Chuyện ở “chợ Mát”
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:26, 19/12/2013
Bức tranh toàn cảnh
Mặc dù hiện tại các chiến dịch nói trên đã tạm dừng nhưng xem ra tâm trạng bà con người Việt Nam tại đây vẫn còn thắc thỏm, lo âu. Những khu chợ lớn mà nhà chức trách làm mạnh tay như chợ Liu (Trung tâm thương mại Mátxcơva), chợ Chim (Sadovod)… nơi có hàng mấy chục nghìn con người mang các quốc tịch khác nhau đang làm việc. Các đợt truy quét làm ảnh hưởng rất nhiều đến chuyện bán buôn. Hàng hóa nếu kịp đóng quầy còn đỡ, nếu chưa kịp thì chưa biết có chuyện gì xảy ra? Ngoài ra, dù anh (hay chị) có giấy tờ hay không thì cứ mời lên xe về đồn để kiểm tra đã. Hàng trăm, thậm chí là cả nghìn con người bị đưa lên xe chở về các đồn cảnh sát. Những người có giấy tờ chắc chắn "xịn" thì sau mấy tiếng đồng hồ ngồi "đếm kiến" trong đồn sẽ được trở về làm việc bình thường. Còn số người có vấn đề hoặc bất hợp pháp thì xin mời nán lại để kiểm tra tiếp hoặc là nằm ở diện ra tòa án và bị trục xuất khỏi Nga. Cũng có nhiều trường hợp "chạy chọt" để ra khỏi đồn nhanh, nhưng thời gian này nhà chức trách làm nghiêm hơn nên chuyện "may rủi" là khá hiếm.
Một góc chợ Mátxcơva. |
Nhưng cũng nhờ thông qua hai chiến dịch truy quét ráo riết này mà các lực lượng chức năng Nga đã bắt được khá nhiều tên tội phạm thực sự nguy hiểm đến sự an toàn của xã hội, khám phá ra hàng trăm băng nhóm rửa tiền bất hợp pháp, những ổ nhóm chứa chấp vũ khí, chất nổ trái phép, ma túy, mại dâm, thậm chí là cả bạc giả… Có lẽ, đây là thời điểm mà các cơ quan chức năng Nga làm việc khá hiệu quả.
Nhân dịp đến chơi nhà mấy người quen ở chợ Chim và Liu, khi hỏi chuyện kinh doanh buôn bán, anh Đinh Văn Dần, quê Thái Bình, chuyên bán hàng thể thao kể lại: "Căng lắm anh ạ, có giấy tờ hợp pháp với quyền lao động 3 năm hẳn hoi mà em cũng phải vào ngồi cũi sắt (nơi nhốt tạm người giam giữ tại đồn), mất mấy tiếng đồng hồ mới ra được, chả biết bao giờ thì có giấy tờ hợp pháp mới không bị bắt?". Chú em tên Tuệ ở cùng phòng với Dần cho biết thêm: "Đến như cháu đây có giấy tờ của công dân Nga ở thành phố xa lên mà vẫn còn bị chất vấn hỏi han nữa là…?". Tôi bảo: Chú có dấu tạm trú không? Chú bị họ hỏi là đúng rồi còn gì? Vé lên thăm Mátcơva đâu? Chỉ được phép tạm trú 3 ngày thôi chứ? Chú ở trên này hàng năm trời bán buôn, nên bị gom là không oan đâu! Khối "dân đầu đen" mang quốc tịch Trung Á, thậm chí là có hộ chiếu Nga nhưng không có tạm trú hoặc hết hạn nên vẫn bị thu gom ở ngoài bến xe, ở ga tàu điện ngầm hoặc nhan nhản ở chợ kia kìa… nói gì đến chú. Đó là chưa nói tới chuyện giấy tờ giả bán giấm dúi ở nhiều nơi.
Chị Trân, bán hàng áo da bức xúc hơn: "Anh bảo hàng hóa đã ế ẩm, sáng ra chưa mở hàng, dân tình đã chạy rầm rầm cứ như là cháy nhà đến nơi. Dân ta chạy, dân Tàu chạy, "dân đầu đen" (cách gọi người Trung Á: Tajikistan, Kyrgyzstan…) cũng chạy - mà họ là người chạy sớm nhất và nhanh nhất đấy vì đa phần giấy tờ cư trú hợp pháp của họ không có? Cả chợ cứ chạy nháo nhác cả lên. Có nhiều người trèo tường ngã tóe cả máu, nhưng vẫn tập tễnh chạy... Còn anh Bùi Xuân Ng. một chủ hàng lâu năm từ thời chợ Saliut, chợ Vòm nay về chợ Chim thì nói vẻ hài hước mà xót xa: "Bây giờ mà mở cuộc thi maratông thì dân chạy chợ chắc phải về nhất!" Cũng phải thôi, bởi bà con Việt Nam lâu nay quen sống trong nỗi lo phập phồng như vậy.
