Bài 2: Cởi trói bằng cách nào?

Xã hội - Ngày đăng : 06:31, 20/12/2013

(HNM) - Hà Nội được đánh giá là địa phương làm tốt công tác đào tạo nghề nông cho nông dân, song kết quả vẫn chưa như mong muốn.


Kinh nghiệm từ những mô hình hay

Có mặt tại HTX hoa cây cảnh Thụy Hương (Chương Mỹ) khi các xã viên đang tất bật chăm sóc lứa hoa Tết. Chủ nhiệm HTX Nguyễn Duy Năm khẳng định, hoa của HTX sẽ nở đúng dịp Tết, với màu sắc, mẫu mã đẹp. Sở dĩ như vậy là HTX đã chủ động hoàn toàn trong khâu kỹ thuật. Anh Nguyễn Văn Ngọc, một trong số ít thanh niên thế hệ 9X của HTX hoa cây cảnh Thụy Hương giỏi nghề nông tâm sự: Tốt nghiệp THPT, anh đã tham gia học nghề sửa chữa ô tô và sau 2 năm học nghề vẫn chưa thành thợ. Về quê đúng dịp chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn được triển khai gắn với xã điểm xây dựng NTM, lúc đầu học với mục đích là cho biết, sau đó thấy hay, rồi ham. Sau 3 tháng học tập chuyên cần, Ngọc đã có việc làm ổn định với mức thu nhập trên 3 triệu đồng/tháng tại HTX hoa cây cảnh Thụy Hương.

Ảnh minh họa


Nhờ được đào tạo nghề nông mà ở huyện Hoài Đức đã xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao như mô hình trồng nấm tại xã An Khánh. Với thời gian 3 tháng tham gia khóa học tại Trung tâm Dạy nghề huyện Hoài Đức, các học viên đã nắm được cơ bản kỹ thuật trồng nấm rơm, nấm sò, nấm mỡ, nấm linh chi… Đến nay, tất cả 31 học viên tham gia khóa học không chỉ có việc làm, mà còn trở thành những hạt nhân để nhân cấy nghề trồng nấm tại địa phương.

Đào tạo nghề nông nghiệp công nghệ cao

Mặc dù, công tác dạy nghề nông cho lao động nông thôn vẫn còn nan giải, song không phải là không thực hiện được. Trước tiên là phải dựa vào lợi thế vùng miền, điều kiện đất đai, thổ nhưỡng xem trồng cây gì, nuôi con gì cho phù hợp, cho năng suất, chất lượng cao nhất. Tiếp đến, phải có cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp, HTX mang tính chuyên môn hóa cao, nghĩa là chuyên hoa, hoặc chuyên rau, chuyên thịt lợn sạch… Cuối cùng là phải đào tạo được một đội ngũ nông dân trẻ, có trình độ, tiếp thu được khoa học, kỹ thuật cao và gieo vào họ lòng đam mê, tâm huyết, gắn bó với nghề. Nếu thực hiện đồng bộ 3 vấn đề trên, nông thôn Hà Nội, với lợi thế về thị trường, sẽ xây dựng được nhiều hơn mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Và thực tiễn cũng đã chứng minh, nhiều mô hình áp dụng thành công sau khi được đào tạo nghề nông.

Ông Nguyễn Quang Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cho biết, ở huyện Hoài Đức, việc đào tạo nghề được tập trung vào những ngành nghề phù hợp với chương trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế của địa phương. Thời gian qua, trên địa bàn đã có những vùng trồng hoa lan, rau an toàn và các khu chăn nuôi tập trung, nên huyện tổ chức đào tạo các lớp chăn nuôi thú y, kỹ thuật trồng hoa lan và trồng rau an toàn, giúp nông dân khu vực chuyển đổi nắm bắt khoa học, kỹ thuật đưa vào sản xuất để đạt hiệu quả cao. Còn ông Trịnh Thế Khiết, Chủ tịch Hội Nông dân Hà Nội cho rằng, cần tổ chức cho bà con trực tiếp tham quan, tận mắt chứng kiến các mô hình hay để học hỏi, chứ chỉ nói lý thuyết thì không thuyết phục. Sau một ngày kiểm tra các mô hình sản xuất nông nghiệp ở huyện Chương Mỹ và huyện Hoài Đức, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu đánh giá cao công tác triển khai Đề án 1956 của thành phố Hà Nội về cách làm, bước đi, xây dựng kế hoạch và đầu tư cho chương trình. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, Hà Nội có nhiều thế mạnh, tiềm năng phát triển nông nghiệp công nghệ cao như trồng hoa lan, ly…, do đó, thời gian tới, thành phố tiếp tục phát huy thế mạnh này, đẩy mạnh đào tạo các nghề nông nghiệp công nghệ cao gắn với quy hoạch sản phẩm chiến lược của địa phương và chương trình xây dựng nông thôn mới.

Nhóm PV Nông nghiệp