Hy vọng vào tương lai
Thế giới - Ngày đăng : 06:18, 23/12/2013
Tổng thống B.Obama tin tưởng vào sự phục hồi của kinh tế Mỹ. |
Ông chủ Nhà Trắng đã dành phần lớn thời gian của cuộc họp báo để bảo vệ những luận điểm của mình trước hàng loạt các vấn đề gai góc trong năm 2013. Đó là những khó khăn trong triển khai chính sách y tế Obama Care, vụ bê bối theo dõi và nghe lén các nước đồng minh cũng như uy tín và vị thế nước lớn của Mỹ trong xử lý các khủng hoảng chính trị trên toàn cầu... Thực tế, so với tham vọng mà ông B.Obama đưa ra trong bài phát biểu nhậm chức, thành công đạt được trong năm đầu tiên nhiệm kỳ thứ hai của ông chủ Nhà Trắng còn khá khiêm tốn. Theo các nhà phân tích, nguyên nhân chủ yếu là do những bế tắc đảng phái tại Quốc hội cũng như một số vấn đề mới nảy sinh. Những cuộc đấu đá giữa phe Dân chủ và Cộng hòa về vấn đề ngân sách đã khiến Quốc hội khóa 113 của Mỹ bị đánh giá là hoạt động kém hiệu quả nhất trong lịch sử. Kể từ tháng 11-2012, cơ quan lập pháp Mỹ mới chỉ thông qua và đưa được 55 đạo luật vào thực thi, ít hơn 7 đạo luật so với cùng kỳ của Quốc hội khóa trước. Nghiêm trọng hơn, sự bất đồng giữa hai đảng khiến ngân sách tài khóa 2013 bị tự động cắt giảm 85 tỷ USD và một bộ phận chính phủ liên bang đã phải đóng cửa 16 ngày, buộc các nhân viên nghỉ luân phiên không hưởng lương. Rõ ràng, uy tín và hình ảnh của Tổng thống B.Obama trong năm 2013 đã bị ảnh hưởng nặng nề, ông đã nhiều lần phải lên tiếng xin lỗi vì những khó khăn và sai lầm trong triển khai chính sách đối nội và đối ngoại.
Kết quả của chuỗi khó khăn và những rắc rối nảy sinh liên tiếp là Tổng thống B.Obama phải kỷ niệm một năm cầm quyền trong nhiệm kỳ hai với tỷ lệ ủng hộ sụt giảm ở mức thấp kỷ lục. Theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận mới nhất của Gallup, ông B.Obama nhận được 39% số phiếu ủng hộ, chỉ hơn một điểm so với thời kỳ tồi tệ nhất của ông hồi tháng 10-2011. Dẫu vậy, Tổng thống B.Obama vẫn khẳng định kinh tế Mỹ đang phục hồi mạnh mẽ, ngày càng nhiều người được hưởng lợi từ chính sách y tế. Điều đó là cơ sở để kỳ vọng vào một năm 2014 thuận lợi và tươi sáng hơn.
Sự lạc quan của nhà lãnh đạo nước Mỹ không phải không có cơ sở. Trung tuần tháng 12 vừa qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tuyên bố: Do kinh tế Mỹ có những dấu hiệu cải thiện nên kể từ tháng 1-2014, mỗi tháng sẽ giảm bớt mua nợ xấu từ 85 tỷ USD xuống còn 75 tỷ, giảm 10 tỷ USD, nhưng lãi suất vẫn không thay đổi, duy trì từ 0% tới 0,25%. Có thể thấy, sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ hai, các biện pháp kích thích tăng trưởng của Tổng thống B.Obama như giải quyết việc làm, cải thiện thị trường nhà đất, đẩy mạnh buôn bán với các đối tác đã mang lại hiệu quả. Tỷ lệ thất nghiệp tháng 11-2013 giảm xuống 7%. Thị trường nhà đất khởi sắc tăng cao nhất kể từ năm 2008 tới nay với 29% so với năm 2012. Một số tổ chức kinh tế thế giới nhận xét: "Thị trường nhà đất Mỹ đã hồi phục. Đây sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế nước này phục hồi và tăng trưởng trong năm 2014". Thị trường chứng khoán cũng có nhiều dấu hiệu sôi động, ba chỉ số lớn là Down Jones, Nasdaq và S&P-500 đều tăng hơn năm trước. Dư luận cho rằng thị trường chứng khoán tăng trưởng ổn định thể hiện về cơ bản kinh tế Mỹ bắt đầu tăng ôn hòa. Cùng với đó, kim ngạch buôn bán hàng hóa và dịch vụ năm 2013 của nước Mỹ đều tăng trưởng so với năm 2012, như xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2013 đã đạt trên 1.689 tỷ USD, nhập khẩu đạt 2.049 tỷ USD, cao hơn mức cùng kỳ năm 2012. Chỉ số lòng tin của người tiêu dùng cũng tăng mạnh, qua thăm dò trong hai tháng 5 và tháng 6-2013 tăng lên tới 81,4%, mức cao nhất kể từ năm 2008 tới nay. Điều này phản ánh kinh tế Mỹ đã chuyển biến tốt và sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2014.
Có nhiều cơ sở để tin tưởng vào đà phục hồi ấn tượng của kinh tế Mỹ năm 2014 và đây chính là cơ hội để Tổng thống B.Obama khẳng định niềm tin và uy tín trong lòng người dân Mỹ.