Muộn còn hơn không
Văn hóa - Ngày đăng : 06:42, 20/12/2013
Ảnh minh họa |
Cuộc tọa đàm có một số điểm đáng chú ý. Trước tiên, đại diện cơ quan quản lý nhà nước, lãnh đạo Cục Bản quyền (Bộ VH,TT&DL) đã có mặt và trình bày chi tiết những điểm mới, những điểm liên quan tới bản quyền phim điện ảnh, truyền hình của Nghị định 131 của Chính phủ về "Quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan". Hội Điện ảnh Việt Nam cũng mời đại diện của đơn vị dịch vụ an ninh công nghệ cao, đơn vị phát hành phim nước ngoài nhằm làm rõ hơn thực trạng vi phạm bản quyền phim điện ảnh, truyền hình, chia sẻ kinh nghiệm và nêu giải pháp ngăn chặn tình trạng này trong thời gian tới…
Đạo diễn gạo cội của điện ảnh Việt Nam, NSND Đặng Nhật Minh cho rằng: Mặc dù rất muộn, nhưng việc Hội Điện ảnh Việt Nam và các đơn vị nêu ra vấn đề này trong thời điểm hiện nay vẫn là rất cần thiết. Và ông Van Duelmen, Giám đốc A Company - CHLB Đức cũng khẳng định việc một Hội Nghề nghiệp tổ chức diễn đàn nhằm trao đổi, phổ biến kiến thức pháp luật bảo vệ quyền lợi cho hội viên như trên cũng không phải là việc nhiều nước làm được.
Tại đây, các nghệ sĩ được hiểu rõ thêm về những hành vi liên quan đến bản quyền phim điện ảnh, truyền hình được nêu trong Nghị định 131, như: Hành vi xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm, quyền đứng tên, đặt tên tác phẩm. Rõ ràng không ai được quyền tự ý sửa chữa, cắt xén tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín tác giả; sử dụng tác phẩm mà không nêu tên thật, bút danh tác giả, tên tác phẩm… Mức phạt cao nhất đối với cá nhân vi phạm tác quyền điện ảnh, truyền hình nay cũng lên tới 250 triệu đồng và đối với tổ chức là 500 triệu đồng.
Đại diện Cục Bản quyền cũng bày tỏ mong muốn các nghệ sĩ điện ảnh sẽ tiếp tục chủ động lên tiếng trong việc bảo vệ tác quyền của mình, chuẩn bị kỹ càng các nội dung trong hợp đồng liên quan đến bản quyền phim điện ảnh, truyền hình. Cục Bản quyền cũng khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Hội Nghề nghiệp và các nghệ sĩ thành lập tổ chức quản lý tập thể trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, ngay trong tọa đàm cũng có nhiều vấn đề được đặt ra cho thấy, đấu tranh với vi phạm bản quyền và bảo vệ quyền lợi cho nghệ sĩ cần nhiều hơn kiến thức và sự quyết liệt. Đại diện Công ty Đầu tư phát triển An ninh công nghệ cao cho biết tính trong năm 2013, việc thất thoát bản quyền dành cho nội dung số, chủ yếu là phim và nhạc là vào khoảng 2 nghìn tỷ đồng. Và con số này dự đoán tăng lên khoảng 10 nghìn tỷ đồng vào năm 2018 nếu vấn đề bản quyền không được giải quyết triệt để.
Khó khăn không nhỏ nữa của chúng ta tới đây trong công tác này, như ông Van Duelmen nêu thì chính là việc phải xác định cho rõ ràng chủ sở hữu phim điện ảnh, truyền hình là ai. Đối với một số nước thì người bỏ tiền đầu tư là người nắm quyền sở hữu, nhưng với các nước khác thì Nhà nước là chủ sở hữu tác phẩm cùng với các thành phần trong đoàn phim như đạo diễn, tác giả kịch bản, diễn viên… Như vậy, làm rõ đối tượng nào là chủ sở hữu quyền tác giả cũng là việc quan trọng không kém trong việc thực thi các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan.
Qua đây, có thể thấy việc nghệ sĩ điện ảnh cùng nhau thành lập một tổ chức quản lý tập thể để bảo vệ quyền lợi của mình giống như giới âm nhạc đã làm hơn 10 năm qua, là vô cùng cần thiết.