Quan hệ Mỹ - Ấn Độ: Rơi vào vùng “thời tiết” xấu
Thế giới - Ngày đăng : 06:32, 19/12/2013
Ngày 17-12 vừa qua, Ấn Độ đã triển khai một loạt biện pháp mạnh tay đáp trả như đề nghị tất cả các nhà ngoại giao và nhân viên lãnh sự Mỹ đóng tại Ấn Độ trả lại thẻ căn cước do Ấn Độ cấp; rút quy chế miễn trừ với tất cả phái viên ngoại giao Mỹ trên toàn quốc; dỡ bỏ những rào chắn an ninh bằng bê tông được bố trí trên những con đường dẫn đến Đại sứ quán Mỹ... cùng nhiều biện pháp khác. Hành động này được cho là để trả đũa vụ bắt giữ và tố cáo cách đối xử của Mỹ với nhà ngoại giao Devyani Khobragade với cáo buộc gian lận visa, bóc lột sức lao động của người giúp việc nhà, trông trẻ. Nhà ngoại giao D.Khobragade bị bắt ngày 12-12 ở New York, sau đó đã nộp bảo lãnh 250.000 USD để được tại ngoại và dự kiến sẽ phải ra hầu tòa vào tháng 1-2014.
Cảnh sát dỡ bỏ hàng rào an ninh bằng bê tông quanh Đại sứ quán Mỹ tại New Dehli, ngày 17-12. |
Chính quyền Ấn Độ tuyên bố họ "sốc và thất kinh" trước cách cư xử mà trong đó cô D.Khobragade "bị làm nhục" ở Mỹ. Trong một hành động phản đối ngoại giao, các nhà lãnh đạo cấp cao Ấn Độ, gồm: Chủ tịch Hạ viện Meira Kumar; Cố vấn an ninh quốc gia Shivshankar Menon; Bộ trưởng Nội vụ Sushilkumar Shinde; Phó Chủ tịch đảng Quốc đại Rahul Gandhi; Thủ hiến bang Gujarat Narendra Modi đã từ chối gặp phái đoàn Quốc hội Mỹ đang ở thăm Ấn Độ. Ngoại trưởng Salman Khurshid vẫn gặp phái đoàn Quốc hội Mỹ, song đã bày tỏ sự bất bình của Ấn Độ trước việc nhà ngoại giao D.Khobragade bị đối xử thô bạo tại xứ Cờ hoa này. Trước đó, ngày 13-12, Bí thư Đối ngoại Ấn Độ Sujatha Singh đã triệu Đại sứ Mỹ tại Ấn Độ, bà Nancy Powell, tới để phản đối vụ việc trên.
Trước phản ứng dữ dội từ New Dehli, ngày 18-12, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf thừa nhận, đây là vấn đề nhạy cảm nhưng khẳng định các nhân viên an ninh Mỹ đã làm đúng theo luật pháp với nhà ngoại giao Ấn Độ. Theo bà Marie Harf, Washington sẽ tiếp tục làm việc với New Dehli về vụ việc, để các nhân viên ngoại giao Mỹ được bảo đảm an ninh cần thiết. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định, việc dỡ hàng rào an ninh gần Đại sứ quán Mỹ tại New Dehli, nhằm đáp trả vụ bắt giữ nêu trên sẽ không gây tổn hại cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.
Thực tế, các nhà phân tích cho rằng, Mỹ và Ấn Độ có một "tình hữu nghị rộng mở và sâu xa" nên vụ việc trên chỉ là vấn đề đơn lẻ, khó ảnh hưởng lớn tới quan hệ bang giao giữa hai quốc gia. Dù Ấn Độ không phải là đồng minh truyền thống của Mỹ nhưng với nền kinh tế tăng trưởng nhanh bậc nhất ở Châu Á, dân số đông và nền kinh tế tự do, đất nước này ngày càng có sức hút lớn hơn với các nhà đầu tư Mỹ nói riêng và thế giới nói chung. Kể từ năm 2006, thương mại hai chiều đã tăng gấp 4 lần, đạt gần 100 tỷ USD năm 2013. Và trong thập kỷ qua, xuất khẩu quốc phòng của Mỹ sang Ấn Độ đã tăng kỷ lục, từ khoảng 100 triệu USD lên hàng tỷ USD mỗi năm. Khi chi tiêu quân sự Mỹ chậm lại, các thị trường xuất khẩu khác gặp khó khăn, các tập đoàn quốc phòng Mỹ đang tích cực mở rộng xuất khẩu sang Ấn Độ, quốc gia hiện đang trở thành nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Ấn Độ hiện cũng tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung với Mỹ nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Trong khi đó, hằng năm Ấn Độ xuất khẩu khoảng 80% công nghệ phần mềm sang thị trường Mỹ. Mỹ - Ấn cũng dự định thúc đẩy một lĩnh vực hợp tác quan trọng mới đó là giáo dục, khi nhu cầu du học tại xứ Cờ hoa của tầng lớp trung lưu Ấn Độ ngày càng tăng cao. Quan trọng hơn, Ấn Độ cần Mỹ như một điểm tựa quan trọng giúp New Dehli bảo đảm sự cân bằng về an ninh trong khu vực. Mối quan hệ căng thẳng phức tạp và luôn biến động giữa Ấn Độ với Trung Quốc và Pakistan, buộc Ấn Độ phải có những tính toán nhất định và cẩn trọng. Vì thế, mối quan hệ đồng minh với Mỹ không chỉ là kinh tế - thương mại mà còn là nhiều nội hàm quan trọng khác.
Có thể thấy, trước mối quan hệ cốt yếu như vậy, rõ ràng Mỹ và Ấn Độ không vì vụ việc trên để ảnh hưởng tới lợi ích lâu dài của cả hai bên. Nói cách khác, dù quan hệ Washington - New Dehli đang bị bao trùm bởi một vùng "thời tiết" xấu thì chỉ riêng vụ việc này không thể phá vỡ được một mối quan hệ mà hai nước đã dày công xây dựng trong nhiều thập kỷ qua.