Năm 2014, hạn chế đầu tư các mặt hàng có giá trị gia tăng thấp
Kinh tế - Ngày đăng : 12:37, 16/12/2013
Năm 2013: Sản xuất phục hồi, xuất khẩu tăng mạnh
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết: Sản xuất công nghiệp đang trên đà phục hồi, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Năm 2013, chỉ số sản xuất công nghiệp dự kiến cả năm tăng 5,6% so với cùng kỳ, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái (năm 2012 tăng 4,8% so với năm 2011), thể hiện được sự cố gắng của toàn ngành, nhất là của đội ngũ các doanh nhân Việt Nam. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Trong lĩnh vực công nghiệp đã tập trung phát triển các ngành có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng; sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến nông-lâm-thuỷ sản được quan tâm hỗ trợ phát triển. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng từ 60,2% năm 2010 lên khoảng 78% năm 2013. Tình hình hàng tồn kho, hàng ứ đọng trong doanh nghiệp nhìn chung đã có chuyển biến tích cực, chỉ số tồn kho trong lĩnh vực chế biến, chế tạo đã giảm dần.
Bên cạnh đó, xuất nhập khẩu của nước ta thời gian qua đã có bước phát triển đáng kể, quy mô và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hoá đều đạt và vượt các chỉ tiêu đặt ra. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá cả năm ước đạt khoảng 132 tỷ USD, tăng 15,3% so với năm 2012, vượt chỉ tiêu so với kế hoạch của Quốc hội đề ra (là 126,1 tỷ USD, tăng 10%).
Hoạt động điều hành nhập khẩu trong thời gian vừa qua đã đảm bảo cho nhu cầu sản xuất, xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, hạn chế các tác động tiêu cực của biến động giá cả thế giới tới sản xuất trong nước, đồng thời tập trung kiểm soát nhập khẩu những mặt hàng không thiết yếu, góp phần từng bước giảm nhập siêu với tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá cả năm ước đạt khoảng 132,5 tỷ USD, tăng 16,5% so với năm 2012, nhập siêu cả năm ước khoảng 500 triệu, bằng 0,38% kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn mục tiêu của Quốc hội giao (là 8%), có nghĩa là cán cân thương mại năm 2013 về cơ bản là cân bằng.
Đối với thị trường trong nước, cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, đáp ứng đủ các nhu cầu về sản xuất và tiêu dùng của mọi tầng lớp dân cư, không để xảy ra tình trạng sốt giá do thiếu, khan hiếm hàng hóa. Quy mô thị trường trong nước không ngừng nâng cao, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 14% so với năm 2012.
Năm 2014: Đột phá bằng phát triển sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng có công nghệ cao
Bước vào thực hiện kế hoạch năm 2014, cùng với việc chuẩn bị hình thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 và ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các Hiệp định thương mại tự do với EU, với liên minh thuế quan Nga - Belarus - Kazakhstan và với các đối tác lớn khác….; Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhận định, một mặt sẽ mở ra cho nước ta nói chung và ngành Công thương nói riêng những thuận lợi và cơ hội phát triển mới, nhưng mặt khác cũng đặt ra nhiều thách thức, khó khăn.
Trong năm 2014, Bộ Công thương lên kế hoạch tiếp tục phát triển công nghiệp đảm bảo tính bền vững, hiệu quả với giá trị gia tăng công nghiệp - xây dựng tăng khoảng 6,4-6,6%, đảm bảo sự gắn kết một cách thực sự giữa công tác quy hoạch sản xuất trong nước với công tác thị trường ngoài nước; phát triển có chọn lọc những ngành công nghiệp mà nước ta có nhiều lợi thế...
Đối với xuất khẩu, năm 2014, Việt Nam phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trên 10%. Để thúc đẩy xuất khẩu, Bộ Công thương xác định cần phát triển xuất khẩu các mặt hàng mới là các mặt hàng chế tạo có công nghệ trung bình và công nghệ cao, phù hợp với xu hướng tiêu thụ của thị trường thế giới và định hướng chiến lược xuất khẩu với lợi thế của Việt Nam, đây được coi là khâu đột phá.
Bộ trưởng khẳng định, nước ta sẽ không khuyến khích và có lộ trình phù hợp hạn chế đầu tư sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng thấp hoặc lĩnh vực sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Chú trọng phát triển các mặt hàng xuất khẩu thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm năng lượng và tài nguyên thiên nhiên.
Đối với nhập khẩu, năm 2014, Bộ Công thương dự kiến nhập siêu được duy trì ở mức 6% hoặc thấp hơn nữa so với tổng kim ngạch xuất khẩu, khuyến khích nhập khẩu công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ nguồn; hạn chế nhập khẩu các loại hàng hóa mà trong nước đã sản xuất được với chất lượng đảm bảo và giá cả cạnh tranh; hạn chế nhập khẩu hàng xa xỉ; đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp thay thế nhập khẩu.
Đối với thương mại nội địa, Bộ trưởng nêu mục tiêu năm 2014 phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ nội địa đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 14%. Bảo đảm cân đối cung cầu những mặt hàng trọng yếu của của nền kinh tế và tiến tới thỏa mãn nhu cầu ngày càng nhiều mặt hàng tiêu dùng cho nhân dân.