Tuyển sinh riêng sớm muộn cũng phải trả về các trường
Tuyển sinh - Ngày đăng : 16:49, 23/12/2013
Phóng viên:Năm 2014, Bộ GD&ĐT chưa bắt buộc các trường phải thi riêng mà vẫn có thể theo kỳ thi “3 chung” do Bộ tổ chức, ý kiến của ông về việc này?
Ông Lê Trường Tùng: Có lẽ, một điều cần phải làm rõ rằng đây mới là dự kiến tuyển sinh trong năm 2014 mà Bộ GD&ĐT đưa ra để xin ý kiến, không phải quy chế tự chủ tuyển sinh đúng như trong Luật Giáo dục đại học đã quy định và vừa nhấn mạnh trong Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI. Thực tế, chỉ còn vài ngày nữa là sang năm 2014 nên tại thời điểm này Bộ đưa ra ý kiến về quy chế tuyển sinh năm 2014 thì không phải là sớm và nó là công việc thường xuyên phải làm hàng năm. Việc cần bàn ở đây là nếu tự chủ về tuyển sinh thì sẽ thi cử như thế nào? Điều này có thể chưa thực hiện được ngay vì cần thời gian để học sinh, phụ huynh, các trường có những bước chuẩn bị nhất định, và cần phải có các phương án.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT còn băn khoăn về tự chủ tuyển sinh, khi mà 3 năm tiếp theo vẫn thi “3 chung”. Tôi cho đây là 2 vấn đề hoàn toàn khác nhau. Nếu giả sử thực hiện theo đúng quy định thì đến năm 2017 sẽ không thi “3 chung” nữa, như vậy ngày từ bây giờ Bộ cần tiến hành xây dựng quy chế tuyển sinh từ năm 2017 trở đi, còn việc tuyển sinh từ nay đến năm 2017 nên giữ nguyên như năm 2013. Cái chúng ta cần bàn là từ sau năm 2017, khi đó nó mới ra vấn đề.
PV:Với những trường muốn tổ chức thi riêng liệu sẽ “vấp” phải những khó khăn gì?
Ông Lê Trường Tùng: Căn cứ vào yêu cầu của Dự thảo, theo tôi, để được duyệt đề án không phải là dễ vì quy định Bộ yêu cầu đề án phải đảm bảo là không phát sinh tiêu cực; không có tổ chức luyện thi, đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch và có tiêu chí đảm bảo chất lượng, đó là việc không đơn giản. Mặt khác, Bộ yêu cầu đề án phải lấy ý kiến của cán bộ, sinh viên nhà trường, sau đó đưa lên Bộ để Cục khảo thí cho ý kiến; tiếp đó Bộ mới đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của xã hội và nếu đồng thuận mới thực hiện. Với 3 lần lấy ý kiến đó, e rằng cả năm cũng không thực hiện xong, đặc biệt là lấy ý kiến xã hội.
PV:Khi học sinh đăng ký thi các trường có đề án riêng như vậy liệu có chịu thiệt thòi nào không, thưa ông?
Ông Lê Trường Tùng: Trong Dự thảo, Bộ quy định các trường tổ chức tuyển sinh riêng không sử dụng kết quả thi của kỳ thi chung do Bộ GD&ĐT tổ chức. Xét ở góc cạnh nào đó có vẻ thiệt cho các thí sinh dự thi vào trường tổ chức thi riêng, nhưng nếu các trường thi riêng ở nhiều thời điểm khác nhau thì thí sinh lại có nhiều cơ hội hơn. Nó cũng giống chúng ta đi xin việc, không được chỗ này thì có thể đi chỗ khác. Tuy nhiên, tôi e rằng, nếu Bộ ấn định thi vào một ngày thì đó lại là vấn đề. Hiện nay, theo quy định, các trường không có quyền xác định ngày thi.
PV:Vậy ông lạc quan gì về Dự thảo lần này của Bộ?
