5 năm vẫn tắc, vì đâu?
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:26, 18/12/2013
Khu công nghiệp không nước sạch
Theo ông Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc quản lý vận hành Khu công nghiệp (KCN) Phú Nghĩa, Phó Giám đốc Dự án Khai thác nước ngầm tại xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ phục vụ KCN Phú Nghĩa, KCN hiện có 62 doanh nghiệp vào đầu tư, trong đó 60 doanh nghiệp đã đi vào sản xuất ổn định và 2 doanh nghiệp đang thực hiện dự án đầu tư xây dựng, giải quyết việc làm cho hơn 9.000 lao động địa phương và các khu vực xung quanh. Tuy nhiên, do trên địa bàn huyện Chương Mỹ hiện chưa có hệ thống cấp nước sạch tập trung và việc khai thác nguồn nước cung cấp cho nhà máy xử lý nước sạch tại chỗ gặp nhiều khó khăn, nên KCN đã rơi vào tình trạng không có nguồn nước sạch phục vụ cho các doanh nghiệp sản xuất và sinh hoạt.
Nhà máy nước Phú Nghĩa chưa thể vận hành. |
Năm 2007, Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Mỹ (đơn vị quản lý và điều hành KCN Phú Nghĩa) đã chủ động đề xuất, triển khai các bước chuẩn bị đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước sạch cung cấp cho KCN và khu nhà ở cho người lao động KCN. Ngày 16-11-2007, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã cấp Giấy phép số 41/GP-UBND, về việc thăm dò nước ngầm. Theo kết quả khảo sát thăm dò của đơn vị tư vấn báo cáo thì phạm vi khu vực khảo sát tại KCN là khu vực nghèo nước, không đủ trữ lượng nước sạch cho KCN với công suất 6.000m3/ngày đêm mà chỉ đáp ứng 500m3/ngày đêm. Căn cứ vào tài liệu địa chất thủy văn của Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường) khả năng cung cấp nguồn nước cho KCN ổn định, lâu dài là nguồn nước ngầm tại xã Phụng Châu (cách KCN 4km). Được sự chấp thuận của UBND xã Phụng Châu và huyện Chương Mỹ, Tập đoàn Phú Mỹ lập hồ sơ và ngày 11-3-2010 đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép số 490/GP-BTNMT khoan thăm dò nước ngầm.
Năm 2012, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp tại KCN, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy Nước sạch tại KCN Phú Nghĩa, với công suất 6.000m3/ngày đêm trên lô đất TT1 của KCN bao gồm hệ thống 6 giếng khai thác nước dưới đất tại xã Phụng Châu, cùng tuyến đường ống dẫn nước thô kéo từ xã Phụng Châu về nhà máy tại KCN. UBND thành phố cũng giao Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Mỹ làm chủ đầu tư để tổ chức triển khai thực hiện dự án; giao các sở, ngành có liên quan và UBND huyện Chương Mỹ hướng dẫn Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Mỹ triển khai thực hiện các thủ tục dự án theo quy định.
Với mức đầu tư 45 tỷ đồng, đến nay, dự án đã hoàn thành đến 85% khối lượng công việc. Theo ông Hoàng Tuấn Anh, khối lượng công việc này không nhiều và nếu tập trung chỉ mất vài tuần là xong, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thể thực hiện được do một số người dân không đồng tình ủng hộ, vì lo ngại khi công ty khai thác tài nguyên nước dưới đất sẽ có thể gây mất nguồn nước sạch của nhân dân hoặc sụt lún…
Cái lý của người dân
Trong đơn thư gửi các cơ quan chức năng, người dân xã Phụng Châu cho rằng, KCN thuộc xã Phú Nghĩa cách xã Phụng Châu hơn 4km không liên quan đến nhau. Giấy phép cũng ghi khu vực thăm dò thuộc phạm vi đất được giao của KCN, thì không có chuyện KCN lại thuộc địa phận xã Phụng Châu. Trao đổi với PV Báo Hànộimới, Chủ tịch UBND xã Phụng Châu Lê Bá Đồng cho biết, khi xảy ra việc khoan 6 giếng lấy nước phục vụ KCN, xã đã tổ chức cuộc họp mở rộng với sự tham gia của bí thư chi bộ, trưởng các thôn... Dù được tuyên truyền nhưng người dân Phụng Châu vẫn không đồng tình với việc một doanh nghiệp ở nơi khác đến thăm dò, khoan giếng trên đất của địa phương. Đỉnh điểm là các ngày 10 và 16-9-2013, hàng trăm người dân kéo đến trụ sở UBND xã gây ồn ào, phản đối việc thực hiện dự án nước sạch này. Người dân cũng gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng. Trước bức xúc của người dân, cơ quan có thẩm quyền yêu cầu tạm ngừng triển khai dự án, tiếp tục tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân.
