Phải phá được các rào cản

Giáo dục - Ngày đăng : 06:36, 18/12/2013

(HNM) - Mô hình xã hội học tập tại Việt Nam được

Mô hình XHHT tại Việt Nam được "thiết kế" ra sao và đâu là rào cản trên chặng đường này, đó là những nội dung được đề cập tại hội thảo "Xây dựng xã hội học tập: Từ tầm nhìn đến hành động" diễn ra trong hai ngày 17 và 18-12 tại Hà Nội với sự tham gia của 120 đại biểu trong nước và quốc tế.

Chưa rõ mô hình

Sau khi hoàn thành đề án Xây dựng XHHT giai đoạn 2005-2010, Việt Nam đang triển khai đề án Xây dựng XHHT giai đoạn 2012-2020. Tuy nhiên, trong nhận thức của xã hội cũng như của các nhà hoạch định chính sách, mô hình XHHT được "thiết kế" cụ thể ra sao vẫn chưa được định hình rõ ràng. Nhận định chung về XHHT coi việc học là suốt đời, ở mọi nơi, mọi lúc, mọi lứa tuổi. Theo TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) ban hành đã đánh dấu một bước chuyển trong việc định hình cho xã hội về mô hình này. Theo đó, XHHT phải bám rễ trong hệ thống GD quốc dân, nhưng đó phải là một hệ thống GD mở. Tức là, một hệ thống GD mà những rào cản trên con đường người học đến với GD dần được loại bỏ. Trong đó, rào cản đầu tiên là về nhận thức, tiếp đó là về các chính sách, tài chính, những khác biệt về địa lý… 

Cần tạo điều kiện thuận lợi để mọi người, mọi lứa tuổi, mọi trình độ có cơ hội học tập suốt đời, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng cuộc sống.Ảnh: Bảo Lâm


Cho đến nay, XHHT vẫn là một khái niệm chưa rõ ràng và thống nhất. Bên cạnh đó, những lợi ích của XHHT trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất, tinh thần cho người dân, góp phần cải thiện đời sống kinh tế, xây dựng tiến bộ xã hội cũng chưa được tuyên truyền và nhận thức đầy đủ. Ông Nguyễn Mạnh Cầm, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cũng bày tỏ sự băn khoăn: Như thế nào là XHHT? Liệu đó có phải là xây dựng XHHT từ các cấp cơ sở? Chỉ số về XHHT gồm những gì? Đó là những câu hỏi chưa có lời giải thống nhất. Theo ông Cầm, dù là mô hình ra sao thì chúng ta cần có nhận thức chung rằng, phải có sự gắn kết giữa GD trong và ngoài nhà trường. GD trong nhà trường để tạo ra nhân lực cao, còn GD ngoài xã hội là nhằm tạo cơ hội để những người lao động chưa được học tập đầy đủ, có thể tiếp thu được những tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao tri thức và năng suất lao động.

Các ý kiến tại hội thảo cũng thống nhất, chủ trương xây dựng XHHT, tạo cơ hội cho mọi người dân được học tập suốt đời là xu thế tất yếu của thời đại, cũng là thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ: "Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi...".

Việc không chỉ của ngành giáo dục

Thực tế trên cho thấy, dù đã được "khởi công" gần chục năm qua, song việc xây dựng XHHT vẫn còn là một chủ trương với những đầu việc khó định lượng. Những hiệu ứng tích cực từ việc xây dựng XHHT chưa được thể hiện rõ, nhất là trong việc cải thiện đời sống hằng ngày của mỗi người dân. Quan điểm GD trong nhà trường là chính, chiếm đa số, còn việc học ở cộng đồng phần nhiều vẫn là cho có, chưa thực sự trở thành nhu cầu tất yếu của mỗi con người. Trong khi đó, theo ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc Công nghệ và đối tác của Cisco Việt Nam thì sức mạnh của học tập phi chính quy rất lớn. Học sinh chỉ dành 14% quỹ thời gian ở trường, trong khi có đến 60% quỹ thời gian dành cho gia đình và cộng đồng, có thể học hỏi kiến thức. Còn với người lao động thì có khoảng 70% kỹ năng công việc là học qua đồng nghiệp…

Theo nghiên cứu của bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, mặc dù tỷ lệ nhập học trung bình toàn quốc ở Việt Nam đạt mức cao, song còn sự chênh lệch khá lớn giữa các nhóm đối tượng ở các cấp học; khả năng tiếp cận và chất lượng GD vẫn còn bị chi phối ảnh hưởng nhiều bởi năng lực chi trả tài chính và điều kiện địa lý. Vì vậy, nhiều người khi tốt nghiệp vẫn chưa có được những kỹ năng cần thiết, dễ có nguy cơ thất nghiệp hoặc phải làm những công việc có mức thù lao thấp. Chiến lược phát triển GD 2011-2020 cũng thừa nhận: Chất lượng GD hiện nay không đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Trong khi đó, muốn xây dựng thành công một XHHT ở Việt Nam đòi hỏi phải phá được những rào cản như đã nhắc ở trên để mọi người đều được tiếp tục học tập, trang bị những kỹ năng phù hợp nhằm cải thiện cuộc sống. Quá trình học tập diễn ra không chỉ thông qua GD chính quy mà còn trong suốt cuộc đời mỗi con người. Và theo bà Pratibha Mehta: "Cam kết trở thành XHHT của Việt Nam là yếu tố căn bản để tránh khỏi bẫy thu nhập trung bình và được chuyển giao sang nền kinh tế kỹ thuật và tay nghề cao. Điều này sẽ góp phần đặt nền tảng cho sự tăng trưởng hòa nhập và bền vững ở Việt Nam".

Thực tế trên cũng cho thấy nhiệm vụ xây dựng XHHT không phải là việc của riêng ngành GD, mà đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội. Đặc biệt cần sự nỗ lực từ mỗi con người trong việc tự học tập đến việc thi đua xây dựng "gia đình hiếu học", "dòng họ hiếu học", "cộng đồng hiếu học"… Đây cũng là điều được thể hiện trong Chỉ thị 11/CT-TƯ của Bộ Chính trị: "XHHT là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân…".

Thống Nhất