Thơ ca Hồ Chí Minh viết về lực lượng vũ trang
Văn hóa - Ngày đăng : 07:01, 22/12/2013
Bác Hồ đã viết nhiều bài thơ về lực lượng vũ trang.Ảnh: Bá Hoạt |
Hoạt động quân sự và đấu tranh vũ trang thời kỳ đầu tập trung cho việc xây dựng các đội du kích. Cùng với tác phẩm Đánh du kích, thể hiện tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, Bác viết một loạt bài thơ, bài ca: Hoan nghênh thanh niên học quân sự, Bài ca du kích, Thơ du kích, Ca đội tự vệ… Bác khích lệ, hoan nghênh việc luyện tập quân sự: Muốn đánh Nhật đánh Tây/Thanh niên ta phải ra đây học hành/Một là học việc nhà binh. Không chỉ thanh niên, thiếu niên, mà mọi tầng lớp đều tham gia du kích: Nhi đồng tuổi nhỏ anh hùng/Tham gia du kích đi cùng thanh niên; Một ông già, một sợi dây/Làm cho điêu đứng một bầy địch nhân; rồi phụ nữ: Làm cho địch biết tay bà mưu cao. Ở bài Thơ du kích, Bác nói, vì sao phải cầm vũ khí, vì sao phải tham gia Đội du kích, vì “Nó cướp nước ta, cướp của, đốt nhà, đánh trẻ con, hãm hiếp đàn bà, bắn thanh niên, giết người già”.
Một câu hỏi được đặt ra: Khổ thế này/Chịu sao qua, và Bác khẳng định: Ta muốn sống/Phải tham gia/Đánh du kích/đuổi địch ra. Những ý thơ, lời thơ quyết đoán cũng được thể hiện trong Bài ca du kích. Muôn người như một cho một mục đích chung, tất cả tham gia du kích không phân biệt trẻ, già, trai, gái, lính, dân, đàn ông, đàn bà; tất cả cùng hành động: Kẻ có súng dùng súng/Kẻ có dao dùng dao/ Kẻ có cuốc dùng cuốc/Người có cào dùng cào. Sức mạnh của du kích như những cơn lốc vô tận không gì có thể ngăn nổi: Du kích ngày càng mạnh/ Du kích ngày càng cao/Ào, ào, ào…/Ào, ào, ào…
Những năm 1944, 1945 tình hình thế giới và trong nước có những chuyển biến quan trọng, phong trào cách mạng tiến tới cao trào đòi hỏi phải có lực lượng quân sự chủ lực, nòng cốt, tiên phong đáp ứng yêu cầu mới, Bác chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ngày 22-12-1944, do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy. Khi giờ phút quyết định vận mệnh dân tộc, đội quân chủ lực cùng đội quân du kích đã cùng toàn dân vũ trang làm cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thắng lợi, đem sức ta mà giải phóng cho ta.
Với dã tâm xâm lược nước ta, một lần nữa Thực dân Pháp đã trở lại gây hấn đánh Sài Gòn, rồi Hải Phòng, Lạng Sơn, Đà Nẵng… Trước tình hình đó, đêm 19-12-1946 Bác ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Tết Đinh Hợi đến, Bác chúc Tết đồng bào chiến sĩ: Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió/Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông/Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến… Là thơ, cũng là lời hịch, lời kêu gọi giục giã lòng người. Chúng ta đánh kẻ thù bằng sức mạnh đã quyết, đã đồng, đã mạnh, đã đông, chúng ta dựa vào sức ta mà tiến công địch. Đó là những đòn sấm sét giáng vào đầu Thực dân Pháp trong chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947, chiến dịch Biên giới 1950, chiến dịch Điện Biên Phủ 1954.
Càng chiến đấu lực lượng vũ trang càng lớn mạnh, quân đội càng trưởng thành. Thời kỳ này Bác có hai bài thơ tràn đầy hào khí đánh giặc, hào khí chiến thắng. Ở bài Đăng sơn (Lên núi), đứng trên cao quan sát trận địa chiến dịch Biên giới, Bác hiểu và nhìn rõ hơn ai hết: Quân ta khí mạnh nuốt Ngưu Đẩu. Câu thơ cô đúc, dồn chứa sức mạnh không chỉ hiện tại mà cả truyền thống, dân tộc, núi sông. Năm 1954, quân và dân ta tổng phản công ở mặt trận Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu, Bác có bài thơ Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ - bản anh hùng ca thuật lại diễn biến oai hùng của chiến dịch lịch sử từ khởi đầu cho đến kết thúc qua các chuỗi sự kiện đúng như thực tế, từ ngày Giặc Pháp nhảy dù Điện Biên Phủ, đến quân số huy động Hăm mốt tiểu đoàn tinh nhuệ nhất với những tướng giỏi nắm chỉ huy Nava cùng Cônhi, những vũ khí, khí tài hiện đại Súng lớn đầy chồng chất, Máy bay cao cao, xe tăng thấp, lại có cả quan thầy Mỹ đứng đằng sau lo cung cấp và các báo chí phản động khắp thế giới inh ỏi tâng bốc. Nhưng với ý chí sắt đá, lòng dũng cảm và mưu trí, quân và dân ta đã vượt lên muôn vàn thử thách, đến ngày 7-5-1954, ta đánh trận quyết thắng làm nên một kỳ tích vĩ đại: Giặc kéo từng đoàn ra hàng ta/Quân ta vui hát khải hoàn ca…
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân ta lại đương đầu với đế quốc Mỹ giàu mạnh nhất thế giới. Trước tình hình mới, Bác khẩn thiết kêu gọi đồng bào và chiến sĩ: “Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu quét sạch nó đi”. Bác còn có những câu thơ như lời cảnh cáo, lời khẳng định mạnh mẽ, dứt khoát: “Uy danh lừng lẫy khắp năm châu/Đạn cối tuôn cho Mỹ vỡ đầu/Thành đống trống thắng lay Lầu trắng/ Điện Biên, Mỹ chẳng phải chờ lâu.
Những năm cuối thập niên 1960, trong những bài thơ chúc Tết - mừng Xuân, bao giờ Bác cũng báo tin chiến thắng của chiến trường chống Mỹ: Mừng miền Nam rực rỡ chiến công/Nhiều Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Plâyme, Đà Nẵng/Mừng miền Bắc chiến đấu anh hùng/Giặc Mỹ leo thang ngày càng thua nặng. Và, đúng như câu thơ của Bác: Điện Biên, Mỹ chẳng phải chờ lâu, quân và dân ta đã Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.
Có thể nói, những bài thơ của Bác viết cho lực lượng vũ trang nói trên cũng là một kênh để ta hiểu thêm về tư tưởng Hồ Chí Minh.