Tân chính phủ Áo: Đối mặt nhiều thách thức

Thế giới - Ngày đăng : 06:54, 21/12/2013

(HNM) - Nền kinh tế của Áo vẫn được đánh giá là khá vững vàng với nhiều chỉ số tích cực. Tuy nhiên, còn có nhiều thách thức đất nước Trung Âu này cần phải vượt qua.

Tuy nhiên, để duy trì sự ổn định về dài hạn, còn có nhiều thách thức đất nước Trung Âu này cần phải vượt qua. Đây là sứ mệnh không dễ dàng mà liên minh cầm quyền gồm đảng Dân chủ xã hội (SPOe) và đảng Nhân dân (OeVP) phải gánh vác trong nhiệm kỳ 5 năm tới.

Nhiều người dân Áo đã xuống đường biểu tình phản đối những cải cách mới nhằm cân bằng ngân sách của tân chính phủ.


Hiện tại, Áo là nước có mức tăng trưởng kinh tế đứng thứ hai trong Liên minh Châu Âu (EU), sau Đức. Theo báo cáo mới nhất, tăng trưởng kinh tế của Áo trong quý III-2013 đạt 0,2% và dự kiến đạt 0,4-0,6% vào cuối năm. Kim ngạch xuất khẩu nửa đầu năm 2013 tăng 1,3%. Theo các quy định tiêu chuẩn của Eurozone, tài chính công của Áo đang ở trong tình trạng khá vững vàng. Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm chính phủ mới cần lưu ý, nhất là đối với hệ thống ngân hàng. Với việc phải quốc hữu hóa hai ngân hàng sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và sự mở rộng hoạt động quá mức sang khu vực phía Đông Âu và Trung Âu, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo nợ xấu của các ngân hàng Áo đã lên tới mức tương đương 105% GDP của nước này.

Điểm "đáng ngại" tiếp theo mà chính phủ của Thủ tướng Werner Faymann cần tìm hướng giải quyết là tỷ lệ thất nghiệp. Mặc dù tình trạng lao động không có việc làm tại Áo được xếp vào hàng thấp nhất trong số các thành viên EU (4,8%), tuy nhiên tỷ lệ người thất nghiệp của nước này lại đang đứng ở mức cao nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Theo dự đoán của cơ quan chuyên về thị trường lao động, năm 2014 khả năng số người không có việc làm sẽ còn cao hơn, có thể tới 450.000 người và sẽ trở thành kỷ lục chưa từng có. Bên cạnh đó, tệ nạn tham nhũng và tranh chấp nội bộ cũng là những yếu tố có thể làm xói mòn uy tín của liên minh cầm quyền.

Đứng trước yêu cầu phải có những bước thay đổi, sau khi đắc cử lần thứ hai trong cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 9-2013, chính phủ mới gồm các thành viên của SPOe và OeVP đã tuyên thệ nhậm chức tại Cung điện Hofburg, thủ đô Vienna (Áo). Những cam kết cải cách trong hàng loạt lĩnh vực thuế, trợ cấp, chăm sóc trẻ em và giáo dục, nâng thuế rượu và thuốc lá, ngăn chặn gian lận thuế, giảm áp lực trợ cấp bằng cách tăng tuổi nghỉ hưu thực tế thêm 1,6 năm trong 5 năm tới đã được công bố. Ngoài ra, những mục tiêu mà Thủ tướng W.Faymann cùng Phó Thủ tướng Michael Spindelegger đề ra còn bao gồm cả kế hoạch cân bằng ngân sách vào năm 2016, cắt giảm chi tiêu khu vực hành chính công và thúc đẩy đầu tư để tạo đà tăng trưởng.

Tuy nhiên, cũng giống như các quốc gia láng giềng đang chịu sự chỉ trích của dư luận về chương trình "thắt lưng buộc bụng", kế hoạch cải cách của tân Chính phủ Áo đã vấp phải làn sóng phản đối đầu tiên vào ngày 18-12, khi hơn 40.000 công chức đã tham gia vào cuộc biểu tình trước Hoàng cung Hofburg ở Vienna đòi tăng lương và tăng biên chế. Họ cho rằng, trong chiến dịch tranh cử, chính phủ mới đã hứa giữ nguyên biên chế và bảo vệ mức sống người dân, nhưng lại giải tán Bộ Khoa học và thể hiện sự cứng rắn trong việc cân bằng ngân sách. Điều này sẽ đẩy nguy cơ thất nghiệp gia tăng và mức sống của người dân khó có thể được bảo đảm như hiện nay.

68 năm qua, từ sau Thế chiến II, cử tri Áo luôn dồn phiếu cho Liên minh SPOe và OeVP vì sự ổn định và đồng thuận xã hội. Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử tháng 9 vừa qua, tỷ lệ phiếu bầu dành cho hai đảng này đã sụt giảm đáng kể. Đó cũng là cảnh báo đối với SPOe và OeVP trong thời gian tới.

Quỳnh Chi