Ông Lê Trường Tùng: Theo tôi, điều lạc quan nhất đó là Bộ đã không né tránh việc tổ chức tuyển sinh riêng, xác định việc thi riêng là cần thiết, như vậy là chúng ta đã đi được một bước. Năm 2014, chúng tôi vẫn sẽ tổ chức thi như các năm trước, tức là tiến hành sơ tuyển đối với những em có đủ tiêu chí như tốt nghiệp PTTH, đỗ điểm sàn trở lên thì trường sẽ nhận. Còn hiện tại chúng tôi vẫn chưa thấy đích đến của Bộ thì việc chuẩn bị đề án là rất khó vì để xây dựng được cần rất nhiều thời gian và tốn công sức.
Theo tôi, ý tưởng của Bộ là tốt, vì thi “3 chung” như hiện nay sẽ không thể chọn được tất cả các ngành, vì thế các trường không chọn được thí sinh như mình muốn. Tuy nhiên, Dự thảo mà Bộ vừa đưa ra sẽ dẫn đến 2 khả năng: Một là, các trường tham dự ít thì sẽ không khả thi vì Bộ không đáp ứng được số đông. Hai là, nếu trường nào cũng đồng ý tổ chức thi riêng thì làm thế nào để trong một thời gian ngắn chúng ta phải lấy ý kiến xã hội cho khoảng 400 trường. Tôi lấy ví dụ, mỗi ngày Bộ duyệt được một trường thì phải mất hàng năm Bộ mới có thể duyệt hết được các trường ĐH, CĐ.
PV : Nếu Bộ buộc các trường phải tuyển sinh riêng thì ông có cho rằng trường mình có đủ tự tin để thực hiện ?
Ông Lê Trường Tùng: Theo tôi, việc tuyển sinh phải là việc của trường, mình không thể trông cậy vào ai tuyển sinh hộ cho mình cả. Và hiện tại mặc dù đang có những quy định về mặt nhà nước về tuyển sinh, nhưng theo tôi sớm muộn nó cũng sẽ được trả lại cho trường. Vấn đề chỉ là sớm hay là muộn và thực tế nó đang diễn ra đúng với những gì tôi suy nghĩ. Trong khi thi ĐH hiện nay thực tế là thi phổ thông ở mức cao hơn và kiểm tra xem thí sinh nắm bắt, vận dụng kiến thức phổ thông như thế nào, việc nắm bắt vận dụng kiến thức phổ thông với tố chất phù hợp với ngành dự kiến học thì là hai cái khác nhau.
Giả sử chúng ta tuyển nhân sự cho một cơ quan, người ta sẽ không bắt thi lại các môn các em thi trong trường đại học, người ta sẽ thi riêng, dự kiến tuyển người vào vị trí nào thì họ sẽ có phỏng vấn, thi tuyển phù hợp với vị trí đó. Vì vậy, theo tôi, thi đại học về nguyên tắc cũng phải như vậy, còn hiện nay chúng ta chưa làm được điều đó lại phải quay lại với quy trình nhất định. Hiện nay, số nước tổ chức thi đại học chung chỉ đếm trên đầu ngón tay, xu thế là như vậy vì bản thân mỗi trường đại học đã chịu trách nhiệm dạy cho sinh viên đến hàng chục môn trong 4-5 năm học, chịu trách nhiệm hướng dẫn luận án tốt nghiệp, chịu trách nhiệm tổ chức cho sinh viên thi tốt nghiệp và ký bằng tốt nghiệp công nhận sinh viên tốt nghiệp thì đương nhiên trường có thể chịu trách nhiệm về vấn đề thi đầu vào.
Về vấn đề đề thi, theo tôi, công bằng là rất quan trọng, tuy nhiên muốn hay không muốn thì Bộ cũng đã có những bộ quy tắc dựa vào chất lượng và kiểm soát về chỉ tiêu. Đề thi có khó thì cũng lấy từ trên xuống dưới và đề thi có dễ thì cũng như vậy, vì vậy đề thi khó hay dễ đôi khi nó cũng không có nhiều ý nghĩa. Vì cuối cùng chúng ta cũng vẫn phải tuyển theo số lượng nhất định.
PV:Ông nghĩ sao về vấn đề nhiều trường đưa ra phương án tuyển sinh riêng dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp phổ thông?
Ông Lê Trường Tùng: Về vấn đề này thì Bộ GD&ĐT sẽ phải trả lời, thông qua sự xem xét, đánh giá như vậy có đảm bảo chất lượng hay không?
PV: Xin trân trọng cám ơn ông