Chọn láng giềng gần
Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:32, 20/12/2013
Tổng thống Nga V. Putin (phải) và Tổng thống Ukraine V. Yanukovich trao đổi văn kiện hợp tác tại Mátxcơva ngày 17-12. |
Không phải ngẫu nhiên mà trong cuộc họp Chính phủ ngày 18-12, Thủ tướng Ukraine Mykola Azarov phải thốt lên rằng việc ký kết các thỏa thuận hợp tác mới với Nga là "sự kiện lịch sử". Trong bối cảnh, tăng trưởng kinh tế liên tiếp ở mức âm suốt 5 quý, nợ công bùng nổ và vượt quá 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thâm hụt ngân sách có thể vượt hơn 8% trong năm nay, thỏa thuận kinh tế vừa ký kết trong chuyến thăm của Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych tới Nga cho phép Kiev tránh được mối hiểm họa từ khủng hoảng cán cân thanh toán, thậm chí là nguy cơ sụp đổ chính phủ. Đặc biệt, ngân sách năm 2014 của Ukraine bị mắc kẹt trong thời gian qua do thiếu tiền, cũng sẽ được thông qua. Và nhờ đó sẽ tăng mạnh đầu tư cho các chương trình xã hội, học bổng cho sinh viên, nâng lương cho những người làm việc trong khu vực nhà nước và hướng tới mục tiêu chính là cải thiện tình hình kinh tế, xã hội, mang lại cuộc sống thịnh vượng cho người dân.
Đáng chú ý nhất là, trong số 14 văn kiện được ký kết, thỏa thuận của Tập đoàn Năng lượng Gazprom (Nga) bán khí đốt cho Ukraine với giá 268,5 USD/ 1.000m3, thấp hơn nhiều so với mức giá hiện tại là 406 USD. Chính phủ Nga cũng quyết định sử dụng 495 tỷ rúp (15 tỷ USD) từ Quỹ Phúc lợi quốc gia để mua công trái của Ukraine, giúp nước này tránh khỏi cuộc khủng hoảng tài chính. Đây được cho là yếu tố quyết định sự lựa chọn của Kiev.
Trên thực tế, một cam kết bảo đảm kinh tế là điều mà Kiev luôn tìm kiếm để lựa chọn mối quan hệ với Nga hay Liên minh Châu Âu (EU) suốt thời gian qua. Trong vấn đề này, EU đã để Nga "dẫn bàn" khi không thể lấp đầy "két sắt" đã trống của Ukraine. Bằng chứng là tuần trước, Ukraine đã đề nghị EU một khoản vay tương đương 27,5 tỷ USD. Số tiền này nhằm giúp Kiev bù đắp những mất mát mà nước này gánh chịu do các lệnh cấm vận thương mại mà Nga sẽ áp dụng nếu Ukraine ký kết thỏa thuận liên minh chính trị và thương mại với đối tác phương Tây.
Những tưởng trong bối cảnh sự lựa chọn chỉ có 1, việc Chính phủ Ukraine quyết định "quay lưng" với EU để bảo đảm sự ổn định kinh tế và an ninh quốc gia là việc làm khỏi phải bàn cãi; song, trên thực tế, áp lực đè lên vai Tổng thống V.Yanukovych trong thời gian tới là không nhỏ, nhất là ở một đất nước đang bị chia rẽ sâu sắc giữa một miền Nam và miền Đông rất thân Nga với một miền Tây độc lập hơn và luôn muốn xích lại gần phương Tây. Theo kết quả thăm dò dư luận công bố mới đây, người dân Ukraine đang phân hóa rõ rệt với 50% số người được hỏi bày tỏ mong muốn ký kết một hiệp định với EU, trong khi số người ủng hộ hội nhập với Nga là xấp xỉ với 48%.
Phản ứng trái chiều của dư luận cũng được thể hiện ngay sau khi Tổng thống V.Yanukovych ký kết thỏa thuận hợp tác mới với Nga. Trong lúc, hàng nghìn người vẫn tập trung, thậm chí cắm trại tại trung tâm thủ đô Kiev để yêu cầu nhà cầm quyền Ukraine tăng cường hợp tác với phương Tây thì ngược lại, ở thành phố Simferopol, miền Nam Ukraine, 10.000 người đã đổ ra đường ủng hộ chính sách gần gũi với Nga; đồng thời cho rằng Tổng thống V. Yanukovich đã có bước đi đúng đắn và dũng cảm khi ký kết gói văn kiện hợp tác mới với Nga.
Những động thái trên một lần nữa khẳng định thực tế rằng, "cuộc chiến" Đông - Tây vẫn luôn âm ỉ trong nội bộ Ukraine và chỉ đợi dịp là bùng nổ. Đó là sự giằng co giữa hai khuynh hướng vốn đã tồn tại suốt 22 năm qua, kể từ khi nước này tách khỏi Liên Xô đồng thời tuyên bố độc lập vào năm 1991. Do đó, nhiệm vụ vô cùng khó khăn đang được đặt ra đối với Tổng thống V.Yanukovych và đảng Các khu vực cầm quyền là làm thế nào để cân bằng dư luận và ổn định tình hình đất nước. Kết quả "đường ai nấy đi" tại cuộc đối thoại đoàn kết dân tộc mới đây càng cho thấy con đường phía trước của nhà lãnh đạo 63 tuổi và đất nước Ukraine thật không ít chông gai.