Điều hành kinh tế vĩ mô: Thách thức vẫn ở phía trước

Kinh tế - Ngày đăng : 06:43, 20/12/2013

(HNM) - Các chuyên gia dự báo, nền kinh tế vẫn tiếp tục đối diện với yêu cầu khắc phục những tồn tại trong vấn đề tài khóa, tiền tệ thời gian qua cũng như trong tương lai gần…

Theo TS Trịnh Quang Anh (HCP), đến nay, nền kinh tế vẫn bộc lộ một số tồn tại cần nhận diện để giải quyết sớm. Trước hết, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) được xác định ở mức 6,5-7%/năm rất khó đạt, bởi 3 năm qua chưa năm nào kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng tới 6,5% và trên thực tế chỉ đạt mức 5,6%. Trong khi đó, Chính phủ vừa đưa ra con số dự báo GDP tăng trưởng khoảng 5,8% trong năm kế hoạch 2014 và 6% trong năm 2015 nên khả năng hoàn thành mục tiêu của cả giai đoạn rất khó trở thành hiện thực. Như vậy, có thể thấy nền kinh tế không thể đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP. Ngoài ra, tỷ lệ bội chi ngân sách, tỷ lệ động viên từ thuế, nhu cầu tăng năng suất lao động cũng khó đạt chỉ tiêu đề ra từ đầu năm 2011. Đáng lo ngại hơn là thị trường bất động sản, chứng khoán và nợ xấu ngân hàng chưa được giải quyết ổn thỏa.

Ảnh minh họa


Tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay, nền kinh tế đã đạt một số thành tựu quan trọng là duy trì sự ổn định vĩ mô, bảo đảm cân đối vĩ mô, nhất là an sinh xã hội, kim ngạch xuất khẩu ngày càng gia tăng và mức thu hút vốn đầu tư nước ngoài đã trở thành những yếu tố cân bằng lại các mảng màu của bức tranh kinh tế.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nền kinh tế đang đạt những kết quả đáng khích lệ về kinh tế đối ngoại, thu hút đầu tư nước ngoài và xuất khẩu để hướng tới sự cân bằng cán cân thương mại và gia tăng tỷ lệ giá trị gia tăng tính trên đầu sản phẩm… Đặc biệt, tốc độ lạm phát được khống chế liên tục, theo hướng kiểm soát chặt chẽ và kiềm chế nên năm 2013 sẽ chỉ tăng hơn 6%, tạo điều kiện ổn định đời sống xã hội, không để xảy ra vấn đề bột phát đe dọa sự ổn định chung.

Đáng lo ngại là tình trạng nợ vốn vay của doanh nghiệp (DN) nhà nước đang ở mức cảnh báo. Đến nay, kết quả sắp xếp, tái cơ cấu DN rất chậm dẫn đến việc sản xuất - kinh doanh thiếu hiệu quả, lãng phí nguồn lực, đồng thời làm mất cơ hội đối với các thành phần kinh tế khác.

Tập trung vào công tác điều hành tài khóa, tiền tệ

Theo TS Võ Trí Thành (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ), trong năm 2014 và 2015 cần tính đến "độ trễ" trong các chính sách, cơ chế điều hành từ tầm vĩ mô, nhất là sức lan tỏa của chính sách đối với cộng đồng DN. Chính phủ nên lưu ý thực tiễn các dòng vốn quốc tế đang luân chuyển với tốc độ rất nhanh, từ đó đặt ra yêu cầu ra quyết định điều hành một cách nhanh, gọn và quyết đoán để có biện pháp ứng phó, tận dụng thời cơ thu hút vốn một cách linh hoạt.

Một số chuyên gia cũng tỏ ra dè dặt trước yêu cầu ổn định tỷ giá cũng như kìm hãm tốc độ lạm phát vì thời gian tới Việt Nam sẽ buộc phải tuân thủ các cam kết về điều hành giá theo cơ chế thị trường. Khi đó, giá cả trên bình diện quốc tế sẽ biến động không ngừng, "nhảy múa" theo tín hiệu trong quan hệ cung - cầu, gây khó khăn cho công tác dự báo, điều hành hằng tháng, thậm chí hằng tuần của cơ quan chức năng. Nếu không tìm ra biện pháp hữu hiệu để khống chế mức tăng của giá cả thì nguy cơ lạm phát cao sẽ quay trở lại.

TS Vũ Đình Ánh cho biết, sở dĩ có việc bội chi, vì chi cao hơn mức cho phép đã được xác định từ đầu năm do một số cơ quan, DN không tự giác tuân thủ kỷ luật tài khóa. Từ đó, Chính phủ nên chủ động điều tiết, kiểm soát và khống chế hoạt động chi, thực hiện hài hòa giữa chi thường xuyên và đầu tư công, quyết tâm giảm dần tỷ lệ đầu tư công qua từng năm, để góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách, đồng thời tuyệt đối tránh tình trạng chi vượt quy định. Ngoài ra, cần xác lập rõ các biện pháp điều hành nhằm vào mục tiêu ngắn hạn và dài hạn để huy động và sử dụng nguồn lực tổng hợp một cách hợp lý. Cơ quan quản lý cũng cần nghiên cứu biện pháp quản lý, buộc DN nhà nước thực hiện báo cáo tài chính theo định kỳ một cách kịp thời và trung thực. Các chuyên gia cho rằng, cần khống chế mức nợ công ngay từ bây giờ trước khi quá muộn, bởi điều đó có thể gây hậu quả cho việc điều hành vĩ mô.

Tóm lại, năm 2014 vẫn là một năm "mệt mỏi" của nền kinh tế, đòi hỏi sự quyết đoán trong việc ra quyết định điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ. Trong đó, cần kết hợp hài hòa giữa việc quản lý nợ công, giải quyết các vấn đề tồn tại của các DN nhà nước với sự điều hành tỷ giá, lãi suất ngân hàng, hoạt động xuất khẩu… để có một năm đạt tốc độ tăng trưởng ở mức chấp nhận được.

Hồng Sơn