Đưa di sản đến gần công chúng

Văn hóa - Ngày đăng : 06:15, 22/12/2013

(HNM) - Kết quả thăm dò khảo cổ khu vực chính điện Kính Thiên năm 2013 do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội vừa công bố đã giúp các nhà khoa học xác định rõ hơn những tầng văn hóa liên tiếp của các triều đại trong lịch sử.


Nhiều lớp văn hóa chồng xếp lên nhau tại khu vực khảo cổ chính điện Kính Thiên.



Di tích chồng di tích

Nếu như năm 2012, phát hiện gây chấn động dư luận là đường nước lớn và dấu tích móng tường bằng sành thời Lý, thì ở phần khai quật khu vực chính điện Kính Thiên với diện tích hơn 100m2 năm nay, nhiều dấu tích kiến trúc khác đã được nhận diện.

PGS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam cho biết: Ở độ sâu trung bình 3m, địa tầng văn hóa của các triều đại chồng xếp lên nhau một cách liên tục, logic. Trên cùng là lớp hiện đại, tiếp đến là lớp văn hóa thời Nguyễn, dưới thời Nguyễn là thời Lê, sâu hơn nữa là thời Lý - Trần và cuối cùng là lớp văn hóa thời Ðại La. Ở lớp văn hóa thời Nguyễn, các nhà khoa học tìm thấy gạch vồ màu xám, đồ sành, gốm sứ niên đại từ thế kỷ XVII-XIX... Dấu tích kiến trúc thời Lê (thế kỷ XV-XVIII) được nhận diện qua những viên gạch vồ màu đỏ - trong đó có viên còn in chữ Hán "Thu Vật hương Thu Vật huyện" - loại gạch đã tìm thấy ở khu 18 Hoàng Diệu (thời Lê Sơ) và nhiều móng trụ gia cố bằng gạch ngói vỡ đầm kỹ. Đáng chú ý là các móng trụ này chạy thẳng hàng theo hướng Bắc - Nam, tạo thành kiến trúc có vì 4 hàng chân cột, lòng nhà rộng 5,3m. Cũng tại tầng văn hóa thời Lê, 2 cống nước nằm phía dưới lớp đất sét gia cố nền sân đã được phát hiện. Lớp văn hóa thời Trần (thế kỷ XIII-XIV) xuất hiện 3 móng trụ xây cất bằng ngói vụn, một cống thoát nước lớn, có đoạn chạy song song với đường nước thời Lý phát hiện năm 2012. Cách ngày nay gần một thiên niên kỷ, lớp văn hóa thời Lý (thế kỷ XI-XII) vẫn còn khá rõ nét qua việc phát hiện thấy hai móng trụ chạy theo hướng Đông - Tây, song song với dấu tích móng tường và sân nền lát gạch vuông. Đây là lần đầu tiên dấu tích móng trụ và sân nền lát gạch thời Lý được tìm thấy ở trục trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Căn cứ vào kết quả đợt khai quật năm 2013 và những lần trước đó, PGS Tống Trung Tín và nhiều nhà khoa học cho rằng, không gian chính điện Kính Thiên thời Lê sơ và Lê Trung Hưng đã dần hé lộ với kết cấu hình vuông, rộng hơn 1ha (kích thước mỗi chiều khoảng 125m) và kiến trúc Giải vũ (nhà phụ) được xây thêm ở hai bên. Tuy nhiên, bố cục kiến trúc thời Lý, Trần thì chưa thấy rõ.

Ngoài các dấu tích kiến trúc, trong đợt khai quật này, giới khảo cổ còn tìm thấy đầu phượng thời Trần rất giống với đầu phượng tìm thấy ở Thành nhà Hồ (Thanh Hóa), đầu đao gắn nhiều lá đề đặc trưng của kiến trúc cung đình thời nhà Trần… Một đầu phượng lớn cũng được phát hiện tại đây gợi mở sự tồn tại của công trình kiến trúc rất đồ sộ thời Lý. "Điều đó đã chứng minh, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long không những có những tầng văn hóa liên tiếp nhau, di tích chồng di tích, mà còn là "Di sản có dấu tích kiến trúc dưới lòng đất được bảo tồn tốt nhất khu vực Châu Á" như GS Ueno người Nhật đã khẳng định" - PGS Tống Trung Tín nhấn mạnh.

