Giáo dục đạo đức, lối sống cho trẻ: Phải biết cách thưởng, phạt
Giáo dục - Ngày đăng : 06:30, 21/12/2013
Khảo sát tiến hành tại 24 xã, phường trên địa bàn thành phố với 1.200 hộ gia đình, 366 học sinh (HS), 360 giáo viên chủ nhiệm đã cho thấy việc giáo dục đạo đức, lối sống (GDĐĐ, LS) cho HS hiện nay đã gặp phải không ít khó khăn, bất cập.
Ảnh minh họa. |
Bất hợp lý trong cách thưởng, phạt
Tìm hiểu cách thức GDĐĐ, LS cho trẻ em trong gia đình thông qua việc xử lý khi con cái mắc lỗi cho thấy, phương pháp "nhắc nhở, phân tích đúng sai" được sử dụng nhiều nhất (92,4%). Tuy nhiên, trong một số tình huống nhất định, khi con cái làm những điều không vừa ý cha mẹ, việc trách phạt, to tiếng vẫn tồn tại. Cụ thể, đến 75,3% gia đình đồng ý và đồng ý một phần với hình thức mắng con khi chúng có lỗi, 30,3% gia đình dùng việc quát mắng làm phương pháp giáo dục và nhóm cha mẹ có học vấn càng thấp thì tỷ lệ sử dụng hình thức này càng tăng. 6,4% gia đình sử dụng biện pháp đánh đòn để dạy con và nhóm gia đình có cha mẹ học vấn thấp sử dụng nhiều hơn. Liên hệ với thầy cô để xử lý lỗi của con cái được 17,1% gia đình lựa chọn và những gia đình cha mẹ học vấn cao sử dụng biện pháp này cũng cao hơn. Đánh giá về tầm quan trọng của việc xử lý lỗi đối với con trẻ, Thạc sĩ Lê Ngọc Lân, Viện Gia đình và Giới nhận định: "Xử lý lỗi của con cái theo cách nào cũng ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển, tự tin và bản lĩnh trong cuộc đời trẻ. Sự quy kết đúng, sai cứng nhắc hoặc sự đe nẹt thái quá nhằm dự phòng các tình huống sai trái nhiều khi phản tác dụng, làm các em trở nên nhút nhát, thiếu tự tin hoặc có thể đã đẩy các em theo chiều ngược lại, nói dối, chối tội để khỏi bị trách phạt".
Bên cạnh việc trách phạt thì việc khuyến khích khi trẻ em làm được việc tốt, học tập đạt kết quả cao là phương pháp giáo dục mang lại hiệu quả cao. Việc động viên, khen ngợi con cái kịp thời được nhiều gia đình sử dụng (76,1%), thưởng quà là phương thức khuyến khích thứ hai (37,6%) và cho đi chơi công viên, picníc, du lịch là phương thức thứ ba (18,3%). Tuy nhiên, vẫn còn 5,4% gia đình không thưởng, không khuyến khích. Các gia đình nội thành vượt trội hơn nhóm gia đình sống ở ngoại thành về các phương pháp khen ngợi, khuyến khích tinh thần con cái khi chúng làm được việc tốt hoặc chăm ngoan, học giỏi. Tuy nhiên, vẫn tồn tại tình trạng không ít gia đình khuyến khích con học tốt một cách thái quá, khi con đạt điểm 9, điểm 10 thường quy ra tiền để thưởng. Theo các chuyên gia tâm lý, việc thưởng tiền có thể dẫn đến nguy cơ trẻ học tập, phấn đấu vì động cơ bên ngoài hơn là học để trau dồi kiến thức.
Gia đình còn gặp khó
Kết quả khảo sát cũng cho thấy còn tới 39,1% gia đình được hỏi đang gặp khó khăn trong cách giáo dục con cái. Khó khăn lớn nhất mà các gia đình gặp phải chính là việc không đủ kiến thức dạy con. Có hai lý do dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất là việc cải cách chương trình học của HS các cấp đang "làm khó" cha mẹ khi họ muốn hỗ trợ con cái học bài, làm bài. Thứ hai, xã hội phát triển, mở rộng giao lưu, nhiều công nghệ mới được cập nhật, HS được tiếp xúc nhiều hơn, tiếp thu nhanh hơn, nên nếu các bậc cha mẹ không có ý thức cập nhật, tìm hiểu thêm kiến thức xã hội, công nghệ thì dễ "lạc hậu" so với con cái, không giúp được các em khi chúng có thắc mắc, nhờ cậy. Chị N.T.L (ngoại thành) chia sẻ: "Khó khăn ở chỗ là bây giờ công nghệ ập vào nhanh quá, bố mẹ thì không biết. Tôi nhiều tuổi rồi nhưng vẫn phải học vi tính để quản lý con. Nhưng các cháu đang tuổi ăn học nên tiếp thu rất nhanh, mình thì chậm. Tôi thấy việc giáo dục con khó khăn hơn ngày xưa. Ngày xưa, điện thoại cháu còn chưa biết, bây giờ thì quá nhiều công nghệ hiện đại, mạng thông tin… Nên chúng tôi quản lý con rất khó".
Không đủ thời gian cũng là một áp lực đối với phụ huynh hiện nay. Nhiều giáo viên chia sẻ, hầu như các bậc phụ huynh khi gặp giáo viên, ngoài việc hỏi tình hình học tập của con cái, đều "trăm sự nhờ các thầy cô" vì quá bận, không thể quan tâm đến con cái nhiều hơn. Ngoài ra, những yếu tố xã hội ảnh hưởng đến quá trình giáo dục, quản lý con cái cũng là vấn đề trăn trở của nhiều gia đình.
Như vậy, điểm cốt lõi của những khó khăn mà các gia đình gặp phải hiện nay vẫn chủ yếu là "lỗ hổng kiến thức" và không có thời gian dành cho con cái. Dù nhận thức phương pháp "trò chuyện, tâm sự" hay "phân tích giảng giải" cho con là có hiệu quả nhưng việc thiếu hụt kiến thức, thời gian hạn chế sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến "sản phẩm" giáo dục của mỗi gia đình. Khắc phục ngay được vấn đề đó là việc khó nhưng vẫn phải làm, bởi nó sẽ giúp việc GDĐĐ, LS cho thế hệ trẻ thành công.