“Cỗ xe tam mã” bắt đầu vận hành

Thế giới - Ngày đăng : 06:28, 18/12/2013

(HNM) - Ngày 17-12, nội các mới của CHLB Đức đã tuyên thệ nhậm chức, chấm dứt tình trạng không có nội các mới sau bầu cử kéo dài suốt 3 tháng qua.


Theo thỏa thuận chia sẻ quyền lực giữa Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) của nữ Thủ tướng Angela Merkel và đảng Dân chủ xã hội (SPD), Chính phủ nhiệm kỳ 2013-2017 của Đức có một số thay đổi về cơ cấu các bộ. Nội các mới sẽ có 14 bộ; trong đó, CDU nắm giữ vị trí Thủ tướng, Chánh văn phòng nội các và 5 bộ; đảng Liên minh Xã hội cơ đốc giáo (CSU) nắm 3 bộ và đảng Dân chủ xã hội SPD nắm 6 bộ. Bộ Giao thông Vận tải phụ trách cả lĩnh vực cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và được đổi tên thành Bộ Giao thông và Cơ sở hạ tầng số. Lĩnh vực xây dựng vốn thuộc Bộ Giao thông, Xây dựng và Phát triển đô thị sẽ chuyển cho Bộ Môi trường, Bảo vệ thiên nhiên và An toàn lò phản ứng hạt nhân. Lĩnh vực năng lượng vốn chịu sự quản lý của Bộ Môi trường, nay sẽ chuyển hoàn toàn cho Bộ Kinh tế quản lý. Bộ Tư pháp sẽ mở rộng quản lý sang cả lĩnh vực bảo vệ người tiêu dùng (hiện thuộc quyền của Bộ Nông nghiệp) và đổi tên thành Bộ Tư pháp và Bảo vệ người tiêu dùng.

Chuyển đổi năng lượng nguyên tử sang sử dụng năng lượng tái tạo là một thách thức của tân Chính phủ Đức.



Nhìn chung, bộ máy Chính phủ mới của Đức là sự pha trộn giữa những gương mặt mới bên cạnh những gương mặt kỳ cựu. Trong đó, có tới 5 gương mặt lần đầu tiên được đưa vào nội các. Vị trí đáng chú ý nhất là Bộ Tài chính sẽ vẫn do Wolfgang Schauble - kiến trúc sư của chương trình "thắt lưng buộc bụng" được triển khai tại Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) 3 năm qua - đảm nhiệm. Như vậy, về cơ bản, sẽ không có nhiều thay đổi trong lập trường của Đức với cách thức xử lý hậu quả cuộc khủng hoảng nợ công Châu Âu.

Kể từ khi cuộc khủng hoảng nợ bắt đầu gần 4 năm trước, nước Đức đã chi 73 tỷ USD cứu trợ cho CH Síp và công khai hoặc ngầm hỗ trợ hàng trăm tỷ euro nữa theo dạng tái cơ cấu nợ và những nỗ lực kích thích kinh tế của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB). Tuy nhiên, là một đầu tàu kinh tế trong khu vực, Đức luôn kiên quyết đòi các nước phải đi theo con đường giảm thâm hụt ngân sách và giải quyết vấn đề nợ công. Yêu cầu của Berlin với các nước thành viên Eurozone được cứu trợ là phải thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng". Nhiều người cho rằng đường lối kinh tế "cứng rắn" của Berlin đã đẩy các thành viên yếu nhất trong khối vào chân tường. Thế nhưng, không thể phủ nhận rằng, một phần nhờ gói giải pháp toàn diện do Đức khởi xướng cùng với ECB và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), khủng hoảng nợ công Châu Âu đã dịu bớt và nền kinh tế Eurozone bước đầu đã có dấu hiệu phục hồi. Đây là cơ sở quan trọng để Thủ tướng A.Merkel và Bộ trưởng Tài chính W.Schauble thêm quyết tâm theo đuổi những gì đã thực hiện thời gian qua.

Điều gây ngạc nhiên nhất trong nội các nhiệm kỳ 3 của Thủ tướng A.Merkel là lần đầu tiên trong lịch sử CHLB Đức có một phụ nữ đứng đầu Bộ Quốc phòng - bà Ursula von der Leyen. Từ lâu, nữ chính trị gia sinh năm 1958 này được xem là "vũ khí vạn năng" của CDU bởi sự đa tài. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Thủ tướng A.Merkel, bà U.Leyen giữ chức Bộ trưởng Gia đình, Người cao tuổi, Phụ nữ và Thanh niên; tiếp đó, bà được cử giữ chức Bộ trưởng Lao động và Xã hội trong nội các nhiệm kỳ 2 của Thủ tướng A.Merkel. Trong quá trình đàm phán thành lập Chính phủ vừa qua, bà Ursula được đề cử nắm hàng loạt vị trí nội các, từ bộ ngoại giao, y tế, đến khoa học, nội vụ. Bà Ursula von der Leyen hiện được xem là người kế cận tiềm năng của Thủ tướng A.Merkel và trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng, rất có thể bà sẽ trở thành ứng cử viên Thủ tướng trong cuộc tổng tuyển cử vào năm 2017.

Theo nhiều nhà phân tích, dù dưới sự "chèo lái" tài tình của Thủ tướng A.Merkel, nước Đức đã vượt qua "bão" nợ khá ngoạn mục, nhưng có nhiều thách thức mà nhà lãnh đạo 3 lần được bình chọn là "người phụ nữ quyền lực nhất thế giới" phải đối mặt trong nhiệm kỳ này. Trước mắt, đó là những khó khăn trong quá trình chuyển đổi sử dụng điện hạt nhân sang năng lượng tái tạo. Hiện tại, năng lượng hạt nhân chiếm 1/5 nguồn cung năng lượng của đất nước và quyết định đóng cửa hoàn toàn các nhà máy điện này vào năm 2022 đang làm dấy lên lo ngại lớn về tài chính. Theo ước tính, việc chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo sẽ làm nước Đức phải chi tới 1,3 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Điều này có nghĩa là hóa đơn tiền điện của các hộ gia đình Đức sẽ tăng hàng năm. Trong bối cảnh kinh tế Châu Âu chưa thật sự hồi phục, chi phí điện tăng cao sẽ là mối đe dọa uy tín của không chỉ với riêng nữ Thủ tướng Đức A.Merkel mà còn với bất kỳ nhà lãnh đạo nào trong EU.

Quỳnh Chi