Liệu có thay đổi?
Nhiều lúc tôi cứ tự hỏi: Tại sao nhà chức trách không để người ta bán buôn một cách đàng hoàng? Ví dụ: Cứ nộp thuế hợp pháp, giấy tờ làm việc tại chợ hợp pháp, giấy tờ tùy thân hợp pháp... như tại những trung tâm thương mại khác của người Nga để khi nhà chức trách đến kiểm tra thì không có tình trạng lộn xộn nói trên. Trong thâm tâm nhiều người Việt Nam làm ăn lâu dài tại Nga cũng rất muốn như vậy. Hóa ra, mọi việc lại không đơn giản như vậy. Đây là vấn đề đang làm đau đầu các nhà chức trách Nga. Bởi lẽ, trên địa bàn thủ đô Mátxcơva, số lượng người nhập cư hợp pháp và bất hợp pháp không nhỏ, rất khó kiểm soát. Số lượng chợ cũng quá nhiều, diện tích mặt bằng lại quá lớn (lên đến hàng mấy chục ha/chợ) mặc dù từ giữa những năm 2000 đến nay đã dẹp đi hàng trăm chợ hoạt động theo kiểu tạm bợ hoặc bán tạm bợ.
Gia nhập loại hình chợ dưới dạng trung tâm thương mại quy củ và hiện đại thì liệu số người ít tiền có dám vào thuê chỗ bán hàng không? Tiền thuê mặt bằng ở đâu ra? Lại còn các khoản chi phí khác cao hơn chợ cũ nữa. Tâm lý chung là họ không thích vào bán buôn trong những nơi mà chi có thể cao hơn thu như vậy. Xem ra, dẹp bỏ đi một thói quen quả là khó khăn. Đó là chưa nói bộ phận dân nghèo Nga từ những năm 90 của thế kỷ trước trở lại đây là quen mua bán ở những loại chợ bình thường và giá cả hàng hóa rẻ có xuất xứ từ Trung Quốc, Việt Nam… Tất cả là do ở mức thu nhập của đa phần người dân Nga vẫn còn thấp, chiếm khoảng 60, 70% dân số. Giới nhà giàu Nga thì họ có thể mua sắm hàng hiệu ở các trung tâm thương mại lớn sang trọng chứ mấy ai bước vào những khu chợ nay đuổi, mai chạy mà có người nhập cư hoạt động ở đó. Hiện nay thành phần "giới nhà giàu" này chiếm khoảng 15 đến 20% dân số Nga.
Về phía các ông chủ chợ hoặc trung tâm thương mại thì sao? Rõ ràng, họ nắm được "lợi thế" đó nên càng có đất dụng võ! Số ông chủ chợ này đa phần là "dân đầu đen" nhưng ở tầng lớp cao như người Do Thái, Azerbaijan, Armenia, Gzudia...). Người Nga ít ông chủ chợ hơn, hay nói đúng ra là người Nga máu kinh doanh chợ búa như "dân đầu đen" không nhiều. Các ông chủ chợ người Trung Quốc hay người Việt Nam thời này "lép vế" hơn trước. Cụ thể là loại chợ ở Mátxcơva do các ông chủ Việt Nam cai quản đã không còn, chỉ còn tồn tại ở dưới dạng làm đại lý ăn tiền chênh lệch cho chủ chợ phía Nga hoặc "dân đầu đen" Trung Á mà thôi. Một chi tiết khác không kém phần nhạy cảm, đó là một vài vị thuộc nhà chức trách địa phương còn hy vọng duy trì tình trạng này để có thể kiếm thêm tí chút. Chính vì thế mà trong các chiến dịch "bàn tay sạch" đã lộ ra vài vị bị truy tố trước pháp luật…
Những nguyên nhân chủ quan và khách quan nói trên đã cho thấy tình trạng để có những khu chợ văn minh thực sự trong giai đoạn hiện nay còn phải vất vả chèo chống một thời gian khá lâu nữa. Và tình trạng truy quét người nhập cư bất hợp pháp sẽ còn diễn ra dài dài. Người dân còn phải chạy, phải tính toán… và cũng mong sao là họ có thể an cư mà lạc nghiệp. Bởi chính quyền Nga cũng đã đề ra rất nhiều biện pháp hữu hiệu nhằm thắt chặt quản lý lượng người nhập cư cũng như tình trạng bán buôn trên địa bàn thủ đô Mátxcơva hiệu quả hơn.