Khi nông dân được “tiếp sức” kịp thời

Xã hội - Ngày đăng : 06:28, 20/12/2013

(HNM) - Đông Anh là huyện ven đô đang trong quá trình đô thị hóa mạnh song diện tích đất và dân số sống dựa vào nông nghiệp vẫn chiếm tới 80%.


Ông Ngô Đăng Chè, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đông Anh cho biết: Năm 2013, đồng vốn của Ngân hàng NN&PTNT huyện Đông Anh ủy thác cho vay nông hộ thông qua Hội Nông dân đã đạt trên 100 tỷ đồng với hàng nghìn lượt hộ được vay vốn sản xuất kinh doanh. Đi đôi với việc đẩy mạnh cho vay khu vực tam nông (nông nghiệp, nông thôn, nông dân), huyện Đông Anh cũng là một trong những địa phương đi đầu thành phố trong việc cho vay thông qua tổ vay vốn, không phải bảo đảm bằng tài sản, thủ tục nhanh gọn với trên 3.000 thành viên của hơn 400 tổ vay vốn tạo thành màng lưới rộng khắp. Bà Đinh Thị Dung, Tổ trưởng tổ vay vốn và tiết kiệm số 3 thôn Cổ Dương (xã Tiên Dương) cho hay, đến nay, chỉ tính riêng cho vay tín chấp không cần tài sản bảo đảm tại tổ của bà đã đạt 20 tỷ đồng với 240 hộ được vay, giúp những hộ này từ khó khăn vươn lên ổn định và làm giàu. Tại thôn đã xuất hiện nhiều mô hình trồng cây cảnh, rau màu giá trị cao với quy mô hàng tỷ đồng. Đồng vốn của ngân hàng "chảy" đúng thời điểm nông dân đang "khát vốn" với thủ tục nhanh gọn đã khích lệ nông dân đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.

Nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng NN&PTNT huyện Đông Anh, nhiều hộ gia đình đã có điều kiện phát triển sản xuất, tạo nguồn thu nhập ổn định. Ảnh: Khánh Nguyên


Phó Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT huyện Đông Anh Đỗ Văn Sinh khẳng định: Nếu như năm 2010, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn tại chi nhánh đạt 885 tỷ đồng, chiếm hơn 64% tổng dư nợ thì đến nay dư nợ cho vay tam nông của đơn vị đã đạt trên 2.400 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 152,2% và chiếm 78% tổng dư nợ cho vay. Trung bình, món vay cho khu vực tam nông đạt 800 triệu đồng, món cao lên tới 1,5 tỷ đồng. Đây thực sự là nguồn vốn hết sức có ý nghĩa để nông dân Đông Anh mạnh dạn vươn lên làm giàu qua việc đầu tư vào những mô hình nông nghiệp giá trị cao như rau an toàn, hoa cây cảnh… Bên cạnh đó, với chương trình cho vay cơ giới hóa, đến nay toàn huyện đã có 10 tổ chức, cá nhân được ngân hàng cho vay với số tiền 5 tỷ đồng để mua máy gặt đập, máy cấy liên hợp, đã tạo sự chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Đạt được những kết quả trên, bên cạnh sự vào cuộc đồng bộ của cấp ủy, chính quyền địa phương, phải ghi nhận vai trò chủ động, tích cực của Ngân hàng NN&PTNT và Ngân hàng CSXH. Để giúp hội viên Hội Nông dân và các hội, đoàn thể khác sử dụng vốn vay hiệu quả và an toàn, các ngân hàng đã tăng cường hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ, chú trọng việc lồng ghép công tác cho vay với tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, kỹ năng quản lý vốn vay cho cán bộ hội, tổ trưởng các tổ vay vốn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện, uốn nắn và chỉnh sửa kịp thời các sai sót, ngăn ngừa những sai phạm có thể xảy ra... Đây sẽ là những điều kiện để đồng vốn ưu đãi cho phát triển tam nông ở huyện Đông Anh tiếp tục phát huy được hiệu quả trong thời gian tới.

Sơn Tùng