Nơi phát tiếng súng mở màn
Chính trị - Ngày đăng : 06:24, 19/12/2013
Một khẩu đội pháo tại trận địa Pháo đài Láng tháng 12-1946. (Ảnh tư liệu) |
Theo cụ Đỗ Văn Đa, chiến sĩ tự vệ xã Yên Lãng, một trong những người đã trực tiếp bắn phát đạn đầu tiên trong đêm 19-12-1946, Pháo đài Láng được thực dân Pháp xây trên diện tích 4ha. Pháo đài có 4 khẩu pháo ở bốn góc, gồm hai khẩu cao xạ 75 ly và hai khẩu 14,5 ly. Sở chỉ huy ở giữa, tầng dưới là nơi làm việc của viên đại úy chỉ huy pháo đài, tầng trên là đài quan sát. Năm 1945, Nhật đảo chính Pháp và chiếm pháo đài… Sau Cách mạng tháng Tám, Nhật giao lại pháo đài cho quân Tưởng Giới Thạch. Sau ngày quân Tưởng rút, thiếu pháo thủ nên làng Láng có 9 người được gọi vào pháo đài, trong đó có cụ Đỗ Văn Đa. Để chuẩn bị cho cuộc chiến đấu với giặc Pháp, hằng ngày những pháo thủ phải làm trận địa giả, chặt vầu rồi sơn đen để giả làm nòng pháo. Đồng chí Vương Thừa Vũ đã chỉ đạo các chiến sĩ tìm cách chuyển pháo cao xạ thành pháo mặt đất…
Cụ Đa kể lại: "Chiều ngày 19-12, Trung đội trưởng Nguyễn Ưng Gia nói với chúng tôi: Chiều nay ăn cơm sớm, sau đó ai vào vị trí nấy và chờ lệnh. Không biết có chuyện gì xảy ra nhưng chúng tôi rất tuân thủ. Hơn 20h, nội thành tắt điện tối om, khẩu lệnh của Trung đội trưởng Gia vang lên: "Bắn". 6 viên đạn pháo liên tiếp rời nòng lao ra trong đêm tối. Trinh sát báo về pháo đã bắn trúng đích khiến chúng tôi mừng vui khôn xiết. Tiếp đến ngày 21-12, cấp trên hạ lệnh bắn máy bay, chúng tôi đã bắn rơi một chiếc trong nội thành bằng cách ngắm bắn trực tiếp vì không có máy ngắm". Với những thành tích đó, ngày 22-12-1946, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi thư khen tinh thần của các chiến sĩ Pháo đài Láng. Các pháo thủ vô cùng phấn khởi, động viên nhau giữ vững trận địa để xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Bác Hồ và quân dân Thủ đô. Mãi đến ngày 11-1-1947, bộ đội Pháo đài Láng được lệnh rút ra hậu phương, mang một số khẩu pháo lên Việt Bắc…
Trải qua bước thăng trầm của lịch sử, nơi phát ra tiếng súng đầu tiên mở màn cho chiến dịch chống Pháp đã trở thành di tích lịch sử, một điểm tham quan du lịch trong nội thành và được xếp hạng quốc gia năm 1993. Khu di tích Pháo đài Láng ngày nay vẫn còn lưu giữ một khẩu pháo lớn. Đây là một trong hai khẩu pháo còn lại, là chứng tích cho sự mở đầu "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" của quân và dân Hà Nội. Bên trong khu di tích còn có nhà trưng bày, lưu giữ nhiều hiện vật quý như mô hình Hà Nội xưa, danh sách cán bộ, chiến sĩ Đại đội Pháo binh Thủ đô tham gia chiến đấu bảo vệ Hà Nội trong những ngày kháng chiến và nhiều kỷ vật, tranh ảnh, tư liệu lịch sử của quân và dân pháo đài...
Trong số 9 thanh niên làng Láng gia nhập Pháo đài Láng ngày ấy, 2 người hy sinh trong kháng chiến, 6 người đã mất do tuổi cao, chỉ còn lại cụ Đỗ Văn Đa. Năm nay dù đã gần 90 tuổi nhưng cụ vẫn đang miệt mài "truyền lửa" cho thế hệ sau để họ hiểu hơn về chiến công đánh giặc của lớp người đi trước. Cụ Đa cho biết: Từ năm 2005-2011, đã 13 lần cụ được mời đến các trường học trên địa bàn thành phố nói chuyện truyền thống cho các cháu học sinh. Kỷ niệm 67 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến năm nay, cụ là khách mời của một chương trình truyền hình nói về ngày đầu toàn quốc kháng chiến, về Pháo đài Láng, những người tự vệ Yên Lãng năm xưa và cả sự đổi thay của mảnh đất Láng Thượng hôm nay.