Xét xử tội phạm tham nhũng: Không thể “giơ cao, đánh khẽ”

Pháp luật - Ngày đăng : 06:04, 21/12/2013

(HNM) - Theo Tòa án nhân dân (TAND) tối cao, số vụ "vận dụng" pháp luật hình sự để tội phạm tham nhũng được hưởng án treo không đúng chỉ chiếm tỷ lệ 0,065% trong số án đã xét xử. Tuy nhiên, tỷ lệ bị cáo phạm tội liên quan đến tham nhũng được hưởng án treo từ năm 2011 đến nay chiếm khoảng 30%, cao hơn các loại án khác (bình quân chỉ 21%), gây bức xúc dư luận.

Vì đâu nên nỗi?

Trước các bức xúc của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và cử tri về tỷ lệ tội phạm tham nhũng được hưởng án treo lớn, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình cho rằng, không nên đánh giá trên con số mà phải nghiên cứu bản án cho hưởng án treo có đúng quy định của pháp luật hay không. Ông Trương Hòa Bình lý giải: Theo quy định của pháp luật, người nào hội tụ đủ những điều kiện thì tòa phải cho hưởng án treo. Hằng năm, ngành tòa án vẫn có nhiều đợt kiểm tra việc chấp hành án treo và yêu cầu các tòa khi xét xử, nếu tuyên án treo thì phải gửi về TAND tối cao để kiểm tra. Kết quả rà soát đã chứng minh số vụ áp dụng không đúng chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ: 0,065%. Tương tự, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng khẳng định, qua theo dõi, việc "vận dụng" pháp luật cho hưởng án treo đối với tội phạm tham nhũng là đúng.

Dẫu hai người đứng đầu ngành kiểm sát và tòa án khẳng định như vậy nhưng dư luận vẫn không hài lòng với các con số "biết nói" đó. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền cho biết, Điều 60, Bộ luật Hình sự quy định, án treo là một chế định tùy nghi, do tòa cân nhắc, quyết định "nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù" chứ không bắt buộc vận dụng. Nhưng giám sát của Ủy ban Tư pháp cho thấy, việc xét xử một số vụ án, nhất là các vụ tham nhũng lớn, còn kéo dài, có vụ vượt quá thời hạn luật định gây bức xúc trong nhân dân. Tình trạng áp dụng các tình tiết giảm nhẹ nhiều lần để xử dưới khung hình phạt, cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ còn chiếm tỷ lệ cao. Có tòa án xử 10 bị cáo tham nhũng thì cả 10 bị cáo được tuyên án dưới mức thấp nhất của khung hình phạt. Có tòa án của một tỉnh trong 2,5 năm xử 9 bị cáo tội tham nhũng thì 8 bị cáo cho hưởng án treo… Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, tòa án các địa phương đều cho rằng, thực tế hiếm có chuyện bổ nhiệm chức vụ cho người có nhân thân xấu, từng phạm tội nên tội phạm tham nhũng có đặc thù là nhân thân tốt, đa số đều phạm tội lần đầu. Ngoài "ưu điểm" này, nhiều người còn có thành tích trong công tác, chiến đấu, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, nộp lại một phần tiền khắc phục hậu quả... Đây là các yếu tố thuận lợi để tòa cho họ hưởng án treo và nhìn tổng thể, tội phạm tham nhũng có nhiều điều kiện được hưởng án treo hơn những tội phạm có lý lịch "đen" vướng các tiền án, tiền sự khác.

Giải pháp thiếu triệt để

Bất cập nêu trên cho thấy, dù tham nhũng ở nước ta đã và đang được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ xem là quốc nạn nhưng giải pháp ngăn chặn chưa triệt để. Trước các phản ứng của dư luận, mới đây, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã ban hành Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 60, Bộ luật Hình sự, về án treo thay thế các hướng dẫn trước đây, sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Tư pháp và Viện KSND tối cao. Trong đó có quy định kể từ ngày 25-12-2013, không cho hưởng án treo đối với các tội phạm là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối; lưu manh, côn đồ, tái phạm nguy hiểm; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội; người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả nghiêm trọng; phạm tội đặc biệt nghiêm trọng… Cũng theo hướng dẫn mới của Hội đồng Thẩm phán, điều kiện để xử án treo cũng được "siết" chặt hơn. Ngoài điều kiện quy định chỉ xem xét cho người bị xử phạt tù hưởng án treo khi bị xử phạt tù không quá 3 năm và không thuộc trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, tòa chỉ được tuyên án treo nếu bị cáo có nhân thân tốt, ngoài lần phạm tội này họ luôn chấp hành tốt chính sách, không có tình tiết tăng nặng và có ít nhất từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên… Sau khi nghị quyết được ký ban hành (ngày 6-11-2013), TAND tối cao đã nhận được nhiều ý kiến của các thẩm phán phản ánh các điều kiện, đối tượng cho hưởng án treo trong nghị quyết là tương đối rõ ràng, dễ vận dụng.

Như vậy, tiếp sau sự kiện lần đầu tiên có hai bị cáo trong vụ án tham nhũng tại Công ty Cho thuê tài chính 2 bị đại diện Viện KSND TP Hồ Chí Minh giữ quyền công tố tại phiên tòa đề nghị và được Hội đồng xét xử TAND TP Hồ Chí Minh tuyên mức án tử hình (ngày 15-11-2013); và gần đây nhất là vụ tuyên tử hình Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc trong vụ án tại Vinalines, quy định mới nêu trên đang làm người dân bớt hoài nghi vào hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Song để xóa bỏ cảnh "giơ cao, đánh khẽ" đối với tội phạm tham nhũng, ngoài giải pháp nêu trên, TAND tối cao cũng cần chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng thống nhất các quy định "gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng", "số lượng lớn, rất lớn, đặc biệt lớn", "đất có diện tích lớn, rất lớn và đặc biệt lớn" trong xét xử tội phạm về kinh tế, chức vụ, tham nhũng của Bộ luật Hình sự. Đây là vấn đề các chuyên gia pháp luật và các địa phương, trong đó có Hà Nội, đã đề cập từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa được đáp ứng.

Hà Phong