Ông Nguyễn Kim Trọng, hội viên Hội Cựu chiến binh xã Phụng Châu cũng cho biết: Khi Tập đoàn Phú Mỹ về thăm dò, nhân dân không biết vì cứ ngỡ họ xây dựng nhà máy nước sạch cho địa phương. Đến khi họ khoan 6 giếng, sau đó tiến hành thau rửa đường ống thì một loạt giếng nước của dân bị mất nước hoàn toàn. Xã có 11.000 dân (sử dụng khoảng 4.000m3/ngày đêm), thêm 3.000 khẩu thuộc Trường Sư phạm Thể dục thể thao do đó nhu cầu nước sạch là rất lớn. Tập đoàn Phú Mỹ vào khai thác nước ngầm không phải phục vụ nhu cầu của dân địa phương, dẫn đến thiếu nước, rồi sụt lún ai chịu trách nhiệm?
Người dân xã Phụng Châu còn không đồng tình với việc khai thác nước ngầm vì theo Quyết định số 161/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội (ngày 9-1-2012), phê duyệt nghiệm thu Đề án “Điều tra, đánh giá khoanh định vùng cấm, vùng hạn chế và vùng cho phép khai thác sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn TP Hà Nội” và danh mục “vùng cấm, vùng hạn chế và vùng cho phép khai thác sử dụng các nguồn nước trên địa bàn TP Hà Nội”, Chương Mỹ nằm trong vùng hạn chế khai thác. Vì vậy, người dân lo ngại việc khai thác của Tập đoàn Phú Mỹ tại xã sẽ ảnh hưởng tới nguồn nước ngầm trong khu vực.
Cần có sự đồng thuận
Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đỗ Hồng Quang cho biết, dự án triển khai với đầy đủ văn bản pháp lý, nên UBND xã Phụng Châu phải có trách nhiệm vận động, tuyên truyền để người dân hiểu.
. Theo biên bản hội nghị của Hội đồng thẩm định cấp nhà nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường), giếng khoan của các hộ dân có độ sâu khoảng 25-30m, còn giếng khoan của công ty ở độ sâu khoảng 70m. Vì vậy, việc khai thác nước ở tầng chứa nước dưới 50m từ mặt đất với lưu lượng 6.000m3/ngày đêm sẽ không gây tình trạng mất nước của các giếng khai thác ở các tầng trên và không gây ra sụt lún mặt đất, không ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân.
Về điều này, ông Hoàng Tuấn Anh cũng cho rằng, khi tiến hành khai thác nước, Tập đoàn Phú Mỹ còn phải thực hiện chế độ quan trắc nghiêm ngặt với chế độ đo kiểm tra mực nước ít nhất 6 ngày/lần đối với mùa mưa và 3 ngày/lần với mùa khô. Khi có hiện tượng hạ thấp mực nước lớn hơn dự kiến hay xảy ra sụt lún, mất nước do nguyên nhân từ các giếng khai thác nước, Tập đoàn sẽ phải dừng khai thác và khắc phục hậu quả. Ông Hoàng Tuấn Anh cũng cho biết, trước mắt, để giải quyết những khó khăn của doanh nghiệp tại KCN, Tập đoàn Phú Mỹ đã đề xuất với các cơ quan chức năng cho phép tập đoàn tổ chức thi công, xây dựng và lắp đặt hoàn thiện đường ống dẫn nước thô và 3 giếng khai thác nước dưới đất theo quy định.
Có thể thấy, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án, Nhà máy Nước sạch tại KCN Phú Mỹ rất cần có sự đồng thuận giữa đơn vị triển khai dự án và người dân xã Phụng Châu, đồng thời có sự chỉ đạo, hỗ trợ xử lý của các cơ quan chức năng của thành phố và huyện Chương Mỹ.