ cho thấy, trong năm 2013, nhờ thực hiện kịp thời, đồng bộ các giải pháp chính sách về tiền tệ và khóa, tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm cung – cầu… thị trường trong nước năm 2013 cơ bản ổn định, làm phát được kiềm chế theo mục tiêu đề ra. So với tháng 12/2012, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2013 tăng 6,04%, thấp nhất trong vòng 10 năm qua, đạt mục tiêu đề ra (tăng khoảng 8%), thấp hơn mức tăng giá cuối năm 2012 (6,81%). Chính sách tiền tệ được Chính phủ điều hành chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt, kết hợp hài hòa với chính sách tài khóa, góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN, kiềm chế làm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm nợ công, nợ Chính phủ, nợ quốc gia trong giới hạn an toàn. Tổng thu NSNN cả năm ước đạt 790,8 nghìn tỷ đồng, đạt 96,9% dự toán năm, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2012; tổng chi NSNN ước đạt 986,2 nghìn tỷ đồng, đạt 100,8% dự toán, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2012; bội chi NSNN bằng 120% mức bội chi dự toán đầu năm, bằng 5,3% GDP. Năm 2013, vốn FDI thực hiện ước đạt 11,5 tỷ USD, tăng 9,9% so với năm 2012; vốn đăng ký ước đạt 21,63 tỷ USD, tăng 54,5%. Giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi cả năm ước đạt 4.500 triệu USD, tăng 7,5%. |