Tình trạng ”sở hữu chéo”: Làm “lệch lạc” dòng chảy tiền tệ
Tài chính - Ngày đăng : 06:06, 23/12/2013
Đặc biệt, tình trạng “sở hữu chéo” tại khu vực ngân hàng, doanh nghiệp (DN), chứng khoán đã làm "lệch lạc" dòng chảy tiền tệ trong nền kinh tế, khiến việc phân bổ nguồn lực xã hội trở nên kém hiệu quả, là những thách thức cần sớm giải quyết nhằm xây dựng một hệ thống tài chính lành mạnh.
Là một trong ba mũi nhọn của Đề án tổng thể TCC nền kinh tế, việc TCC hệ thống tín dụng, trong đó trọng tâm là khối ngân hàng thương mại thu hút sự quan tâm của Chính phủ và các ngành. Tại hội thảo quốc tế về tăng cường giám sát và lành mạnh hóa hệ thống tài chính do Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia phối hợp với Ban Kinh tế TƯ Đảng, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức ngày 18-12 tại Hà Nội, các chuyên gia đã đưa ra những nhận định nhằm xây dựng thị trường tài chính Việt Nam theo hướng minh bạch, bền vững.
Xây dựng thị trường tài chính Việt Nam theo hướng minh bạch, bền vững là đòi hỏi cấp thiết hiện nay. Ảnh: Thanh Hải |
Theo đánh giá của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn tiền tệ quốc gia, sau hơn hai năm tiến hành TCC, hệ thống tài chính ngân hàng bước đầu đi vào ổn định, thanh khoản được kiểm soát, nguy cơ đổ vỡ được đẩy lùi. Năm 2013, nhiều chỉ số kinh tế quan trọng của đất nước vẫn bảo đảm. Tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng được kiểm soát phù hợp. Mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay giảm mạnh, dự trữ ngoại hối tăng nhanh… Song tình trạng gia tăng nợ xấu và những rủi ro phát sinh từ sở hữu chéo đang là thách thức lớn với hệ thống tài chính.
Đánh giá về thực trạng "sở hữu chéo", ông Vũ Viết Ngoạn, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn tiền tệ quốc gia cho rằng, trong khuôn khổ luật pháp hiện nay, Luật Ngân hàng và tổ chức tín dụng đã thể hiện rõ quan điểm hạn chế sở hữu chéo với nhiều điều khoản, quy định cấm một số hành vi giao dịch, sở hữu. Nhưng trên thực tế, sở hữu chéo vẫn phát sinh, tồn tại khá nghiêm trọng.
Một trong những vụ điển hình về "sở hữu chéo" gây ra hệ lụy tiêu cực trong hệ thống tài chính - ngân hàng thời gian qua là vụ án tại Ngân hàng Á Châu (ACB) và một số DN sắp được đưa ra xét xử vào đầu năm 2014. Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao vừa công bố, bị can Nguyễn Đức Kiên (tức bầu Kiên), nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Sáng lập ACB bị truy tố với những tội danh: "Kinh doanh trái phép, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trốn thuế". Vụ án không chỉ gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho các bên liên quan, tác động tiêu cực tới sự minh bạch của hệ thống tài chính mà còn khiến lòng tin của nhà đầu tư trên thị trường bị ảnh hưởng.
Trưởng ban Kinh tế TƯ Đảng Vương Đình Huệ nhận định: Nền tài chính quốc gia còn bộc lộ nhiều bất cập. Chính sách tài chính trong một số lĩnh vực còn chậm được ban hành, cơ chế huy động các nguồn lực còn có một số điểm nghẽn. Việc phân bổ và sử dụng nguồn lực tài chính thiên về phát triển chiều rộng, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp…
Còn bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, kinh nghiệm có được từ khủng hoảng tài chính Châu Á, khủng hoảng tài chính toàn cầu và quá trình hồi phục sau đó cho thấy, sự mạnh mẽ, đúng đắn của Nhà nước sẽ bảo đảm cho các nền kinh tế duy trì tăng trưởng, duy trì sự ổn định của thị trường tài chính. Nhà nước cần nâng cao hơn nữa vai trò nhằm giúp hệ thống tài chính mỗi quốc gia có khả năng chống chọi với biến động của thị trường.
Để ứng phó hiệu quả với những biến động của hệ thống tài chính trong bối cảnh đã hội nhập sâu rộng với thế giới, từ năm 2011, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã có ý kiến về việc thành lập Ủy ban Ổn định tài chính và đã được Chính phủ đồng ý về nguyên tắc cho nghiên cứu mô hình này. Dự kiến đầu năm 2014, sẽ hoàn thiện đề án này trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các chuyên gia, qua đó góp phần nâng cao khả năng ứng phó của thị trường tài chính trước những biến động bất lợi, đồng thời phát triển thị trường theo hướng lành mạnh, bền vững.