Tình yêu nhân loại trong tự truyện “Lẽ sống đời tôi”
Sách - Ngày đăng : 06:33, 23/12/2013
Nhân dịp này, Giám đốc NXB Thế giới Trần Đoàn Lâm đã có cuộc trò chuyện với Hànộimới về cuốn sách đặc biệt này nhằm giúp công chúng hiểu hơn chân dung vị đại sứ Hòa bình Eva Perón, về văn hóa, xã hội, con người của đất nước Argentina trong một giai đoạn lịch sử có nhiều nét tương đồng với Việt Nam.
- Thưa ông, “Lẽ sống đời tôi” có gì đặc biệt so với những cuốn tự truyện hay hồi ký của những nhân vật nổi tiếng khác?
- Chúng tôi đã xuất bản rất nhiều cuốn sách về các học giả, các nhân vật nổi tiếng trên thế giới, nhưng hiếm có cuốn nào để lại ấn tượng sâu sắc như “Lẽ sống đời tôi”. Tự truyện đặc biệt này được xuất bản lần đầu tiên vào những năm 50 của thế kỷ XX tại Argentina, sau đó tái bản nhiều lần, được dịch ra và phát hành tại nhiều nước trên thế giới. Không dùng những từ hoa mỹ, cũng không có thủ pháp nghệ thuật, cuốn sách đơn giản chỉ là những ghi chép sâu sắc, thú vị về cuộc sống, ý tưởng, tâm tư, tình cảm của bà Eva Perón trong quãng đời hoạt động xã hội sôi nổi, sâu sắc. Đọc những ghi chép ấy, người ta không thấy đó là những câu chuyện vụn vặt của một cá nhân mà thấy cả bức tranh xã hội của Argentina sau chiến tranh thế giới lần thứ II, thấy những chân lý, sự triết lý về các vấn đề xã hội nổi cộm, thấy những quan điểm nhân sinh sâu sắc. Qua đó, chân dung về nữ đại sứ Hòa bình cũng được khắc họa một cách tự nhiên.
- Có nghĩa là, sự đấu tranh chống bất công xã hội là lẽ sống của bà Eva Perón, cũng là mong muốn của bà đối với người dân đất nước Argentina nói riêng, nhân loại nói chung phải không, thưa ông?
- Đúng vậy! Qua 3 phần chính: “Lý do cho sứ mệnh của tôi”, “Người lao động và sứ mạng của tôi”, “Nữ giới và sứ mệnh của tôi”, cuốn sách cho chúng ta biết “cảm giác phẫn uất khi đối diện với bất công” là cảm giác “thống soái” tinh thần và cuộc đời bà, khiến bà tự thấy mình là “một phụ nữ yếu đuối” nhưng lại “quyết định sống một cuộc đời hy sinh không thể hiểu nổi”. Chẳng hạn, trong bài “Vinh quang lớn nhất của đời tôi”, bà Eva Perón viết: “Để mang đến cho họ quần áo, đồ dùng, giường ga, máy khâu… tôi phải làm ra khoản tiền gửi lớn. Để chăm lo cho nhu cầu cấp bách về nhà ở - một nhu cầu mà người nghèo thường xuyên phải nghĩ… tôi phải xây nhà tạm cho phụ nữ và trẻ em hoạn nạn. Để chăm lo cho người già nghèo khó, tôi phải xây nhà dưỡng lão”… Làm tất cả những việc này, nhưng tham vọng của bà chỉ đơn giản là “có thể được sống những ngày cuối đời trong bất kỳ ngôi nhà dành cho người già nào của tôi và mỗi lần đến thăm những căn nhà đó, tôi lại vui mừng nghĩ mình sẽ cảm thấy dễ chịu và hạnh phúc khi ở đó”. Đó là những tư tưởng, những việc làm vĩ đại xuất phát từ trái tim, chỉ có những người “quyết định phụng sự nhân dân tôi, đất nước tôi” như Eva Perón mới làm được như vậy.
- Vậy theo ông, tư tưởng nào của bà Eva Perón mà người dân Việt Nam, đặc biệt là các bạn trẻ nên học tập?
- Tôi nghĩ rằng, rất nhiều tư tưởng, quan điểm của bà Eva Perón được thể hiện trong cuốn sách này là kinh nghiệm, là bài học cho những ai đấu tranh vì công lý, yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Nhưng tôi đặc biệt ấn tượng với quan điểm của bà về quyền bình đẳng của phụ nữ. Theo bà, phụ nữ đấu tranh đòi bình đẳng với nam giới thực chất là phong trào đòi nam tính hóa. Phụ nữ vẫn phải thực hiện những thiên chức của mình, còn sự bình đẳng, bình quyền với nam giới là ở chỗ cùng có trách nhiệm xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Đáng nói hơn, những “tâm sự” của bà trong cuốn “Lẽ sống đời tôi” đã đưa ra chân lý: “Chúng ta sẽ không đánh mất tất cả nếu chúng ta còn niềm tin”. Bà cũng nói rằng, giới trẻ phải có tình yêu với đồng loại, với đất nước. Tình yêu đó là khái niệm rất rộng lớn, nhưng nó xuất phát từ tình yêu gia đình, yêu những con người cụ thể, yêu những người nghèo khó, yêu đồng bào, rồi đến tình yêu nhân loại.
Vì những quan điểm, tư tưởng như trên, tôi nghĩ rằng tự truyện “Lẽ sống đời tôi” của bà Eva Perón là một cuốn sách nên đọc. Bởi, biết đâu đó, người đọc có thể tìm ra lẽ sống của đời mình.
- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!