Để "thu hoạch" được kết quả trên, các cơ quan chức năng đã đầu tư nguồn nhân lực, vật lực không nhỏ. Những người trực tiếp thực hiện công việc là các chuyên gia khảo cổ trong nhiều năm cẩn trọng "bới" từng lớp đất để lật mở từng lớp văn hóa, từng dấu tích kiến trúc. "Công việc khai quật khảo cổ ở Trung tâm Hoàng thành Thăng Long rất vất vả, lại đòi hỏi sự cẩn trọng, tỉ mỉ, kết hợp với tư duy phân tích, tổng hợp, suy luận nhưng chính sự giàu có của giá trị lịch sử văn hóa ẩn chứa dưới lòng đất ấy là động lực thúc đẩy các nhà khảo cổ tìm hiểu, phân tích. Trong đợt thám sát khu chính điện Kính Thiên, bước đầu chúng tôi phát hiện thấy quy mô kiến trúc thời Lý - Trần vuông góc. Nếu có điều kiện khai quật mở rộng, chắc chắn sẽ có thêm nhiều phát hiện thú vị" - TS Hà Văn Cẩn, Phó Trưởng phòng Khảo cổ - Lịch sử (Viện Khảo cổ học Việt Nam) bày tỏ.

Cần đưa di sản đến công chúng

Trước những phát hiện thú vị này, giới khoa học có hai luồng ý kiến. Một số người cho rằng nên tiếp tục mở rộng khai quật trong những năm tới, trong đó ưu tiên nghiên cứu khu vực điện Kính Thiên. Số đông hơn đề nghị, trong điều kiện thiếu phương tiện, kỹ thuật bảo vệ di sản khảo cổ như hiện nay, chúng ta không nên khai quật manh mún, thay vào đó nên tiến hành quy hoạch tổng thể với tầm nhìn thập kỷ, thế kỷ. Dù theo luồng ý kiến nào, các nhà khoa học cũng thống nhất kiến nghị các cơ quan chức năng xây dựng phương án đưa di sản đến gần công chúng, giúp người dân hiểu biết hơn về giá trị, ý nghĩa Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, từ đó nâng cao ý thức bảo tồn di sản.

Đầu phượng lớn, đầu đao gắn nhiều lá đề đặc trưng của kiến trúc cung đình thời Trần được phát hiện.



Như PGS Lâm Thị Mỹ Dung, Giảng viên Khoa lịch sử, Trường ĐH KH,XH&NV Hà Nội nói: "Thực tế đang đòi hỏi công tác khai quật khảo cổ nên tiến hành theo hướng có thể giữ lại hiện vật để trưng bày, giới thiệu tới công chúng chứ không đơn thuần là khai quật khoa học". Từ quan điểm này, PGS Lâm Thị Mỹ Dung đưa ra ý tưởng làm phim 3D mô phỏng các công trình kiến trúc, hiện vật để giới thiệu tại các phòng trưng bày. Tương tự, GS Phan Huy Lê, Chủ tịch hội Sử học Việt Nam cho rằng, các nhà khoa học không thể khai quật rồi đóng cửa tự nghiên cứu với nhau. Những di vật, hiện vật phát hiện được đều rất quý giá và có ý nghĩa, vì thế không thể giữ làm "của riêng", dành đặc quyền nghiên cứu cho một nhóm, mà cần "mở rộng cửa" cho toàn dân, cho các nhà khoa học, cho những người yêu quý và tâm huyết với Hoàng thành Thăng Long được nghiên cứu, tham quan, thưởng lãm.

Đối với khu vực khảo cổ chính điện Kính Thiên, PGS Tống Trung Tín mong muốn được trưng bày tạm thời phục vụ nhân dân dịp Tết Nguyên đán sắp tới, sau đó sẽ lấp lại để bảo quản. Với vai trò là Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội, TS Nguyễn Văn Sơn khẳng định, kết quả khai quật không chỉ để nghiên cứu, mà có sứ mệnh quan trọng hơn là chuyển tải những thông điệp về lịch sử, văn hóa tới công chúng. "Trước mắt, trung tâm sẽ lập kế hoạch giới thiệu kết quả khai quật khảo cổ từ năm 2008 đến nay, trình cấp trên xin phép trưng bày phục vụ nhân dân" - TS Nguyễn Văn Sơn nói.

Trên phạm vi rộng hơn, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã xây dựng kế hoạch quản lý khu di sản. Ngoài các biện pháp kỹ thuật, trung tâm đã và đang phối hợp với các ngành chức năng nghiên cứu phục dựng điện Kính Thiên, lễ hội Đèn Quảng chiếu, hoàn trả kiến trúc thành cửa Bắc, nghiên cứu trục chính Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long; từng bước thống nhất quản lý khu di sản... "Trên tinh thần đó, giá trị vật thể và phi vật thể của di tích sẽ bổ sung, hỗ trợ cho nhau trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích. TS Nguyễn Văn Sơn cho hay.

Công tác nghiên cứu, bảo tồn Khu di sản Hoàng thành Thăng Long tuy vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, song rõ ràng nhờ có sự giúp đỡ của các chuyên gia Nhật Bản thông qua Quỹ Tín thác, nhiều phương án bảo tồn di sản độc đáo này đã được gợi mở.

Minh Ngọc